Khu vực ven biển đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) và ven sông Cổ Cò (đoạn từ đường Huyền Trân Công Chúa đến giáp tỉnh Quảng Nam) chưa có hệ thống thu gom nước thải riêng nên nước thải vẫn chảy ra biển, sông qua các cống thoát nước mưa chống ngập úng, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Hiện các đơn vị chức năng đang đề xuất xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng cho các khu vực nói trên và tuyến cống chuyển hướng thoát nước mưa từ ven biển về sông Hàn.
Nước thải thường xuyên chảy ra cửa xả Furama và tràn ra bãi biển. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Khu vực bờ biển đoạn từ khách sạn Furama đến khu du lịch Vinpearl Luxury Đà Nẵng có 4 cửa xả nước mưa ra biển nhằm thoát nước, chống ngập úng. Tuy nhiên, do hệ thống cống thoát nước hiện trạng là thoát nước chung (nước mưa và nước thải) nên vào mùa mưa cũng như mùa khô, nước thải vẫn thường xuyên chảy tràn ra các bãi biển, gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị, nhất là tại cửa xả ở giữa khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana; cửa xả ở phía nam khu du lịch Silver Shores và cửa xả ở phía bắc khu du lịch Hyatt Regency Đà Nẵng.
Mặt khác, quy hoạch thoát nước của thành phố từ trước đến nay là thoát nước mưa khu vực ven biển về phía biển nhưng trước tình hình nước mưa và nước thải chảy ra gây ô nhiễm và mất mỹ quan bãi biển đẹp, nhiều người dân, các chuyên gia và nhà quản lý đã có ý kiến chuyển hướng thoát nước về phía sông Hàn… Tương tự, tại khu vực từ đường Huyền Trân Công Chúa đến giáp Quảng Nam vẫn chưa được thu gom nước thải riêng. Cạnh đó, vẫn chưa thể thu gom nước thải từ các khu đô thị Phú Mỹ An, FPT, Trường Đại học Mỹ - Thái Bình Dương (APU) nên nước thải vẫn theo cống thoát nước mưa chảy vào sông Cổ Cò.
Từ đề xuất và kiến nghị của UBND thành phố, vào ngày 11-7-2019, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 252/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2020, trong đó có bổ sung một số hạng mục thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng gồm: hệ thống thu gom nước thải riêng và tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ sân bay Nước Mặn đến đường Phạm Hữu Nhật và lưu vực cửa xả Furama; hệ thống thoát nước thải lưu vực dọc sông Cổ Cò đoạn từ đường Huyền Trân Công Chúa đến giáp tỉnh Quảng Nam.
Vừa qua, Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (đơn vị điều hành dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng) đã đề nghị phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch thoát nước thải tỷ lệ 1/500 đối với các hạng mục công trình nói trên. Trong đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch thu gom nước thải riêng đối với lưu vực cửa xả Furama rộng 54ha, lưu vực từ sân bay Nước Mặn đến đường Phạm Hữu Nhật là 271ha; lưu vực dọc sông Cổ Cò đoạn từ đường Huyền Trân Công Chúa đến giáp tỉnh Quảng Nam là 197,2ha và nghiên cứu tiếp nhận nước thải từ các khu vực ở phía tây sông Cổ Cò với tổng diện tích khoảng 300ha.
Theo đó, đối với nghiên cứu quy hoạch chuyển hướng thoát nước mưa về lưu vực cửa xả Furama (ven biển) về sông Hàn, sẽ nghiên cứu thi công tuyến cống mới dọc đường Hồ Xuân Hương hướng dốc về sông Hàn với chiều dài 1,36km để thu gom nước mưa, thoát ra sông. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng tuyến cống nước mưa dọc đường Lưu Quang Thuận với chiều dài 220m để thu gom và chuyển hướng thoát nước mưa của lưu vực phía tây đường Dương Thị Xuân Quý và Lưu Quang Thuận về tuyến cống xây mới dọc đường Hồ Xuân Hương; thi công tuyến cống dọc đường Lê Văn Hiến với chiều dài 300m để thu gom nước mưa cho lưu vực phía tây của tuyến đường này.
Về quy hoạch, thành phố sẽ chuyển hướng thoát nước mưa từ sân bay Nước Mặn đến đường Phạm Hữu Nhật về sông Hàn, nghiên cứu xây dựng tuyến cống thoát nước dọc đường Nguyễn Khắc Viện có hướng dốc từ đường Nguyễn Đức Thuận về đường Minh Mạng và hướng dốc từ đường Phạm Hữu Nhật về đường Minh Mạng với tổng chiều dài 1,63km để thu gom và thoát nước mưa cho toàn bộ lưu vực phía tây tuyến đường Nguyễn Khắc Viện.
Đồng thời thi công tuyến cống mới dọc đường Minh Mạng để tiếp nhận nước mưa dẫn về sông Hàn với tổng chiều dài khoảng 1,11km. Cùng với đó, thi công tuyến cống dọc đường Nguyễn Đức Thuận và Lê Văn Hiến với tổng chiều dài 720m để thu gom nước mưa tại lưu vực phía tây đường Lê Văn Hiến chảy về sông Hàn.
Theo Sở Xây dựng, qua nghiên cứu đề xuất của Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, việc thu gom nước thải riêng và chuyển hướng thoát nước mưa về sông Hàn là phù hợp với quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng và các tiêu chuẩn hiện hành.
Tuy nhiên, các hạng mục nói trên đang gặp vướng mắc về quy hoạch thoát nước Đà Nẵng, nên Sở Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố giao Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành để làm cơ sở thực hiện quy hoạch chi tiết và các thủ tục tiếp theo đúng quy định.
Ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho hay, hiện đơn vị đang đề xuất quy mô đầu tư (kinh phí, chiều dài, khẩu độ cống…) cũng như các hồ sơ, thủ tục để chuẩn bị đầu tư các hạng mục nói trên.
Có một điểm thuận lợi là Ngân hàng Thế giới (WB – đơn vị tài trợ vốn cho dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng) rất ủng hộ việc nghiên cứu, triển khai thực hiện các hạng mục này để xử lý dứt điểm tình trạng nước thải chảy ra bãi biển và môi trường.
“WB và thành phố cũng đã có chủ trương về đầu tư các hạng mục công trình này, bây giờ chỉ còn hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công thực tế. UBND thành phố cũng đã cấp vốn để thực hiện các hạng mục này trong năm 2020”, ông Vũ nhấn mạnh.
HOÀNG HIỆP