Do ảnh hưởng của bão số 5, từ sáng 18-9 trên địa bàn thành phố xuất hiện mưa và gió mạnh. Các lực lượng chức năng và địa phương đã nhanh chóng triển khai khắc phục ảnh hưởng của bão, đặc biệt là tập trung tháo dỡ đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ để phòng, chống lũ sau bão.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng sử dụng xe cơ giới khơi thông thoát nước cho tuyến kênh Phần Lăng, xử lý ngập úng cục bộ tại đường Cù Chính Lan, An Xuân. (Ảnh chụp sáng 18-9) Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại
Do đêm 17-9 và sáng 18-9 có mưa lớn, gió giật nên nhiều tuyến đường như: Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Hàm Nghi, Bắc Sơn -Yên Thế, Tô Ngọc Vân... bị ngập úng. Có nơi ngập khoảng 30-50cm nên nhiều người đi xe ra đường phải dắt bộ, một số xe phải chạy lên vỉa hè. Trên tuyến đường Hàm Nghi, lực lượng chức năng tiến hành căng dây chốt chặn một phần đường và khu vực xung quanh bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, không cho người dân đi vào vùng nước ngập nguy hiểm. Cạnh đó, mưa gió cũng khiến cây xanh trên nhiều tuyến đường bị bật gốc ngã đổ. Nhiều khu vực trên địa bàn thành phố bị mất điện như khu vực phường Bình Hiên (quận Hải Châu), khu vực phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đến 17 giờ chiều 18-9, ảnh hưởng của bão số 5 đã làm 1 người bị thương do chằng chống nhà cửa; một số nhà dân bị ngập cục bộ do mưa lớn; công trình mái vòm sân chơi tầng 3 của Trường mầm non 20-10 (quận Hải Châu) bị sụp giàn sắt; 1 tàu dưới 20CV bị chìm khi neo đậu tại sông Phú Lộc; gần 60ha rau màu tại huyện Hòa Vang, Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn bị ngập, hư hại; 2.250m2 ao nuôi cá bị ngập (1.500m2 ao nuôi tại thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương; 750m2 tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ); có 18 hộ có ao nuôi bị tràn bờ (tại thôn Trường Định xã Hòa Liên).
Về công trình thủy lợi, đê, kè, nước sạch nông thôn có 600m3 kênh mương, bể hút trạm bơm, đập dâng bị bồi lấp; sạt lở khoảng 50m kè tại bờ tả sông Túy Loan và 70m tại sông Cu Đê xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang; bồi lắng hố thu 12,50m3.
Về giao thông, một số biển báo giao thông, dải phân cách mềm trên các tuyến đường bị nghiêng, ngã đổ; cầu kênh Km4+420 trên tuyến đường Thăng Long, lề bộ hành đường dẫn đầu cầu mố M0 bị sụt lún; cầu kênh tuyến đường Nguyễn Xí bị sạt lở mái ta luy phía hạ lưu mố M0; đường ĐT 601 bị sạt lở, cắt đường tại 2 vị trí gồm Km13+500 và Km15+600; sạt lở đường ADB5 (thôn Trường Định, xã hòa Liên): 200m2, khối lượng 100m3. Về cây xanh, thiệt hại 387 cây.
Thành phố có 735 trạm TBA bị mất điện làm ảnh hưởng 67.707 khách hàng bị mất điện; 1 máy biến áp bị hỏng tại Bình Thái 4 (đã được thay); 2 cột hạ thế 8m4 bị gãy tại tuyến đường Tôn Đản và tuyến đường Văn Tiến Dũng, hiện đã được xử lý tạm thời để cấp điện cho dân.
Các sở, ngành và các địa phương đã triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường để bảo đảm thoát nước, vệ sinh; khắc phục các cây xanh bị ngã đổ... Ngành Điện lực đang tiến hành khôi phục cung cấp điện, thời gian hoàn thành vào lúc 15 giờ ngày 18-9. Ngành Giao thông vận tải đã tiến hành tiến hành thu hồi, xử lý, khắc phục các biển báo giao thông, dải phân cách mềm trên các tuyến đường bị nghiêng, ngã đổ.
Đối với các tuyến đường ven bán đảo Sơn Trà có tình trạng đá lăn xuống đường đã được đơn vị quản lý dọn dẹp; đối với sạt lở tại tuyến đường ĐT 601, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công đã khắc phục tạm ống cống qua đường Km15+600, bảo đảm cho xe máy lưu thông chiều ngày 18-9 và tiếp tục triển khai để xử lý bảo đảm bề rộng cho ô-tô lưu thông qua lại..
Lực lượng CSGT tiến hành giải phóng đường thông thoáng tại huyện Hòa Vang. Ảnh: PHƯƠNG CHI |
Tập trung tháo dỡ đập ngăn sông Cẩm Lệ
Sáng 18-9, tại 2 đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ phía hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương, các công nhân tiếp tục tháo dỡ đập ngăn mặn. Đây là điểm xung yếu trong công tác phòng, chống lụt bão ở thành phố. Đến 9 giờ 30 sáng 18-9, khối lượng đập ngăn thứ 2 đã được tháo dỡ 1 phần, khoảng chừng 30 m, còn hơn 100m khối lượng chiều dài đập. Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng - đơn vị chủ đầu tư và thi công xây lắp; đồng thời thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ đập ngăn mặn, cho biết: “Do nước mưa ngập nền bờ đất nên việc triển khai tháo dỡ đập muộn hơn dự kiến.
Ngay khi tập trung được lực lượng, xe máy, công tác tháo dỡ được thực hiện lúc giữa đêm 17-9 và thi công cao điểm hồi 3 giờ sáng ngày 18-9. Đến 10 giờ cùng ngày, đã tháo dỡ được khoảng 40m đập ngăn mặn thứ 2. Công tác tháo dỡ sẽ tiếp tục triển khai cho đến khi hoàn thành việc tháo dỡ cả 2 đập tạm này”. Theo ông Nam, hiện nước lũ từ đầu nguồn bắt đầu về, cùng với nước triều cũng bắt đầu dâng lên nên công tác triển khai tháo dỡ đập hết sức thận trọng.
Công trình đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ nguồn nước thô để Nhà máy Cấp nước Cầu Đỏ khai thác sản xuất nước sạch. Công trình gồm 2 đập với đập tạm thứ nhất tại sông Cẩm Lệ, tại vị trí thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương được xây dựng hoàn thành ngày 14-1. Đập có quy mô dài 178,54m, bố trí về phía thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương cách cầu khoảng 150m. Kết cấu đập tạm bằng hàng cọc cừ Larsen loại IV; thông số cừ (400x170x15,5mm), hai bên bờ đóng cừ 9m dài 78,54 m, còn đoạn giữa 100m đóng cừ dài 12m, cao độ đỉnh cừ tuyến đập tạm là +1,00m.
Tuyến đập tạm số 2 dài 120,42m bố trí về phía hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương, cách cầu khoảng 130m. Đập xây dựng hoàn thành vào cuối tháng 3. Đập có kết cấu bằng hàng cọc cừ Larsen loại IV; thông số cừ (400x170x15,5mm), cao độ đỉnh cừ tuyến đập tạm là +1,00m; đóng cừ 12m dài 90m, đoạn còn lại dài 30,42m giữ nguyên theo tuyến hiện trạng. Sau khi hoàn thành, tổng 2 tuyến đập tạm có chiều dài tổng thể gần 300m, giữ nguyên hiện trạng khoảng 30m để tạo dòng chảy.
Tập trung thu gom rác thải Ngày 18-9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố thông tin đã có văn bản gửi các quận, huyện, công ty về phương án khắc phục sự cố sau mưa, bão. Theo đó, Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện chủ động chuẩn bị lực lượng, có phương án sẵn sàng thu gom rác ngay sau khi mưa, bão kết thúc, ưu tiên dọn dẹp khu vực đô thị, tuyến đường chính, khu vực ven biển; tiếp tục hướng dẫn các hộ dân việc tách rác sinh hoạt ra khỏi rác do bão, lũ gây ra để ưu tiên thu gom, vận chuyển và xử lý. Đồng thời, đề nghị Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng tổ chức thu gom kịp thời rác thải phát sinh sau mưa bão, không để sinh dịch bệnh do rác thải tập kết gây ô nhiễm môi trường… VĂN HOÀNG |
Mưa lớn diện rộng ở Bắc Trung Bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, ở khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-300 mm. Dự báo trong ngày 19-9, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Trung Bộ, khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 50-150mm. Từ đêm 19-9, mưa giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trước đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ phát bản tin cuối về bão số 5 cho biết sáng 18-9, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chiều 18-9, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. TRIỆU TÙNG |
NHÓM PHÓNG VIÊN