Trong vòng xoáy Covid-19

.

Đây có lẽ là những trải nghiệm khó quên nhất trong sự nghiệp cầm bút của bất cứ phóng viên nào. Tác nghiệp giữa thời điểm mà cả thế giới hoang mang, bị động, lo sợ về một loại virus mới gây chết người với cơ chế lây lan hết sức nhanh và dễ dàng. Làm thế nào để vừa bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền vừa bảo đảm an toàn cho bản thân và cho xã hội là những câu hỏi luôn thường trực trong đầu chúng tôi.

Phóng viên tác nghiệp giữa lúc Covid-19 đang bùng phát.
Phóng viên tác nghiệp giữa lúc Covid-19 đang bùng phát.

1. Trưa 30 Tết Nguyên đán Canh Tý (tức ngày 6-1-2020), UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi họp khẩn về công tác ứng phó Covid-19 do đích thân Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì. Đây có thể được xem là sự kiện “mở màn” khẳng định cả hệ thống chính thành phố đã vào cuộc và mức độ cảnh báo đã ở rất cao.

Anh em phóng viên chúng tôi thời điểm đó vẫn nghĩ rất đơn giản, chỉ là đưa tin thời sự thông thường như bao sự kiện không quản ngày đêm khác. Nhưng không, liên tục sau đó là hàng hoạt các hoạt động, biện pháp mà chính quyền thành phố gấp rút triển khai, ứng phó. Đó là khi tôi cảm giác vai trò của báo chí được phát huy hơn cao độ.

Đó chính là việc đăng tải những thông tin chính thống, kịp thời về tình hình dịch bệnh như các chủ trương, chính sách của Chính phủ, giải pháp của địa phương; khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Tết Nguyên đán Canh Tý có lẽ là cái Tết rất đáng nhớ đối với các cán bộ, nhân viên tham gia công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là bác sĩ, nhân viên y tế. Bởi họ hoàn toàn không có khái niệm nghỉ Tết. Chúng tôi, những người chuyển tải thông tin đến bạn đọc cũng trong dòng chảy ấy.

Những cuộc họp kéo dài đến 11 giờ đêm, những cuộc kiểm tra các cơ sở bệnh viện, khu cách ly, công tác chuẩn bị vật tư, y tế, hóa chất phòng, chống dịch… được triển khai trong một thời gian rất ngắn. Dường như cả thành phố đang bước vào cuộc chiến mới. Một cuộc chiến mà không ai có thể khẳng định được sẽ kéo dài đến khi nào, gây ra những tổn thất gì. Chỉ tâm niệm phải làm tốt nhất những gì có thể đối với nhiệm vụ được giao mà thôi!

2. “Giai đoạn mới” trong tác nghiệp giữa Covid-19 đó chính là khi Đà Nẵng bắt đầu tiếp nhận các công dân Việt Nam trở về từ các vùng có dịch và sau đó là ghi nhận những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Nói như bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng:

“Nếu nói nhân viên y tế chúng tôi không sợ hãi thì chính là đang tự dối lòng mình”! Phóng viên tác nghiệp tại thời điểm này cũng chung dòng cảm xúc ấy. Và chính điều ấy càng thôi thúc phóng viên phải nỗ lực “chạy đua” với thời gian để đưa tin kịp thời, trung thực, sinh động về diễn biến của dịch bệnh, để người dân hiểu rõ, hiểu đúng hơn, từ đó chủ động, ý thức hơn trong công tác phòng ngừa.

Mỗi lần các bệnh viện thông tin về một ca nhiễm vừa được điều trị khỏi, chúng tôi viết tin, bài trong niềm hân hoan, rạo rực và luôn cầu mong cảm xúc ấy đến thường xuyên hơn. Khi chúng tôi liên hệ viết bài tại các bệnh viện, nơi tuyến đầu chống dịch, hầu hết những lãnh đạo bệnh viện đều rất e dè, lo lắng. Bởi, dịch bệnh không thể phân biệt, loại trừ bất cứ một ai.

