Việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, hiệu quả trong việc ngăn ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm.
Tuy nhiên, hệ thống camera này vẫn còn những hạn chế nhất định cần khắc phục, đồng thời cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp và đồng bộ hệ thống camera trên toàn địa bàn thành phố để mang lại hiệu quả cao nhất trong nỗ lực hướng đến thành phố an toàn, thông minh, hiện đại.
Bài 1: Góp phần bảo đảm trật tự giao thông
Với hệ thống camera giám sát, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có thêm kênh thông tin hiệu quả để tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Từ khi lắp đặt camera giám sát giao thông, tình trạng xe ben phóng nhanh, vượt ẩu trên nhiều tuyến đường trọng điểm đã giảm hẳn. (Ảnh chụp tại ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ - Cách Mạng Tháng Tám và cầu Nguyễn Tri Phương). Ảnh: NGỌC PHÚ |
Giảm tai nạn
Ông Nguyễn Kim Dũng, đại biểu HĐND thành phố khóa IX, thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố nhận định: “Theo quan sát ở các tuyến đường có lắp đặt camera giám sát giao thông, ý thức chấp hành của người dân tốt hơn. Đặc biệt, ở những tuyến đường có camera giám sát tốc độ đã hạn chế được tình trạng ô-tô phóng nhanh vượt ẩu, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông ở các tuyến đường phức tạp nói riêng, toàn thành phố nói chung.
Đây là thành công bước đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố”. Để chứng minh, ông Nguyễn Kim Dũng đưa ra con số so sánh trước và sau khi lắp đặt camera giao thông.
Cụ thể, năm 2015, thành phố xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 92 người chết và 114 người bị thương; đến năm 2019, các con số tương ứng giảm xuống còn 83 vụ tai nạn giao thông, chết 54 người, bị thương 43 người.
Nhờ hệ thống camera giao thông, những năm gần đây, hiện tượng các tài xế phóng “bạt mạng” trên các tuyến đường Trường Sơn, Cách Mạng Tháng Tám… được tiết chế. Qua đó, góp phần hạn chế những vụ tai nạn giao thông thương tâm do các lỗi phóng nhanh, vượt ẩu của các tài xế xe ben, từng để lại nhiều nỗi đau cho xã hội.
Một tài xế xe ben tâm sự: “Nếu chủ quan, lơ là mà vượt 5km-10km/giờ thì cầm tờ “phạt nguội” như chơi. Vất vả cả ngày nếu bị dính lỗi tốc độ ở mức nhẹ nhất coi như công cốc. Vì vậy, bất cứ trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải tuân thủ đúng quy định tốc độ cho phép”.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố cho rằng, với hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh, việc bắt lỗi được thực hiện khách quan, minh bạch. Sau khi bắt lỗi vi phạm của phương tiện sẽ chuyển về hệ thống để CSGT lập hồ sơ, gửi giấy báo đến chủ phương tiện vi phạm.
Người vi phạm đến xử lý, CSGT sẽ cho tài xế xem hình ảnh, ngày giờ, địa điểm vi phạm. Tất cả các trường hợp vi phạm bị camera bắt lỗi khi được mời đến làm việc, được xem hình ảnh và nhận lỗi, ký biên bản vì vậy không còn lý do chối cãi.
“Lần đầu tiên tôi nhận được biên bản phạt nguội nhưng không biết mình bị phạt ở tuyến đường nào. Khi đến bộ phận xử lý vi phạm của Phòng CSGT và được cán bộ đưa hình ảnh ra mới biết mình đi lấn làn tại đường Điện Biên Phủ; hình ảnh ghi lại rõ ràng, tôi chỉ có thể ký biên bản để nộp phạt”, anh Nguyễn Văn Đ. - một kỹ sư cơ khí chia sẻ.
Nâng cao ý thức người tham gia giao thông
Trước thực trạng giao thông ngày càng phức tạp, năm 2016, thành phố bắt đầu lắp đặt hệ thống camera giao thông tại một số tuyến đường chính. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải thành phố) cho biết, từ năm 2016 đến năm 2019, đã đầu tư 108 camera giám sát xử lý vi phạm, 19 camera quan sát giao thông và 9 camera giám sát tốc độ với tổng kinh phí 65,7 tỷ đồng.
Theo đó, tại tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám: 17 camera giám sát xử lý vi phạm, 2 camera quan sát giao thông và 4 camera giám sát tốc độ.
