Để kịp thời nắm tình hình và xử lý nhanh chóng vi phạm trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương đã sử dụng hiệu quả mạng xã hội vào việc quản lý trật tự đô thị, môi trường.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tình hình trật tự đô thị, môi trường trên địa bàn quận Hải Châu chuyển biến tích cực. TRONG ẢNH: Tuyến đường Trần Phú thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Thời gian qua, nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vi phạm trật tự đô thị, đổ rác thải, xà bần không đúng nơi quy định trên địa bàn các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Hải Châu... được người dân phản ánh lên các hội, nhóm trên mạng xã hội. Từ đó, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kịp thời nắm tình hình và xử lý nhanh chóng, hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Đơn cử, ngày 26-5, tài khoản Facebook có tên “Hàn Lập” đăng trên trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” phản ánh việc tập kết rác thải gây ô nhiễm tại đầu tuyến đường Vũ Văn Dũng (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).
Ngay sau khi phản ánh của tài khoản “Hàn Lập” đăng tải, lực lượng chức năng phường An Hải Tây đã phối hợp với công nhân Công ty Môi trường đô thị thành phố tiến hành dọn dẹp rác thải, bố trí thêm thùng rác, có phương án che chắn khu vực tập kết rác.
Tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của tài khoản Facebook có tên “Long Ng The” trên trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” về tình trạng họp chợ gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại ngã ba tuyến đường Chính Hữu - Dương Tự Minh, UBND phường An Hải Bắc đã cử Tổ trật tự đô thị xuống kiểm tra, nhắc nhở các hộ không tập trung buôn bán; đồng thời làm việc với cấp ủy chi bộ khu dân cư vận động người dân không tụ tập buôn bán tại khu vực này.
Sau khi về nhận công tác tại địa phương, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) Võ Khoa Nguyên lập một nhóm trên Zalo có tên “Nhóm Chi bộ - Tổ dân phố”; thành phần gồm chủ tịch UBND phường, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố. Tất cả các nội dung ở khu dân cư mà bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố muốn trao đổi, phản ánh cho lãnh đạo thì phản ánh qua nhóm Zalo này.
Từ những phản ánh của khu dân cư, lãnh đạo phường tiếp thu, chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn xử lý. Sau đó, Văn phòng HĐND-UBND phường trả lời lại cho khu dân cư kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của khu dân cư.
Theo bà Nguyễn Thị Mười, cán bộ Văn phòng UBND-HĐND phường Hòa Hiệp Bắc, xuất phát từ thực tế những vấn đề phát sinh ở khu dân cư hầu hết đều là vấn đề nóng, cần giải quyết kịp thời, nếu đợi đến giao ban tổ dân phố hoặc họp chi bộ 3 tháng 1 lần mới phản ánh là quá lâu; mặt khác, nếu gọi điện thoại để phản ánh, nhiều khi lãnh đạo phường bận họp không triển khai ngay được. Do đó, việc lập một nhóm chung để khu dân cư phản ánh vấn đề và UBND phường phản hồi kết quả xử lý được đông đảo người dân ủng hộ.
Trong năm 2019, từ phản ánh của khu dân cư qua nhóm Zalo, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã tiếp nhận và xử lý kịp thời 50 vụ việc lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2020, trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua nhóm Zalo này, chính quyền phường đã làm tốt công tác cập nhập thông tin dịch bệnh cho đại diện khu dân cư để phổ biến đến người dân; tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Để quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường hiệu quả, UBND quận Hải Châu phối hợp với đơn vị cung cấp xây dựng ứng dụng quản lý trật tự đô thị trên điện thoại thông minh với tên gọi “Đô thị thông minh Hải Châu”.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 1-5-2019 đến ngày 25-5-2020, trên hệ thống ứng dụng nhận được 4.285 phản ánh thật của người dân. Qua đó, đã xử lý 4.232 phản ánh (đạt 99%); đang xử lý là 53 phản ánh. Các vấn đề phản ánh của người dân đã được phân cấp xử lý theo nội dung phản ánh, thẩm quyền giải quyết của các phòng, ban chuyên môn và 13 phường.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Minh Huy, sau hơn 1 năm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đô thị, môi trường, tình hình trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận chuyển biến rõ rệt. Các vấn đề phát sinh được người dân phản ánh kịp thời, lực lượng chức năng tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng; nhờ đó, bộ mặt đô thị, vệ sinh môi trường cải thiện tích cực.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân cũng dần nâng lên. Người dân tích cực tham gia phản ánh các vi phạm về công tác quản lý đô thị trên địa bàn quận; có ý thức giữ gìn vệ sinh chung; đồng thời, qua ứng dụng, người dân giám sát và phản hồi các nội dung xử lý chưa chất lượng để lãnh đạo chấn chỉnh bộ phận được giao giải quyết.
LAM PHƯƠNG