Kỳ vọng năm 2020

.

Khép lại năm 2019, cũng là thời điểm các ngành, địa phương ở TP. Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng, quyết tâm cho năm mới 2020. Đó là những mục tiêu, định hướng rất cụ thể cho các vấn đề trọng yếu như đầu tư, môi trường, giao thông, du lịch, thu ngân sách, an toàn thực phẩm…

* Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Năm 2020 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư” mà UBND thành phố đã ban hành tại Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 24-6-2019; trong đó, hoàn thiện phần mềm quản lý liên thông và tích hợp trên các thiết bị di động, thông minh để lãnh đạo thành phố theo dõi việc xử lý thủ tục cho từng dự án cụ thể; chủ trì triển khai có hiệu quả Nghị quyết 149/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố.

Sở rà soát lại các vướng mắc, đối với các dự án đang có nhà đầu tư tiềm năng, xây dựng kế hoạch xử lý trình UBND thành phố ban hành làm cơ sở để các ngành khẩn trương triển khai, sớm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung thành phố, trả kết quả qua bưu điện; xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh trong việc tiếp cận các chính sách kích cầu đầu tư, ưu đãi về thuế, xuất nhập khẩu, vay vốn ngân hàng, mở rộng nhà xưởng; đổi mới trang thiết bị, công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến…

* Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố

Năm 2020, Sở Giao thông vận tải tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác điều chỉnh quy hoạch chung bảo đảm gắn kết đồng bộ, chặt chẽ giữa quy hoạch không gian đô thị với quy hoạch giao thông; trong đó, tập trung hoàn thiện mạng lưới tuyến vành đai, các tuyến trục chính đô thị theo hướng bắc-nam, đông-tây; hệ thống giao thông tĩnh, các đầu mối giao thông (sân bay, ga đường sắt, bến xe, trạm trung chuyển,…) bảo đảm kết nối với các loại hình giao thông phát triển theo định hướng vận tải công cộng; tiếp tục triển khai các giải pháp về tổ chức giao thông như đường một chiều; cấm đỗ xe ngày chẵn, lẻ, cấm đỗ xe giờ cao điểm... Đặc biệt, sẽ tiến hành phân luồng xe container theo các tuyến vành đai; phân luồng giao thông phục vụ thi công và triển khai các nút giao trọng điểm như: nút giao khác mức phía tây cầu Trần Thị Lý, nút phía tây cầu Rồng, phía tây cầu Tiên Sơn… Tiếp tục triển khai cải tạo một số nút dọc tuyến Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn; các nút giao dọc tuyến ven biển; ưu tiên triển khai đầu tư công một số bãi đỗ xe công cộng, trạm trung chuyển từ ngân sách thành phố tại khu vực trung tâm; sử dụng các khu đất trống công cộng để khai thác làm bãi đỗ xe tạm phục vụ giai đoạn trước mắt...

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống xe buýt, xúc tiến phát triển loại hình vận tải đa phương thức hỗ trợ trong vận tải đô thị. Hoàn thiện các đề án, cơ chế chính sách quan trọng, căn cơ trong việc hạn chế ùn tắc giao thông trong năm 2020, làm cơ sở triển khai trong giai đoạn tiếp theo nhằm kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân, hạn chế phương tiện vào trung tâm để chống ùn tắc giao thông.

* Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường: Môi trường sống xanh-sạch-đẹp là yếu tố tiên quyết

Với vai trò là cơ quan tham mưu về lĩnh vực tài nguyên-môi trường, ngành sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, cần bảo đảm môi trường sống trong lành, an toàn, “xanh-sạch-đẹp”, bởi đây là một trong những điều kiện tiên quyết thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, là yếu tố khẳng định cho việc bảo đảm về danh hiệu “thành phố đáng sống”. Tôi mong muốn các dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật lĩnh vực môi trường sớm được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, chẳng hạn như dự án cải thiện môi trường nước phía đông, dự án nhà máy xử lý rác thải, nước thải; tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả kế hoạch phân loại rác tại nguồn… Các hoạt động vì môi trường trên rất cần sự chung tay, đồng hành, cùng vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân thành phố đối với các kế hoạch, chương trình nhằm cụ thể hóa Đề án “thành phố môi trường giai đoạn 2020-2025” hướng đến một đô thị sinh thái trong tương lai.

Về vấn đề đất đai - luôn là nguồn lực quan trọng trong việc bảo đảm thu hút đầu tư, tôi mong các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương sớm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại về quản lý đất đai để khơi thông nguồn lực này. Bên cạnh đó, việc công khai minh bạch về quỹ đất kêu gọi đầu tư thông qua cổng thông tin điện tử đất đai là hết sức cần thiết; đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng đô thị là giải pháp có ý nghĩa lớn góp phần vào triển khai thực hiện tốt chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”.

* Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Kỳ vọng “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn sẽ có những bước tiến đột phá

Thời gian qua, mặc dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp, đặc biệt là xử phạt mạnh tay các tổ chức, cá nhân vi phạm, song, nguy cơ chúng ta đối mặt với ô nhiễm thực phẩm, các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống không đạt chất lượng là rất cao. Chính vì thế, trong giai đoạn tới, tôi kỳ vọng “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn của thành phố sẽ có những bước tiến dài và đột phá hơn. Để làm được điều đó, trước hết cần sự vào cuộc của chính người tiêu dùng; cần mạnh dạn tố giác, phản ánh những hành vi sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu cho cơ quan chức năng. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi nhận thấy còn quá nhiều việc phải làm để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho người dân. Công tác tuyên truyền, tập huấn cần được đẩy mạnh, song song với sự kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở tầm vĩ mô có sự bắt tay, phối hợp giữa 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, nhưng trên thực tế vẫn còn sự chồng chéo, thiếu nhịp nhàng nên vô tình tạo ra những khoảng trống trong công tác quản lý. Chính vì thế, sự vào cuộc kịp thời, sự phối hợp hiệu quả giữa 3 bộ này cũng góp phần mang lại bức tranh tươi sáng hơn về công tác quản lý thực phẩm, thông qua những quyết sách kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn: Tiếp tục phát huy thế mạnh ngành du lịch

Năm 2020, để tiếp tục phát huy ngành du lịch mũi nhọn, quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục chú trọng công tác quảng bá, hoàn thiện đề án phát triển du lịch tại Khu căn cứ cách mạng K20, phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, đề án phát triển khu phố du lịch An Thượng; tập trung cải thiện môi trường văn hóa, văn minh du lịch; nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Vu lan… ngày càng quy mô, chất lượng với nhiều hoạt động, sự kiện làm gia tăng lượng khách tham quan hằng năm. Đồng thời, quận tiếp tục tập trung mọi nguồn lực thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, làm tốt công tác quản lý đất đai, công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch để tiến tới hoàn thành chương trình phát triển đô thị Ngũ Hành Sơn; đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông các tuyến nội thị. Song song, quận quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án về du lịch sinh thái.

Đặc biệt, quận sẽ tăng cường kiểm soát, làm tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm du lịch, bảo đảm môi trường trong sạch, xây dựng thương hiệu làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn phát triển xa hơn; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác chỉnh trang, phát triển đô thị, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững… Với những giải pháp phát triển du lịch trong năm nay, hy vọng sẽ tạo đột phá, góp phần đạt 100% chỉ tiêu thu ngân sách của kế hoạch đề ra (943 tỷ đồng ).

Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà: Đẩy mạnh các giải pháp thu ngân sách

Năm 2020, quận Sơn Trà đặt nhiều kỳ vọng vào sự chuyển mình phát triển cùng thành phố, tập trung cao độ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế mũi nhọn; trong đó, tập trung thu ngân sách địa phương đạt 100% kế hoạch là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Theo số dự kiến thu thành phố giao năm 2020 tăng cao so với ước thực hiện 2019 và không loại trừ các khoản thu phát sinh đột biến lớn, nên khả năng thực hiện dự toán năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. UBND quận Sơn Trà dự kiến dự toán tổng thu trên địa bàn là 845 tỷ đồng, trong đó khối quận 719,37 tỷ đồng, khối phường là 125,63 tỷ đồng.

Để phấn đấu thu đạt chỉ tiêu, quận tập trung vào một số giải pháp như: triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp quản lý thuế, tăng cường khai thác các nguồn thu phát sinh trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế về chính sách thuế mới; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và giải đáp các vướng mắc của người nộp thuế bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, phối hợp với UBND các phường rà soát hộ kinh doanh để kịp thời đưa vào bộ quản lý thu thuế đối với hộ mới ra kinh doanh và các hộ chưa quản lý thu; khảo sát tình hình hoạt động kinh doanh để điều chỉnh doanh thu, số thuế phải nộp phù hợp thực tế sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế; đẩy mạnh kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo kế hoạch; triển khai công tác chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực thất thu thuế; tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đúng quy định.

NGỌC PHÚ - PHAN CHUNG ghi

;
;
.
.
.
.
.