Xây dựng gia đình quân nhân văn hóa

.

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình cũng là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ thực tế này, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng gia đình cán bộ, sĩ quan trong lực lượng vũ trang thành phố với mục tiêu no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo động lực để quân nhân luôn yên tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Gia đình quân nhân Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tham gia thi nấu ăn trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 28-6. 					     Ảnh: CÁT TƯỜNG
Gia đình quân nhân Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tham gia thi nấu ăn trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 28-6. Ảnh: CÁT TƯỜNG

Các phong trào thiết thực, hiệu quả như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tiết kiệm trong sinh hoạt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, hay mô hình các CLB “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình nói không với bạo lực và tệ nạn xã hội”; “Khu gia đình quân nhân văn minh, kiểu mẫu”... luôn được Bộ Chỉ huy quan tâm triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực.

Đại tá Trần Văn Ban, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: “Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh xây dựng hình mẫu gia đình quân nhân văn hóa, hạnh phúc và phát triển bền vững trên các tiêu chí cụ thể, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”.

Là chủ thể trong thực hiện các phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, ngoài các hoạt động tuyên truyền, vận động, giao lưu với chị em hội viên về giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, Hội Phụ nữ cơ quan Bộ Chỉ huy thường xuyên đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ đoàn kết, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Thông qua đó, vận động toàn thể cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ chủ động, tích cực, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội; kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến trong thời kỳ hội nhập, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Thiếu tá Lê Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: “Phong trào xây dựng gia đình quân nhân no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được chúng tôi cụ thể hóa bằng những việc làm như hằng năm tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam, Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu, tuyên dương các cháu học sinh giỏi; tặng quà, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, nhiễm chất độc da cam, bệnh hiểm nghèo với số tiền hàng chục triệu đồng.

Hội Phụ nữ còn thường xuyên quan tâm, động viên các chị em nỗ lực học tập, phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đồng thời tích cực chăm lo chế độ, chính sách cho hội viên để chị em yên tâm công tác và xây dựng gia đình ngày càng tiến bộ, hạnh phúc”.

Từ việc chăm lo giáo dục đó, hằng năm, có hơn 98% gia đình hội viên phụ nữ của Bộ Chỉ huy đạt chuẩn gia đình văn hóa. Mỗi gia đình quân nhân luôn là hạt nhân trong các hoạt động của địa phương, tích cực tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Các đơn vị cũng thường xuyên tôn vinh các gia đình quân nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa những điển hình tiên tiến.

Nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố luôn chú trọng chăm lo chính sách nhà ở, đất ở cho quân nhân, hỗ trợ gia đình quân nhân điều trị hiếm muộn, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động này góp phần tích cực xây dựng gia đình quân nhân văn hóa, gương mẫu, ấm no, hạnh phúc.

Trung tá Lê Tấn Đức, Phòng Tham mưu có con gái bị bệnh thiếu máu bẩm sinh phải thường xuyên truyền máu rất tốn kém. “Nhiều năm qua, gia đình tôi luôn được đơn vị tạo điều kiện về thời gian để đưa cháu đi truyền máu hằng tháng, đồng thời thường xuyên hỗ trợ về vật chất và tinh thần để gia đình có thêm động lực, yên tâm công tác”, Trung tá Lê Tấn Đức chia sẻ.

Với đặc thù công việc luôn xa nhà, trực gác quanh năm, những quân nhân mặc áo lính hầu như có rất ít thời gian ở nhà để chăm lo hậu phương, gia đình. Vì vậy, việc quan tâm chăm lo xây dựng gia đình quân nhân tiến bộ, hạnh phúc của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã góp phần để người lính thực sự yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

CÁT TƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.