Nghề báo, theo cái đầu hay trái tim?

.

12 năm trước, một hãng thông tấn quốc tế danh tiếng bị tòa án ở Amsterdam tuyên phạt vì phát loạt ảnh gia đình Hoàng gia Hà Lan đang trượt tuyết ở Argentina, lý do là “vi phạm đời tư”. Ở phương Tây cũng như Việt Nam, đối với nghề báo xưa nay, pháp luật và đạo đức báo chí chưa bao giờ là chuyện cũ.

Trên trang nhất số phát hành ngày 4-6-2020, Báo Tuổi Trẻ sử dụng hình vẽ để minh họa bệnh nhân Covid-19 và các bác sĩ
Trên trang nhất số phát hành ngày 4-6-2020, Báo Tuổi Trẻ sử dụng hình vẽ để minh họa bệnh nhân Covid-19 và các bác sĩ.

Từ theo “dòng thời sự”...

“Dòng thời sự” này được khoảng 40 trang tin, báo điện tử lớn nhỏ đăng, phát và sau đó “phát triển đề tài” theo đủ cách, như là: “Mang song thai như Hồ Ngọc Hà cần chú ý những gì để đảm bảo cho sức khỏe”; “Giữa lúc mang song thai, Hà Hồ liên tục có động thái đáng chú ý với quý tử Subeo”; “Không chỉ Hồ Ngọc Hà mang song thai, nhạc sĩ Dương Khắc Linh khoe sắp có 2 thành viên mới”,… Dẫu biết là nhảm song nhiều phương tiện truyền thông vẫn theo “trend”. Phải đến 4-5 ngày sau, “dòng thời sự” về Hồ Ngọc Hà mới tạm lắng. Lúc đó, gần 100 tin, bài và hàng trăm bức ảnh riêng tư của nữ ca sĩ đã được phơi ra.
Ở đây không bàn cách chọn đề tài và phát triển đề tài ra sao, mà chỉ đặt vấn đề: Có được phép đưa thông tin và hình ảnh riêng tư cá nhân - như trường hợp Hồ Ngọc Hà mang song thai - lên báo hay không? Làm như thế có phạm luật?

Xin nói ngay: Trừ khi phóng viên có liên hệ với Hồ Ngọc Hà hoặc người đại diện theo pháp luật và được đồng ý (cho đăng thông tin, hình ảnh riêng tư), còn lại tất cả đều đã làm không đúng quy định của pháp luật báo chí và pháp luật dân sự. Nếu Hà Hồ khởi kiện và khi ra tòa chứng minh được thiệt hại thì bảo đảm các trang tin đó thua chắc!

…đến tình trạng “bỗng dưng lên báo”

Bên trên chỉ là một trong vô vàn trường hợp “bỗng dưng lên báo” đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở Việt Nam, cho dù hệ thống pháp lý về bảo vệ đời tư cá nhân ở nước ta đã khá đầy đủ, quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành chi tiết. Nạn nhân thường là những người nổi tiếng, người dính xì-căng-đan, người có dấu hiệu tội phạm và đáng buồn nhất là hình ảnh trẻ em chiếm phần nhiều trong số đó. Rất ít người làm báo để ý rằng để bảo vệ trẻ em về nhiều mặt, Luật Trẻ em năm 2016 quy định chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc với mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ. Tại điều 21 của luật này quy định: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác…”. Những người làm báo cần ghi nhớ khoản 11, điều 6, Luật Trẻ em năm 2016; theo đó, cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Nhưng thực tế thì thông tin cá nhân và hình ảnh đời tư của trẻ em được đăng, phát trái luật vẫn tràn lan trên các báo. Trong các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, bị bắt cóc hay buôn người, bị xâm hại tình dục…; kể cả khi trẻ bị phạt đòn roi, quỳ gối, trói tay chân, nhập viện…, báo chí không nhất thiết phải đăng hình các em; nếu buộc phải đăng với mục đích tố cáo tội phạm, ngăn ngừa tội ác hay vận động cứu tế thì phải che mờ mặt (hoặc ảnh chụp từ phía sau tới), thông tin nhân thân phải viết tắt (hoặc đổi tên, tùy trường hợp). Nếu không làm như thế thì chiếu theo những điều khoản đã dẫn ở trên, người làm báo đã phạm luật. Như trường hợp cây phượng vĩ ngã đổ ở sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) khiến một học sinh tử vong và nhiều em bị thương hôm 26-5, rất nhiều tờ báo, trang tin đã vô tư đăng ảnh cận mặt các nạn nhân. Khả năng các nhà báo không biết mình đã phạm luật, cũng có thể biết nhưng vẫn làm bừa!

Hoạt động báo chí phải tuân thủ pháp luật, điều đó hẳn nhiên đúng, song chưa đủ. Bên cạnh pháp luật là cái bắt buộc, nhà báo phải hành nghề dựa trên các nguyên tắc đạo đức. Những nguyên tắc này không nằm ngoài chuẩn mực đạo đức xã hội nói chung và được Hội Nhà báo Việt Nam cụ thể hóa trong bộ quy tắc 10 quy định đạo đức người làm báo, ban hành vào tháng 12-2016.

Thực tế làm nghề cho thấy có không ít trường hợp nhà báo làm không sai luật, nhưng khi nghĩ xa hơn một chút về khía cạnh đạo đức thì chúng ta có thể dừng tay hoặc chọn cách thể hiện khác mà vẫn đạt được hiệu quả diễn đạt, truyền tải thông tin.

