Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần, đã bầu được 333 đại biểu.
Chính phủ Kháng chiến, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Quốc hội khóa I chấp thuận ngày 3-11-1946. (Ảnh tư liệu) |
Ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử
Ở Hà Nội, đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Trong số 333 đại biểu được bầu, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh cách mạng Việt Nam có nhiều khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và cuộc Tổng tuyển cử thành công là một quyết định sáng suốt, kịp thời, nhạy bén chính trị và khoa học, thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội
Để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới, Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, tiến hành thực hiện 5 nguyên tắc và 5 nhiệm vụ.
5 nguyên tắc gồm: Một là, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực sự là Quốc hội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hai là, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội. Ba là, tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân theo nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bốn là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa. Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.
5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Một là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập pháp; tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng các dự án luật; tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án luật ngay từ những công đoạn đầu, coi trọng xác định nội dung chính sách luật trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình lập pháp. Hai là, nâng cao hiệu quả giám sát, đổi mới mạnh mẽ phương thức tiến hành, khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, thiếu chiều sâu; tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội; thông qua giám sát để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động và xác định đúng trách nhiệm nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng việc quyết định ngân sách Nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy Nhà nước...
Ba là, nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội, từ đó kiện toàn và tăng cường tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đề cao vị trí, vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, chuyển hình thức làm việc của Quốc hội từ tham luận sang tranh luận. Hoạt động của Quốc hội chủ yếu thông qua hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và quyết định tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Bốn là, chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội, coi đây là việc làm có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế lựa chọn, giới thiệu và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội; tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri; tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy mạnh mẽ vai trò của đại biểu Quốc hội ở cả Trung ương và địa phương. Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan tham mưu giúp việc, tạo thêm các điều kiện và phương tiện làm việc, nhằm hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Năm là, tiếp tục chủ động và tích cực triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đối ngoại nghị viện trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế.
S.TRUNG
(Tổng hợp theo tài liệu tuyên truyền về 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương)