Những người trẻ đón Tết xa nhà

.

ĐNO - "Giáp Tết, em và mẹ gọi điện cho nhau nhiều lắm. Tết này em đã báo trước với mẹ là không về được, nhưng mẹ vẫn hay gọi hỏi là "Khi nào con về?" hay "Con có về ăn Tết không?". Mặc dù mẹ biết rõ em ở lại làm Tết, mà vẫn cứ mong em về…". Đó là nỗi niềm của một bạn trẻ xa quê ở lại Đà Nẵng làm thêm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. 

Rah.
Sinh viên Rah L.H.C, quê Gia Lai chọn làm thêm dịp Tết ở quán cà-phê. Ảnh: TRƯỜNG KỲ

Thử thách bản thân với việc thời vụ

Bến xe Trung tâm Đà Nẵng trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý trở nên hối hả, nhộn nhịp hơn. Đằng sau khu quầy bán vé tấp nập người mua là những nhân viên liên tục ghi vé, thối tiền và trao đổi thông tin về chuyến xe với khách. Trong số đó, có nhiều bạn trẻ, đa số là nữ, đang ngồi quầy vé làm việc thời vụ.

Tranh thủ ngớt khách mua vé, sinh viên Trần M.L (21 tuổi, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) ngồi quầy vé, kể: “Ngày bình thường thì không sao nhưng cứ vào dịp lễ, Tết thì khách đông, gần như ghé quầy liên tục. Có ngày em phải ngồi quầy từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới ăn. Lúc đó bụng đói rồi, nên bữa ăn sẽ là ăn sáng và ăn trưa gộp lại”. Tết này, L. có ca làm việc bắt đầu từ ngày mồng 3.

L. quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, học ở Huế nhưng Tết hoặc hè lại làm thêm tại Đà Nẵng. So với nhiều người trẻ chọn Đà Nẵng để làm thêm, quê của L. không quá xa thành phố, thế nhưng bạn trẻ này vẫn chọn công việc ngồi quầy vé như một thử thách với bản thân. L làm việc này từ năm 2019, tranh thủ 2 tháng nghỉ hè để làm. Bây giờ đến Tết lại xin làm tiếp. Nhà không quá khó khăn nhưng L muốn làm thêm để tự trang trải tài chính cho bản thân.

Với L., do nhà không xa nên cô sinh viên Quảng Nam không có cảm giác nhớ nhà quá nhiều trong những ngày lễ, Tết, thay vào đó là rát cổ, đau vai vì phải ngồi nhiều, nói nhiều cả ngày. “Ai cũng nghĩ công việc của em và các anh chị ở quầy vé là nhẹ nhàng, nhưng thực ra cũng mỏi lắm, vì phải cố định một chỗ. Da dẻ có sáng sủa đến mấy cũng khô đi, đen sạm và nổi mụn do ngồi trong quầy vé mở máy lạnh”, L. kể.

Như để minh chứng cho áp lực bán vé, L. cho biết đã từng thối nhầm tiền cho khách chỉ vì quá mệt và hoa mắt. “Em nhìn nhầm tờ 500.000 đồng và tờ 20.000 đồng, thối nhầm cho khách mà không hề hay biết, sau đó phải bỏ tiền túi ra bù lại. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ của em trong những ngày không ở nhà dịp Tết”, L. tâm sự.

L đã quen với việc đi làm thêm dịp Tết nên không tủi thân mấy, tuy nhiên cũng có lúc chạnh lòng khi chưa có dịp đi đâu đó nhiều trong ngày Tết. Người ta về đoàn tụ với gia đình, còn L có gia đình mà chưa về được nhưng dù sao cũng là trải nghiệm tốt với bản thân.

Ăn Tết xa nhà

“Năm đầu tiên làm thêm xa nhà, Tết không về với gia đình, em cũng buồn và nhớ nhà lắm, nhưng giờ thì quen rồi”, Nguyễn T.T - sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.

T. là người Quảng Trị, 22 tuổi, đang trong đợt thực tập ở một doanh nghiệp khởi nghiệp. Tết này, T. xin làm bán thời gian ở một quán cà-phê. “Thường thì dịp Tết, em ở lại làm đủ việc, như năm trước em làm ở một trung tâm dịch vụ giải trí và quán cà-phê. Lý do ở lại thì ai cũng biết rồi, đó là kiếm tiền tự trang trải chi phí cho bản thân…”, T. nói

Trong khi đó, sinh viên Rah L.H.C (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) không giấu nổi sự xúc động: “Giáp Tết, em và mẹ gọi điện cho nhau nhiều lắm. Tết này em đã báo trước với mẹ là không về được, nhưng mẹ vẫn hay gọi hỏi là “Khi nào con về?” hay “Con có về ăn Tết không?”. Mặc dù mẹ biết rõ em ở lại làm Tết, mà vẫn cứ mong em về…”.

Cậu sinh viên 22 tuổi, đến từ tỉnh Gia Lai, đang đảm nhận song song hai việc, một là nhân viên bán thời gian ở một cửa hàng cà-phê, hai là nhân viên giao hàng. C. kể, bản thân cũng muốn về, nhưng ngặt nỗi điều kiện gia đình còn khó khăn. Lúc C. học năm nhất, mẹ C. đã phải chạy vạy lo tiền tàu xe cho con trai ra vào Đà Nẵng - Gia Lai trong dịp lễ, Tết. Sang năm thứ hai của đời sinh viên, sợ mẹ cực nhọc, C. quyết định ở lại Đà Nẵng làm thêm dịp Tết để có tiền tự trang trải.

“Tết năm ngoái, em tìm được chỗ làm thêm xuyên Tết ở Gia Lai nên quyết định về nhà rồi đi làm cùng với mẹ. Năm nay, gia đình lại túng hơn, tiền đi lại em sẽ lo được nhưng tiền sinh hoạt thì bị động, em ngại cảnh mẹ mình phải đi vay mượn nên ở lại để đỡ cực cho mẹ”, C. kể.

Chọn việc làm thêm trong Tết ở Đà Nẵng, chắc hẳn người xa nhà như C. không tránh khỏi những lúc tủi thân. C. nhớ lại đêm giao thừa ở Đà Nẵng hồi năm nhất đại học: “Chỗ làm cho em về sớm. Em không biết phải đi đâu, thấy cô độc lắm. Càng loanh quanh giữa dòng người đông đúc, nhộn nhịp lại càng thấy nhớ nhà. Chạnh lòng nhất là thấy gia đình người ta kéo nhau ra cầu Rồng xem bắn pháo hoa mừng năm mới…”.

C. hy vọng về những cái Tết sau ấm áp hơn, gần gũi hơn với gia đình.

TRƯỜNG KỲ

;
;
.
.
.
.
.