Hãy thử tham chiếu trường hợp các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Theo luật, báo chí không được đưa thông tin nhân thân và hình ảnh riêng tư của tất cả bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân thứ 91 là phi công người Anh. Nhưng tới thời điểm đầu tháng 6-2020, trong khi cả nước dường như hồi hộp từng ngày dõi theo quá trình hồi phục thần kỳ của bệnh nhân phi công người Anh thì để đáp ứng nhu cầu cần biết đó, nhà báo phải sở hữu những dữ kiện chân xác. Tức là phải làm sao cho độc giả/khán giả thấy được mắt bệnh nhân đã mở và nhấp nháy, môi mấp máy cười, hàm chuyển động khi húp từng thìa cháo, hay những giọt lệ lăn dài từ khóe mắt anh ta do cảm động… Trước yêu cầu thực tiễn đó, nhà báo hoàn toàn có thể chụp/ghi hình cận mặt và đăng, phát trên báo, đài mà không bị lên án hay khép tội.

Nhưng khi nghĩ tới phạm trù đạo đức, xét thấy làm như vậy là không nên, công khai hình ảnh người khác khi họ đang trong tình thế không mong muốn là việc làm trái đạo lý, nhiều báo, trong đó có Báo Người Lao Động, đã thực hiện xuyên suốt quan điểm và cách làm đối với trường hợp này là xử lý bằng cách “làm mờ mặt”. Báo Tuổi Trẻ (TP. Hồ Chí Minh) có cách làm sáng tạo, trên trang nhất số phát hành ngày 4-6-2020, bạn nghề đã sử dụng một bức hình vẽ để minh họa bệnh nhân phi công người Anh và các bác sĩ.

Lằn ranh mong manh

Tuần đầu của tháng 6-2020, trong lúc tường thuật từ hiện trường cảnh biểu tình, cướp bóc tại nhiều thành phố ở Mỹ khởi nguồn từ vụ người đàn ông da màu Geogre Floyd bị viên cảnh sát ghì đến chết trên phố tại Minneapolis, bang Minnesota, hàng chục phóng viên các báo, đài quốc tế như Reuters, CBS, CNN, Huffington Post… đã bị cảnh sát bắt giữ hoặc bắn đạn cao su gây chấn thương. Lucas Jackson, phóng viên ảnh của Reuters, tố cáo: “Họ nhằm thẳng vào chúng tôi mà bắn”. Các báo, đài và tổ chức bảo vệ nhà báo đã lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền các bang và chính phủ liên bang, kêu gọi không được tấn công nhà báo và phải để các nhà báo được tự do tác nghiệp.

Các nhà báo cần thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người sẽ bị tổn thương bởi bài viết của mình sắp được công bố”

(Media Law Handbook - Bộ Ngoại giao Mỹ, tháng 12-2010)

Từ chuyện này đã dấy lên tranh cãi về pháp luật và đạo đức báo chí: Có phải Mỹ đã đi ngược lại một trong những giá trị cơ bản có tính hiến định mà họ tự đề cao hàng thế kỷ qua là tự do báo chí, tự do ngôn luận? Điều luật này được quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ cơ mà?! Suy luận vậy cũng đúng nhưng chưa đủ, bởi tự do báo chí song không hẳn được phép đi ngược lại quyền lợi quốc gia. Một khi nhà cầm quyền cho rằng, cách thức tường thuật của một số nhà đài có chủ ý kích động bạo lực, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội thì họ sẽ dùng quyền lực công để chống lại báo chí, đồng thời trong hệ thống pháp lý của họ còn có các luật, bộ luật khác chế tài bổ sung.

Không riêng Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng thế. Chẳng hạn, tại điều 11 “Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền Pháp (năm 1789)” quy định: “Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do. Tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Rõ ràng tự do báo chí nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật, Việt Nam chúng ta cũng vậy thôi!

Một điều cần nói nữa là pháp luật không và không thể quy định về đạo đức. Vậy làm báo bằng cái đầu hay trái tim? Tự thân các nhà báo lựa chọn cách hành nghề sao cho vừa đúng luật vừa hợp đạo lý khi đứng trước những lằn ranh mong manh. Do đó, các bộ quy tắc đạo đức báo chí ở những quốc gia tiến bộ thường khuyến cáo nhà báo mỗi khi tường thuật, viết bài hãy nghĩ tin, bài của mình tác động ra sao tới đại cục. Chẳng hạn, phát tin liên tục về biểu tình bạo lực có phải là cách làm hay, trong khi chính phủ đang dồn toàn lực để dập tắt nhằm duy trì sự ổn định của đất nước và bảo vệ tính mạng cho từng công dân? Hay đăng hình ảnh về các bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch, liệu có làm đau lòng người thân của họ? Bộ Quy tắc đạo đức của Cộng đồng báo chí chuyên nghiệp (SPJ) khuyến nghị: “Các nhà báo cần thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người sẽ bị tổn thương bởi bài viết của mình sắp được công bố” (Media Law Handbook - Bộ Ngoại giao Mỹ, tháng 12-2010).

Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Tại điều này cũng nêu rõ các trường hợp (báo chí) được quyền sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần phải xin phép, gồm: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Tại khoản 5, điều 9, Luật Báo chí 2016 quy định cấm tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định những điều không được thông tin trên báo chí tại khoản 3, điều 5: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích