ĐNO – “Máu, xương của đồng đội đã hòa vào Khánh Thượng. Chỉ có tôi còn may mắn được sống sót sau 3 lần “thập tử nhất sinh” để nhớ lại ký ức. Bây giờ, máu đã ngừng chảy, chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh những người đồng đội ngã xuống có lẽ sẽ ám ảnh mãi mãi…”.
Ông Trần Văn Tần kể lại ký ức chiến tranh cho thế hệ trẻ ghi lại. Ảnh: XUÂN SƠN |
Người lính trẻ Trần Văn Tần của Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) năm nào nay đã 75 tuổi. Bây giờ, ông đang tận hưởng những ngày yên vui của tuổi già bên con cháu, trong căn nhà ở đường Hải Hồ (phường Thanh Bình, quận Hải Châu). Đơn vị của ông, còn được gọi với cái tên “Trung đoàn thép” hay Trung đoàn Ba Gia – cái tên gắn với chiến thắng Ba Gia vào tháng 5-1965 tại địa bàn Tây Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Năm ấy, sự mưu trí, gan dạ của quân Ba Gia và nhân dân địa phương đã “diệt sạch” 1 chiến đoàn gồm 3 tiểu đoàn chủ lực của quân ngụy, góp phần phá tan chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ thời bấy giờ…
3 lần “trở về từ cõi chết”
Cả cuộc đời người lính, với ông Tần, những năm tháng ở Trung đoàn Ba Gia nói riêng, hoạt động cách mạng nói chung bao giờ cũng đầy tự hào. Niềm tự hào đó ông ghi lại thành tập hồi ký kháng chiến rồi trân trọng cất giữ ở một góc nhà. Trong đó, ông ghi cặn kẽ những ngày tham gia hoạt động chính trị tại Biệt khu đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn, bị địch bắt và tuyên phạt tù treo (tháng 10-1964), trốn khỏi Sài Gòn rồi tiếp tục chiến đấu, tham gia Đại đội 12 li 8 thuộc Trung đoàn Ba Gia (năm 1965), ngày trở về Giải phóng Đà Nẵng (1975) và đặc biệt là 3 lần “trở về từ cõi chết”…
Trong “Chiến lược mùa khô” của địch năm 1966, quân đội Mỹ huy động thủy – lục – không quân, đặc biệt là đội quân Rồng Xanh tàn bạo càn quét vùng Tây Sơn Tịnh. Ông Tấn cùng các đồng đội ở Trung đoàn Ba Gia ngày ấy không tránh khỏi những tổn thất về thể xác và cả tinh thần. “Đó là một cuộc chiến không cân sức giữa quân mình với quân đội Mỹ có vũ khí tối tân, hiện đại. Đơn vị tôi chiến đấu với địch suốt một thời gian dài, đồng đội tôi cũng ngã xuống gần hết sau những loạt đạn”, ông Tần nói.
Vừa xong, ổng chỉ vào bả vai, nơi còn 31 mảnh đạn sau một lần kẻ thù nổ súng ở căn cứ Đồi Tranh – Quang Thạnh. Đó là một trong những lần “thập tử nhất sinh” của người chiến sĩ Trần Văn Tần giữa núi rừng Quảng Ngãi.
Lần khác, là ở Khánh Thượng – là nơi mỗi lần nhắc đến là thêm một lần ông Tần nhói trong lồng ngực. Nơi ấy, với ông là cả đau thương. Ông kể, tháng 4-1966, đơn vị hỏa lực dừng chân nghỉ ngơi tại nhà dân ở thôn Khánh Thượng (nay là xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Chẳng ai ngờ, thông tin về địa điểm đóng quân của đơn vị bị lộ ra ngoài, lọt tới vành tai kẻ thù đang chực chờ giương súng.
“Pháo, bom, súng của địch tập kích về Khánh Thượng. Anh em tập trung hỏa lực chiến đấu cảm tử, kiên cường chống trả buộc địch phải co cụm, thế nhưng cũng hy sinh gần hết. Tôi bị một phát đạn găm vào ngực, máu chảy trào. Anh Mười (Đại đội phó Đại đội 12 li 8 – PV) bảo tôi tìm chỗ nằm rồi chính anh chỉ đạo anh em chiến đấu. Tôi bò được đến một cửa hầm thì bất tỉnh”, ông Tần nhớ lại.
Khi ông tỉnh dậy đã thấy hai người đồng đội quê Quảng Nam là Nha (quê Hiệp Đức) và Toại (quê Thăng Bình) nằm bên cạnh. Cả 3 đều bị thương nặng nhưng quyết tâm “thà hy sinh chứ nhất quyết không đầu hàng”. Ngay sau đó chưa lâu, từ cửa hầm nơi 3 người trú ẩn, một loạt đạn nã vào. “Cứ tưởng mình hy sinh đến nơi, nhưng rồi Nha và Toại gục tại chỗ, chỉ có tôi may mắn sống sót. Sau khi kẻ thù bỏ đi, tôi lết ra khỏi trận địa và được người dân cứu, đưa vào trạm gác”, ông Tần kể lại.
