ĐNO - Sáng 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe và thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì điểm cầu tại thành phố Đà Nẵng. Cùng dự có Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Trương Quang Nghĩa cùng các thành viên Đoàn ĐBQH thành phố tham dự phiên họp. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để xây dựng mô hình chính quyền đô thị
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Theo tờ trình, quy định thí điểm 4 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định, bao gồm: phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND; một số quy định về quản lý tài chính - ngân sách, ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố, chính sách sử dụng nguồn cải cách tiền lương, chính sách về phí, lệ phí.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành dự thảo nghị quyết.
Theo ông Tùng, thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong xây dựng, tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đồng thời đề nghị cần làm rõ thêm một số vấn đề về sự ảnh hưởng của dự thảo nghị quyết đến tính đại diện, vai trò giám sát của HĐND; lý giải cụ hơn cơ chế vận hành của UBND quận, phường với UBND thành phố, mối quan hệ giữa UBND quận, phường với các đơn vị liên quan tại địa phương; đề nghị không thí điểm phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và cần làm rõ thêm một số vấn đề khác trong thí điểm các cơ chế liên quan đến công tác quản lý tài chính - ngân sách.
Tạo động lực phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Thảo luận về dự thảo nghị quyết, hầu hết đại biểu (ĐB) bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng; kỳ vọng việc tạo cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng cũng sẽ thúc đẩy động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các mô hình thí điểm cần được nghiên cứu bài bản, đặt trong mối quan hệ tổng thể với nghị quyết thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để có cách nhìn thực tiễn xây dựng chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các đô thị, đồng thời tránh xảy ra “hội chứng đặc thù” ở các địa phương.
Với việc chỉ tổ chức HĐND thành phố, ĐB Hoa đề nghị cần làm rõ cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Đà Nẵng, rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước; đề ra cơ chế kiểm soát quyền lực của chính quyền các cấp quận, phường, nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khi không tổ chức HĐND.
Còn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, khi không có HĐND cấp phường, quận thì tổ chức HĐND thành phố phải bảo đảm quyền lợi cho người dân và giám sát hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính.
Việc xây dựng chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng sẽ tạo động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong ảnh: Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Đồng tình với quy định cho phép thành phố Đà Nẵng điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nhưng đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là vấn đề lớn, mang tính định hướng cho sự phát triển của thành phố nên cần xem xét kỹ lưỡng và thực hiện đúng quy định của Luật Quy hoạch. Còn theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh thì cần làm rõ hơn tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho Đà Nẵng theo hướng tăng hơn so với hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.
Nhưng theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, thực chất mô hình này đã được thí điểm tại Đà Nẵng từ 2009 tới 2016 với quy mô và phạm vi rộng hơn. Các báo cáo tổng kết về vấn đề này đều chỉ ra quả tích cực, bộ máy vận hành thông suốt, gọn nhẹ, hiệu lực hiệu quả nâng cao và có sự đồng thuận rất cao của nhân dân.
“Việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay không mang tính chất thử nghiệm như các địa phương khác mà thực chất là khẳng định và tiếp tục hoàn thiện mô hình này trên cơ sở phân cấp hợp lý chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền; tạo sự chuyển biến mạnh về năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương”, ông Hiển phân tích.
Còn ĐB Đinh Duy Vượt, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị làm rõ thêm những cơ chế, chính sách đặc thù nêu trong dự thảo nghị quyết có thực sự tạo đột phá theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TƯ ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay không.
Trước ý kiến tranh luận nên gọi là UBND hay Ủy ban hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng xét về mặt logic thì gọi Ủy ban hành chính sẽ phản ánh đúng chức năng và cơ chế hình thành nên các ủy ban này. Tuy nhiên xét dưới góc độ kinh tế, so sánh chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại thì việc đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính sẽ dẫn đến nhiều chi phí phát sinh từ phía Nhà nước và người dân, gây lãng phí không cần thiết. Do vậy, việc giữ tên UBND như hiện nay là phù hợp.
Làm rõ ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Đà Nẵng cần rà soát lại các nhiệm vụ của HĐND phường, quận để chuyển về UBND quận, HĐND thành phố, bảo đảm không bỏ sót chức năng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trong quá trình thí điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, mặc dù giao việc điều chỉnh quy hoạch cho thành phố nhưng Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát để đồng bộ với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Quy hoạch cục bộ đô thị hoàn toàn có thể phân cấp cho thành phố với quy trình giám sát chặt chẽ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nhìn chung, các đại biểu tán thành với Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
TRỌNG HÙNG