Trước diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã nhanh chóng triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để xử lý mọi tình huống. Công tác xét nghiệm được đẩy nhanh về tốc độ, số lượng, phương pháp cũng như mở rộng đối tượng được lấy mẫu. Đặc biệt, nhiều khu vực được nhận định có nguy cơ đã được phong tỏa, khoanh vùng kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) liên quan đến ca F0 trong khu dân cư. Ảnh: TRỌNG HUY |
Thiết lập vùng cách ly y tế
Mặc dù Bộ Y tế chưa chính thức công bố ca nhiễm Covid-19 cộng đồng đầu tiên nhưng từ 0 giờ ngày 24-7, Bệnh viện C Đà Nẵng đã thực hiện cách ly y tế, sau khi xác định bệnh nhân 416 đã có thời gian 3 ngày khám, điều trị tại đây. Tương tự, đến 13 giờ ngày 26-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với toàn bộ nhân viên y tế, người phục vụ người bệnh, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng, ngay sau khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 418 được Bộ Y tế công bố trong buổi sáng cùng ngày.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, việc cách ly y tế đối với các bệnh viện có ghi nhận ca nhiễm cần được thực hiện khẩn cấp để khoanh vùng các yếu tố nguy cơ. Cũng trong thời điểm này, hơn 5.000 người là bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế tại 2 bệnh viện này được nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm bằng 2 phương pháp kháng nguyên và kháng thể.
Nhận định tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp theo từng ca nhiễm mới, ngày 27-7, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Công văn số 4509/CV-TU yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống Covid-19; tuyên truyền, vận động nhân dân đồng hành với chính quyền thành phố trong công tác phòng, chống dịch.
Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 theo các Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4 của Thủ tướng Chính phủ; xem xét việc phong tỏa các khu vực nghi là ổ dịch trên địa bàn.
Trên cơ sở thực hiện công tác chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, chiều 27-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ban hành Công văn số 4930/UBND-SYT quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn các quận; thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện gồm Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực các tuyến đường, khu dân cư lân cận.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ, sau khi xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, chính quyền thành phố đã nhanh chóng vào cuộc với những kịch bản ở cấp độ cao, kịp thời cách ly, phong tỏa những trường hợp, những khu vực có nguy cơ phát tán virus. “Đây là giải pháp cấp thiết và căn cơ, phải thực hiện các càng sớm càng tốt. Song song, ngành y tế sẽ đẩy nhanh việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm, bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Nắm bắt chủ trương, nhiều khu vực được đánh giá có nguy cơ đều lần lượt thực hiện phong tỏa, như khu dân cư đường Lê Hữu Trác và chợ An Hải Đông (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, ngày 28-7), Trung tâm Y tế Cẩm Lệ (ngày 31-7), thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (ngày 2-8), Trung tâm Y tế quận Hải Châu (ngày 5-8), khu chung cư A3 Vũng Thùng, Chung cư B1 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, ngày 13-8), thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (ngày 13-8)…
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, theo diễn biến dịch bệnh, đơn vị đã xác định trên địa bàn thành phố có trên 35 điểm có nguy cơ khi ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 trở lên. “Tùy theo tình hình thực tế, chúng tôi đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố quyết định thiết lập các vùng cách ly y tế để khoanh vùng, dập dịch trong trường hợp số ca nhiễm tiếp tục ghi nhận.
Trong thời gian thực hiện cách ly, toàn bộ cư dân trong vùng cách ly y tế sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, theo dõi sức khỏe hằng ngày và bảo đảm đầy đủ các nhu yếu phẩm sinh hoạt cần thiết”, bác sĩ Thạnh cho biết. Bên cạnh đó, sau khi ghi nhận, đánh giá nguy cơ lây nhiễm từ các chợ, hàng ngàn tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố đã được lấy mẫu xét nghiệm tác nhân SARS-CoV-2. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố thống nhất phương án và thực hiện đóng cửa một số chợ có ghi nhận tiểu thương, người dân nhiễm Covid-19 cho đến khi an toàn trở lại.