Từ khi đưa hệ thống camera giao thông vào hoạt động đã giảm được áp lực cho lực lượng tuần tra, kiểm soát ngoài đường. (Ảnh chụp tại Trung tâm thông tin chỉ huy Cảnh sát giao thông, Công an thành phố). Ảnh: N.P |
Tuyến đường Trường Sơn và đường dẫn vào mỏ đá Hòa Nhơn: 2 camera giám sát xử lý vi phạm, 5 camera quan sát giao thông và 2 camera giám sát tốc độ. Tuyến đường Võ Chí Công: 8 camera giám sát xử lý vi phạm, 1 camera giám sát tốc độ.
Tuyến đường Tôn Đức Thắng: 23 camera giám sát xử lý vi phạm, 10 camera quan sát giao thông. Tuyến đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn: 11 camera giám sát xử lý vi phạm, 2 camera quan sát giao thông và 2 camera giám sát tốc độ. 10 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố: lắp đặt 47 camera giám sát xử lý vi phạm.
Đây là hệ thống camera có độ phân giải cao, chụp rõ nét biển số xe vi phạm để làm bằng chứng xử phạt. Toàn bộ hệ thống, trang thiết bị, UBND thành phố giao cho Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố quản lý và bảo trì. Riêng Phòng CSGT được trang bị các trang thiết bị phục vụ công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh thu được từ thiết bị của Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng phù hợp với chức năng, thẩm quyền của đơn vị theo quy định.
Theo thống kê của Phòng CSGT, từ năm 2016 đến nay, hệ thống camera giám sát giao thông đã phát hiện gần 41.000 trường hợp vi phạm (gần 30.000 ô-tô con, 1.500 taxi, hơn 1.800 ô-tô khách, 17 xe buýt, hơn 4.700 ô-tô tải, gần 1.300 xe container, gần 1.400 xe tải, hơn 540 xe máy); trong đó, hơn 33.645 trường hợp chạy quá tốc độ, 332 trường hợp dừng, đỗ xe nơi có biển “cấm dừng xe và đỗ xe”, 53 trường hợp đón, trả khách không đúng quy định, 6.673 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, 2 trường hợp đi không đúng phần đường quy định, 5 trường hợp đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều”. Qua đó, lực lượng CSGT lập biên bản gần 28.500 trường hợp, ra quyết định xử phạt trên 38 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe gần 5.500 trường hợp.
Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng CSGT cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện xử lý qua hệ thống camera giám sát giao thông, so với thời điểm trước khi triển khai, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông về cơ bản được nâng cao, tạo thói quen chấp hành pháp luật giao thông kể cả khi không có lực lượng làm nhiệm vụ trên đường. Qua đó góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm giao thông, camera giao thông còn cung cấp nhiều đoạn video chứng cứ quan trọng cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông…
Thiếu tá Hồ Thanh Hiền, Đội trưởng Đội Tuần tra-Dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông: Giảm áp lực cho lực lượng làm nhiệm vụ trên đường Tại các tuyến đường có lắp đặt hệ thống camera này, cán bộ CSGT sẽ quan sát được tình hình lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, qua đó có thể phối hợp với Tổ tuần tra kiểm soát điều tiết giao thông góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, đồng thời cảnh báo cho các đơn vị chức năng khi xảy ra tai nạn giao thông hoặc có sự cố trên đường. Đặc biệt, việc đưa camera vào hỗ trợ phát hiện phương tiện vi phạm đã giảm bớt áp lực làm nhiệm vụ ngoài đường cho các chiến sĩ. Trước đây đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện vào tuyến địa bàn phức tạp để kiểm soát. Nhưng hiện nay hệ thống này đã giúp đỡ rất nhiều. |
Ông Bùi Ngọc Đông, trú đường Trần Phước Thành, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ: Tốc độ xe ben đã được hạn chế Nhà tôi ở đường Trần Phước Thành giao nhau với đường Cách Mạng Tháng Tám, trước đây tôi thấy xe tải ben phóng nhanh, vượt ẩu và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi có hệ thống camera giám sát giao thông, nhất là camera đo tốc độ thì các phương tiện này đã tuân thủ quy định hơn. Vì vậy, người dân chúng tôi mong muốn thành phố tiếp tục đầu tư thêm hệ thống camera giám sát giao thông ở nhiều tuyến đường khác để giải quyết trật tự an toàn giao thông, hạn chế các vụ tai nạn giao thông thương tâm. |
NGỌC PHÚ