Một số cơ sở khám chữa bệnh ở Đà Nẵng trong mấy năm đầu sau giải phóng năm 1975

.

Từ ngày 31-3-1975, theo sự điều hành của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng do Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh làm Chủ tịch Ủy ban, các cơ sở khám chữa bệnh vừa được tiếp quản trên địa bàn thành phố đã bắt đầu hoạt động trở lại. Bài viết này đề cập về đóng góp của một số cơ sở khám chữa bệnh - từng hoạt động trước năm 1975 - trong việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật, góp phần ổn định cuộc sống của người dân thành phố bên sông Hàn, ngay sau ngày giải phóng.   

Bệnh viện C Đà Nẵng - tiền thân là Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN KHANG
Bệnh viện C Đà Nẵng - tiền thân là Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN KHANG

Trước tiên phải kể đến Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng (người dân địa phương quen gọi là Bệnh viện Giải phẫu) mà tiền thân là “Nhà thương thí” - Bệnh viện bản xứ Tourane/ Hopital indigène de Tourane được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1906 trên đường République - nay là đường Hùng Vương, sau đó đổi tên thành Bệnh viện Đà Nẵng rồi thành Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng.

Năm 1965, Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng được chuyển về khu đất nằm trên mặt tiền hai đường Nguyễn Hoàng- nay là đường Hải Phòng và Quang Trung, ở địa điểm trước năm 1963 là Trường Trung học Bán công Đà Nẵng.

Từ năm 1970, được sự giúp đỡ của Tổ chức Malteser Hilfsdienst- một tổ chức thiện nguyện Công giáo của Đức, Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng đã phát triển số giường bệnh lên đến 1.000 giường (bao gồm 200 giường của Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng đang tạm thời trực thuộc Trung tâm Y tế toàn khoa). Sau khi được các thầy thuốc cách mạng tiếp quản và kịp thời đưa vào hoạt động, bệnh viện này một lần nữa được mang tên Bệnh viện Đà Nẵng.

Có thể nói, Đà Nẵng tháng 4-1975 nhanh chóng ổn định, góp phần cùng cả nước “tiến về Sài Gòn”… là nhờ sự tác nghiệp trở lại đầy hiệu quả của tập thể thầy thuốc đến từ nhiều nguồn ở Bệnh viện Đà Nẵng đương thời.

Một cơ sở khám chữa bệnh nữa cũng góp công rất lớn từ những ngày đầu tháng 4-1975 là Bệnh viện C Đà Nẵng mà tiền thân là Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng. Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng được khởi công xây dựng năm 1968 và hoàn thành vào đầu năm 1972, với sự hỗ trợ cả về tài chính và chuyên môn của Tổ chức Malteser Hilfsdienst và tàu bệnh viện Helgoland - do vậy nên mới có tên là Bệnh viện Việt Đức.

Đầu tháng 4-1975, một đơn vị y tế của Khu V được hợp nhất từ Ban Dân y Khu, Bệnh viện 1 và Bệnh viện 2 của Khu ủy đã tiếp quản Bệnh viện Việt Đức và đổi tên thành Bệnh viện C Đà Nẵng với vị giám đốc đầu tiên là bác sĩ Trúc Lam Trần Nhật Thăng.

Ngày 26-5-1976, một bệnh viện hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế được chính thức thành lập ở đây theo Quyết định số 515-QĐ/BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn, vẫn bảo lưu tên gọi Bệnh viện C Đà Nẵng, chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe - khám chữa bệnh cho cán bộ trung cao cấp và nhân dân trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Một cơ sở khám chữa bệnh khác là Trung tâm Phục hồi chức năng lao động và nghề nghiệp Đà Nẵng - nay là Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, được Bộ Thương binh và Xã hội tiếp quản từ năm 1976 nằm trên đường Quang Trung - ngay bên cạnh Bệnh viện C Đà Nẵng, nhưng không phải đa khoa/ toàn khoa như Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng mà là chuyên khoa về điều trị chấn thương, chỉnh hình và phục hồi chức năng ở khu vực miền Trung.

Tiền thân của Trung tâm Phục hồi chức năng lao động và nghề nghiệp Đà Nẵng là Trung tâm Phục hồi chức năng và hướng nghiệp Đà Nẵng - chi nhánh của Viện Quốc gia Phục hồi tại Sài Gòn, được thành lập từ cuối năm 1968.

Cũng có thể kể một cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa khác nữa là Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - ở số 193 đường Nguyễn Lương Bằng hiện nay. Tiền thân của bệnh viện này là Bệnh viện Nhi đồng Hòa Khánh được người Mỹ xây dựng vào năm 1966, do vậy Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thường được gọi là Bệnh viện Tâm thần Hòa Khánh.

Đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, Bệnh viện Nhi đồng Hòa Khánh còn hơn 50 bệnh nhân tâm thần đang điều trị. Ngày 25-10-1976, Ty Y tế tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành lập Trạm Tâm thần tại Bệnh viện Nhi đồng Hòa Khánh và đến tháng 3-1977, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định thành lập Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam-Đà Nẵng trên cơ sở nâng cấp Trạm Tâm thần và bổ nhiệm bác sĩ Trần Đình Thông làm bệnh viện trưởng.

Về cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa hoạt động trở lại từ tháng 4-1975, còn có thể kể đến Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Tiền thân của bệnh viện này là khu điều trị bệnh phong tại làng Hòa Vân do vợ chồng bác sĩ Gordon Smith thành lập năm 1968. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, các thầy thuốc cách mạng đã tiếp quản khu điều trị này.

Ngày 27-10-1976, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ra quyết định thành lập Bệnh viện Da liễu Quảng Nam-Đà Nẵng - một trong bốn bệnh viện chuyên khoa đầu tiên của cả nước- trên cơ sở sáp nhập khu điều trị bệnh phong tại làng Hòa Vân với Khoa Da liễu của Bệnh viện Đà Nẵng và Trạm Da liễu thuộc Ty Y tế tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành lập vào tháng 4-1975 ở số 239 đường Thống Nhất-nay là đường Lê Duẩn, đến tháng 9-1975 chuyển về số 1B đường Lý Tự Trọng.

Ngày mồng 1 tháng giêng năm 1977, Bệnh viện Da liễu Quảng Nam-Đà Nẵng được dời từ cơ sở số 1B đường Lý Tự Trọng về cơ sở số 67/1 đường Ngô Gia Tự (và hiện nay đang ở cơ sở mới số 91 đường Dũng sĩ Thanh Khê - quận Thanh Khê).

Ngoài ra, những năm đầu sau giải phóng, một số cơ sở khám chữa bệnh của Công giáo cũng được huy động để phục vụ cộng đồng, chẳng hạn như Dưỡng đường Thánh Phaolồ được xây dựng vào nửa sau thập niên 1960 ở góc đường Phan Châu Trinh và một đường nhỏ dân gian quen gọi là đường Phaolồ theo tên của Dưỡng đường Thánh Phaolồ - nay là đường Tuệ Tĩnh, vẫn do các nữ tu tiếp tục điều hành hoạt động đến khi bàn giao cho Bệnh viện Y học dân tộc Quảng Nam Đà Nẵng (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng).

Hay chẳng hạn như Dưỡng đường bảo sanh Terésa được xây dựng năm 1967 với một khu nhà ba tầng ở số 38 đường Cao Thắng, từ tháng 4-1975 là Bệnh viện Quận Nhất (nay là Bệnh viện Đa khoa Hải Châu)...

Ngay từ những ngày đầu tháng 4-1975, ở thành phố Đà Nẵng còn có một cơ sở khám chữa bệnh quân sự là Bệnh viện Quân y 17- thường gọi Bệnh viện C17. Tiền thân của Bệnh viện Quân y 17 là Tổng Y viện Duy Tân, được xây dựng gần Sân bay Đà Nẵng từ năm 1955 và được Cục Hậu cần Quân khu V tiếp quản vào đầu tháng 4-1975.

Tổng Y viện Duy Tân lúc bấy giờ là đơn vị quân y đứng hàng thứ hai của quân đội Sài Gòn - chỉ sau Tổng Y viện Cộng Hòa, được cải hoán từ một cư xá không quân thuộc quân đội viễn chinh Pháp. Trong điều kiện tác nghiệp còn nhiều khó khăn của những năm đầu sau giải phóng, Bệnh viện Quân y 17 cũng đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ khám và chữa bệnh cho bộ đội, xứng đáng là bệnh viện tuyến cuối của quân khu. 

Trải qua 45 năm hoạt động phục vụ cách mạng và nhân dân kể từ sau ngày đất nước thống nhất, trừ Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng được chuyển đến địa điểm mới, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh từng hoạt động trước năm 1975 vừa nêu trên vẫn tiếp tục giữ vững thương hiệu của mình ngay ở địa điểm cũ, đồng thời thường xuyên được đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hiện đại và về nhân lực chất lượng cao để không ngừng phát triển, trở thành những điểm sáng về y tế ở thành phố bên sông Hàn.

Chẳng hạn năm 2009, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng được chuyển đổi mô hình hoạt động từ trung tâm sang bệnh viện. Hay đầu năm 2016, Bệnh viện C Đà Nẵng đã có thể khai trương Trung tâm Đột quỵ - trung tâm đột quỵ đầu tiên ở miền Trung. Hay tháng 2-2019, Bệnh viện Đà Nẵng mở rộng về phía tây để thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Tim mạch - được kỳ vọng là nơi sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim cho bệnh nhân ở Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung và Tây Nguyên…

BÙI VĂN TIẾNG
 

;
;
.
.
.
.
.