Trong nỗ lực ghi nhận sự cố gắng của những người đang làm công tác chống dịch, chúng tôi nhìn thấy sự quyết tâm, nỗ lực, những cảm xúc rất thật của các nhân viên tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện 199 - Bộ Công an,... các khu cách ly quân sự tập trung, chốt kiểm tra tại các “cửa ngõ” thành phố, các nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 trong bộ đồ bảo hộ kín mít để chở các trường hợp nghi nhiễm vào khu cách ly…

Bỏ qua tất cả mọi thứ, chính là sự ngưỡng mộ từ tâm can mà chúng tôi dành cho họ - những người không quản hiểm nguy để mang đến sự an toàn cho xã hội. Trong các bộ đồ bảo hộ y tế, mỗi nhân viên y tế, tình nguyện viên hằng ngày thầm lặng, chăm chỉ, mẫn cán với nhiệm vụ của mình, với họ, cứu được một người bệnh, giảm số ca lây nhiễm chính là mong ước mà toàn xã hội đã đặt niềm tin vào những người thầy thuốc.

Thỉnh thoảng anh em phóng viên vẫn đùa nhau rằng, tiếp xúc với những người tuyến đầu chống dịch để lấy tư liệu viết bài, khi trở về là nhận được những ánh nhìn kỳ thị của mọi người. Câu cửa miệng đùa nhưng đôi khi là thật, bởi đó cũng là những cảm xúc rất thật mà mọi người dành cho mình. Sợ hãi, dè chừng, lo lắng đối với một loại virus gây bệnh chết người có cơ chế lây lan nhanh chóng cũng là điều rất dễ hiểu!

3. Tác nghiệp trong môi trường đặc biệt, có nguy cơ cao cũng giúp chúng tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Đó là những bài học trong tiếp nhận, xử lý thông tin, áp lực lớn về thời gian đưa tin, viết bài giúp phóng viên phải hoạt động hết công suất.

Song song với đó là bảo đảm an toàn cho bản thân. Đến những điểm nóng, ngoài máy ảnh, máy ghi âm, máy tính bảng, điện thoại không thể thiếu là những chiếc khẩu trang bảo hộ, những chai dung dịch sát khuẩn được chúng tôi sử dụng liên tục để rửa tay, lau chùi ba lô. Thậm chí khi bước về nhà, ngay cả chiếc chìa khóa xe máy cũng được sát khuẩn bằng dung dịch cồn. Bởi chúng tôi hiểu rằng, an toàn cho bản thân trong hoàn cảnh này chính là an toàn người thân, an toàn cho xã hội.

Phóng viên Báo Đà Nẵng (ngoài cùng, trái) vào trực tiếp bên trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Phóng viên Báo Đà Nẵng (ngoài cùng, trái) vào trực tiếp bên trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Thêm điều đặc biệt nữa khi tác nghiệp trong thời điểm đại dịch bùng phát mà chúng tôi nhận được, đó chính là sự hỗ trợ hết mình của cơ quan, đồng nghiệp. Báo chí là ngành mà ở đó thể hiện vai trò làm việc nhóm hết sức rõ rệt. Nếu như người phóng viên trực tiếp lên tuyến đầu để khai thác thông tin thì đội ngũ biên tập viên, tòa soạn, kỹ thuật… cùng với sự định hướng, chỉ đạo của Ban Biên tập được xem là hậu phương vững chắc, giúp những bản tin mà phóng viên thực hiện được đúng, chính xác, kịp thời và chất lượng hơn khi đến với độc giả.

Đôi khi vì áp lực công việc, một phút cẩu thả, thậm chí quá tải trong việc khai thác thông tin đã khiến những sản phẩm của phóng viên đầy những “hạt sạn” khi gửi về tòa soạn. Nhưng khi lên mặt báo, những sản phẩm đó được “gọt giũa” hoàn chỉnh, chính xác và hợp lý hơn. Khi đó chúng tôi hiểu rằng, sức mạnh của một ekip, một tập thể đoàn kết là điều không thể thiếu, cũng chính là lương tâm, trách nhiệm của những người làm báo trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.