Trong hành trình vô cùng gian truân để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, có một sự kiện đặc biệt quan trọng tác động đến sự hình thành thế giới quan của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đó là sự kiện Người được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Những tư tưởng của Lênin được thể hiện trong bản Luận cương đã khiến Nguyễn Ái Quốc dứt khoát đi theo Quốc tế thứ III và tiếp thu những nội dung cơ bản của văn kiện quan trọng này làm nền tảng để Người vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. (Ảnh tư liệu) |
Sơ thảo Luận cương được Lênin viết xong vào khoảng tháng 6, 7 năm 1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, họp từ 19-7 đến 7-8-1920; ngay sau đó, bản Luận cương này đã được đăng trên tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14-7-1920; và trên báo Nhân đạo (L’ Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17-7-1920.
Luận cương của Lênin đặt vấn đề về quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa; phê phán nhiều luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa; lên án mạnh mẽ tư tưởng sô-vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi; nêu rõ trách nhiệm trọng đại của các Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc là phải ủng hộ, giúp đỡ một cách tích cực nhất đối với phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc; đề ra một nhiệm vụ lớn của cách mạng thế giới - sự đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức với các nước đã làm cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. Lênin nhấn mạnh: để chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, đảm bảo cho các dân tộc giành lại được độc lập, thì phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Bản Luận cương đã đáp ứng được lòng mong mỏi bấy lâu của Nguyễn Ái Quốc, là lời giải đáp cho câu hỏi mà Người trăn trở trong suốt những tháng năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, đó là : Cách mạng Việt Nam sẽ phải đi theo con đường nào và làm thế nào để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Vì thế, ngày nay chúng ta có thể hiểu nỗi xúc động lớn lao của Người : “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1].
Ghi lại sự kiện này bằng tiếng nói thi ca, vào năm 1960, trong bài thơ “Người đi tìm Hình của Nước”, nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả giây phút thần diệu ấy bằng hai câu thơ: Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin… Và Người đã khóc! Đó là những giọt lệ thiêng liêng của một Tâm Hồn Vĩ Đại, một Con Người mang lý tưởng lớn!
Lần dở lại biên niên tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy, trong khoảng từ cuối 1917 đến giữa năm 1923, tại thủ đô Paris nước Pháp, Người đã có một thời gian khá dài tiếp xúc với các nhà hoạt động chính trị, các nhà văn hóa, trí thức, đồng thời tham gia các hoạt động chính trị rất sôi nổi, tích cực. Chú tâm của Người là qua những hoạt động ấy, Người muốn tìm con đường đi đúng nhất cho cách mạng Việt Nam. Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp đầu năm 1919 với lý do “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Nhưng ngay trong những sinh hoạt chính trị nội bộ như vậy cũng chưa giải đáp hết những băn khoăn thắc mắc của Người, cho đến khi Người được tiếp cận với Luận cương. “Hồi ấy, trong các chi bộ của Đảng Xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lênin? …Lúc đầu, tôi không hiểu được hết.
Tại sao người ta bàn cãi hăng như vậy? Với Quốc tế thứ hai, hoặc thứ hai rưỡi, hay là thứ ba, thì người ta cũng đều làm được cách mạng cả, sao lại phải cãi nhau? Và còn Quốc tế thứ nhất nữa, người ta đã làm gì với nó rồi? Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp 1à: vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo”[2]. Việc nghiên cứu Luận cương đã giúp Người đi đến khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Từ trong nguồn mạch tâm tư tình cảm của mình, cùng với tư duy lý luận nhạy bén cộng với sự chiêm nghiệm thực tế, lại được sự tiếp sức của tư tưởng Lênin qua bản Luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tham gia các hoạt động tại Đại hội đại biểu lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (Đại hội Tour) được tiến hành trong các ngày từ 25 tháng 12 đến 29 tháng 12 năm 1920. Khi được mời phát biểu với tư cách là đại biểu Đông Dương và cũng là người bản xứ duy nhất tham dự Đại hội, Người đã phát biểu mạnh mẽ và hùng hồn tố cáo sự tàn bạo mà thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương và cho rằng “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức” và “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các thuộc địa…đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”. Tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III. Và cũng trong những ngày đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân hội Pháp của Quốc tế cộng sản. Từ sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc đã chính thức trở thành người cộng sản, là một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp, đồng thời là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. [3]
Sau khi Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III, trả lời câu hỏi của đồng chí Rose – người ghi biên bản tốc ký của Đại hội “Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III?”, Nguyễn Ái Quốc nói: “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa…Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. [4]
Những sự kiện như vậy trong giai đoạn Người đi tìm Hình của Nước càng giúp ta hiểu sâu sắc thêm vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi Luận cương là “cẩm nang thần kỳ” đối cách mạng Việt Nam. Trong bài đăng trên Tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô), Người đã viết: “Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái “cẩm nang” đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái ‘’cẩm nang’’ thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Năm nay vừa đúng 130 năm kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ của chúng ta, cũng tròn 100 năm kể từ ngày Người tiếp cận với tư tưởng Lênin trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Từ đó đến nay, mặc dù trải qua nhiều ghềnh thác, thăng trầm, cách mạng Việt Nam vẫn kiên trì vận dụng sáng tạo đường lối kết hợp cách mạng vô sản và giành độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hiện nay mặc dù vẫn còn những thế lực phản động muốn xuyên tạc lịch sử, vẫn còn những quan điểm, thái độ chính trị khác biệt, tỏ ra nghi ngờ con đường mà chúng ta đang đi, vẫn còn những suy nghĩ sai trái đối với nền tảng tư tưởng của Đảng, tuy nhiên thực tiễn 90 năm tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh - và càng ngày càng chứng minh tính đúng đắn của tư tưởng Lênin cùng với sự lãnh đạo của Đảng vô sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo.
NẠI HIÊN
[1] Hồ Chí Minh - Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin. Bài đăng trên Tạp chí Những vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lênin. Dẫn theo Hồ Chí Minh toàn tập, T.10, tr.126-128.
[2] Bài đã dẫn, nt.
[3] Xem: Danh nhân Hồ Chí Minh – NXB Lao động, H.2000, các trang 118-120.
[4] Dẫn theo Danh nhân Hồ Chí Minh, sđd, tr.119