Lần thứ ba, tại trạm gác kể trên. Vết thương của người lính không được băng bó cứ thế vón cục, cơ thể ông Tần cứ thế lịm đi rồi bất tỉnh. Một người trung đội trưởng tưởng ông đã hy sinh nên đề nghị mọi người đưa ông đi chôn cất. Nhắc lại kỷ niệm, ông nói “May mắn, một người anh phát hiện tôi vẫn còn thở thoi thóp nên việc chôn cất dừng lại kịp thời. Sau đó tôi được đưa đi phẫu thuật”.
“Máu, xương của đồng đội đã hòa vào Khánh Thượng. Chỉ có tôi còn may mắn được sống sót sau 3 lần “thập tử nhất sinh” để nhớ lại ký ức. Bây giờ, máu đã ngừng chảy, chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh những người đồng đội ngã xuống có lẽ sẽ ám ảnh mãi mãi…”, ông Tần xúc động chia sẻ.
Hình ảnh những chuyến đi về chiến trường xưa được ông Tần lưu giữ lại. Ảnh: XUÂN SƠN |
Nghĩa tình của người ở lại
“Tôi hay nhớ về những cuộc nói chuyện với đồng đội trong hầm. Chiến tranh bạo tàn, bom đạn không chừa một ai cả. Anh em ra trận luôn chuẩn bị tinh thần sẽ hy sinh bất kỳ lúc nào, nay sống, mai có thể chết. Vì thế mà linh cảm của người lính ngày ấy đôi khi chính xác”, ông Tần mở đầu câu chuyện về người đồng đội Phạm Ngọc Mân ở Trung đoàn Ba Gia năm nào.
“Năm ấy là 1965 ở Quảng Ngãi. Ban đêm, ngủ trong hầm, Mân tự nhiên hỏi tôi: “Sau này hòa bình, liệu mình có còn gặp lại nhau?”. Tôi gạt đi, bảo cái thằng nghĩ linh tinh, lo nghỉ ngơi mai còn ra trận. Thế mà cả đêm ấy ai cũng trằn trọc. Hôm sau, Mân ngã xuống chiến trường ở tuổi đôi mươi…”, ông Tần kể.
Hơn 30 năm sau, ông Tần mới tìm được nơi ông Mân ngã xuống để thắp cho người đồng đội một nén nhang. Rồi mất thêm 7 năm nữa, ông và gia đình, bạn bè mới có dịp trở lại đất Khánh Thượng. Khánh Thượng đã thay đổi nhiều, trong buổi hội ngộ, có bà lão lưng còng tóc bạc phơ vẫn còn nhớ, hỏi mãi người trở lại: “Cái chú bộ đội bị thương năm 1966 còn sống không? Chừ ở đâu?”. Ông Tần nói, đó là cái nghĩa, cái tình của nơi đã sinh ra ông lần thứ hai.
Cũng vì nghĩa tình với đồng đội và chiến trường xưa mà ông và vợ cất công đi tìm những người lính không may nằm lại quê người. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Tần tham gia làm nhiệm vụ tại Campuchia 10 năm trước khi về làm chủ nhiệm hậu cần Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Về hưu, có thời gian rảnh, năm 2008, ông bắt đầu đi tìm mộ ông Nha, ông Toại – hai người đồng đội đã ngã xuống ngày trước.
Ông Tần (thứ hai, từ phải qua) cùng gia đình và đồng đội tìm về chiến trường xưa. Ảnh: NVCC |
Hai vợ chồng ông Tần lặn lộn về Thăng Bình rồi Hiệp Đức mới hay tin cả hai đồng đội đều không có giấy báo tử, hồ sơ cá nhân đều đã thất lạc. Không bỏ cuộc, ông bà bắt đầu hành trình dài “tìm lại tên” cho người đã khuất. Sau một thời gian, ông phát hiện ra ông Nha và ông Toại đang yên nghỉ tại nấm mồ chung của 112 liệt sĩ khác. Nhiều người trong số này cũng không có giấy báo tử.
Kể từ đó, hành trình tìm mộ liệt sĩ của ông được nối dài với những chuyến đi thu thập thông tin về mộ phần chưa xác định được tên tuổi. Tại Khánh Thượng, bây giờ đã có một bia tưởng niệm người đã ngã xuống trong trận chiến năm xưa, do ông Tần vận động anh em, bạn bè, đồng đội ủng hộ dựng nên với số tiền 40 triệu đồng.
Vào tháng 7 hằng năm, bên mâm cơm giỗ được nấu chung cho những đồng đội ngã xuống và không còn người thân, ông Tần lại bồi hồi nhớ chuyện cũ. Bát cơm nóng hổi viếng người đã khuất hôm nay, là một phần bình yên của đất nước sau những năm tháng khói lửa bạo tàn.
Máu đã khô trên vai áo người lính từ rất lâu, chỉ còn hồi ức chiến trường ở lại. Hồi ức ấy bao giờ cũng khốc liệt, bi thương nhưng hào hùng.
XUÂN SƠN