Tăng tốc xét nghiệm
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng bắt buộc ngành y tế phải tìm mọi cách đẩy nhanh tốc độ, số lượng xét nghiệm. Liên quan vấn đề này, ngày 1-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ban hành quyết định số 2784/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng.
Theo phương án tổ chức, có 5 nhóm đối tượng chính được lấy mẫu, là các trường hợp sinh sống trong khu vực áp dụng biện pháp cách ly; bệnh nhân nội trú và người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, người từng làm việc, thực tập tại một số bệnh viện; các trường hợp đã từng đi đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao; các trường hợp có liên quan đến lộ trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp nguy cơ cao mắc bệnh khác theo đề xuất của Sở Y tế thành phố.
Là đơn vị chủ lực trong công tác xét nghiệm tác nhân SARS-CoV-2, kể từ khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vào ngày 25-7 đến nay, CDC Đà Nẵng đang giải quyết một khối lượng mẫu bệnh phẩm nhiều gấp 10 lần so với trước. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, đơn vị trước đây được trang bị 2 hệ thống RT-PCR để xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị đã kêu gọi, huy động sự hỗ trợ và mượn thiết bị của các đơn vị trong lĩnh vực xét nghiệm để phục vụ nhu cầu. Hiện CDC Đà Nẵng được trang bị 13 máy xét nghiệm Realtime PT-PCR, 5 máy tách chiết tự động, hệ thống máy tính, máy in và các loại máy phun hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nhân viên y tế được cũng được huy động, tăng cường từ các đơn vị bạn, bảo đảm vận hành quá trình xét nghiệm 24/24.
Để tăng tính phát hiện, loại trừ, CDC Đà Nẵng bắt đầu triển khai phương pháp xét nghiệm theo nhóm (group test) từ ngày 5-8. Đây là cách làm vừa bảo đảm yêu cầu về độ chính xác vừa rút ngắn thời gian trong bối cảnh gấp rút và khẩn trương như hiện nay. Việc xét nghiệm nhóm chỉ áp dụng trong trường hợp lấy mẫu phẩm của một hộ gia định cụ thể để xác định nhanh việc lây nhiễm ở cộng đồng. Riêng đối với các trường hợp F1, người có tiếp xúc với nguồn lây, có biểu hiện nhiễm virus vẫn xét nghiệm độc lập. Việc xét nghiệm theo nhóm vẫn bảo đảm chất lượng, tiết kiệm nhân lực, sinh phẩm hóa chất, các vật tư tiêu hao và đặc biệt là đẩy nhanh được tốc độ, số lượng người cần được xét nghiệm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, việc nâng cao năng lực xét nghiệm là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng lên. Đà Nẵng hiện đang áp dụng xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp kháng nguyên bằng kỹ thuật RT-PCR và xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa. “Những ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận ở Đà Nẵng trong đợt này rất đặc biệt, có nhiều bệnh nhân nặng, việc thực hiện xét nghiệm cần phải triển khai nhanh chóng. Việc truy vết F0 đầu tiên tại Đà Nẵng hiện không còn là mục tiêu chủ yếu nữa. Mục tiêu của chúng ta giờ là sử dụng các phương pháp xét nghiệm nhanh nhất, hiệu quả nhất để phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế thành phố luôn khuyến khích các đơn vị đầu tư nguồn lực để bảo đảm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, góp phần cùng thành phố thực hiện phương án xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng. Tuy nhiên, các đơn vị chỉ được phép thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi đủ năng lực và đủ điều kiện pháp lý.
Tính đến ngày 21-8, thành phố Đà Nẵng đã có 8 cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; Bệnh viện 199, Bộ Công an; Bệnh viện Quân y 17; Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng; Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân và Bệnh viện C Đà Nẵng với năng lực xét nghiệm có thể thực hiện hơn 15.000 người/ngày. Tính từ ngày 24-7 đến ngày 21-8, Đà Nẵng đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 169.770 người, qua đó, phát hiện 369 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
PHAN CHUNG