Một kỳ họp thành công, hiệu quả

.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Mặc dù được rút ngắn thời gian, nhưng với tinh thần trách nhiệm rất cao của đại biểu, kỳ họp đã hoàn thành một khối lượng lớn nội dung chương trình đã đề ra. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của cử tri thành phố đánh giá về kỳ họp này.

* Ông Nguyễn Trí Tổng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố:

Nhân sự chủ chốt mạnh hứa hẹn lãnh đạo đất nước phát triển mạnh mẽ

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tập trung nhiều vào công tác nhân sự. Về cơ bản, bộ máy nhân sự kế thừa từ Quốc hội khóa XIV, được dư luận cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ. Tôi đánh giá cao từng vị trí chủ chốt; mỗi nhân sự đều có thế mạnh riêng của mình. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là lãnh đạo giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Với những kinh nghiệm toàn diện trong quản lý hoạt động kinh tế của đất nước, từ lý thuyết đến thực tế, tôi tin Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cùng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước trong những năm tới.

Với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, qua hai nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, có sự dày dạn kinh nghiệm điều hành Chính phủ và xử lý các vấn đề cấp bách về quốc kế dân sinh, ông có nhiều thuận lợi khi đảm nhiệm cương vị thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại. Với phẩm chất “gần dân, luôn lắng nghe nhân dân”, tin rằng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu Nhà nước về đối nội, đối ngoại.

Riêng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tôi kỳ vọng ông sẽ tiếp tục dẫn dắt Chính phủ phát huy tinh thần dám hành động, cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển đất nước; tiếp tục cùng Chính phủ lãnh đạo, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đến.

* Đại tá Nguyễn Đình Chính, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố:

Kỳ họp lịch sử và chất lượng

Qua theo dõi kỳ họp, tôi nhận thấy trong lịch sử Quốc hội thì đây là một kỳ họp ngắn, diễn ra trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng giải quyết nhiều nội dung quan trọng như bầu các chức danh chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và nhiều chức danh chủ chốt khác; thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, trong kỳ họp này, các phát biểu của đại biểu chất lượng, đúng trọng tâm vấn đề mà các cử tri quan tâm. Đồng thời, kịp thời góp ý, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong các báo cáo, dự thảo được Chính phủ trình bày; mạnh dạn thể hiện các chính kiến, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách về đầu tư, đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc từ các kết luận thanh tra để tạo động lực cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Nổi bật như đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ phân bổ hợp lý nguồn vốn cho các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; đề xuất giải quyết những vướng mắc do những sai phạm trước đây đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

Hay tại các buổi thảo luận tổ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng mạnh dạn đề xuất Chính phủ phân bổ hợp lý nguồn vắc-xin cho các địa phương chưa có dịch; chỉ ra những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, công tác đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020, đề xuất các giải pháp cụ thể giai đoạn 2021-2025…

* Ông Vũ Văn Khoa, cử tri phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu:

Việc đưa nội dung phòng, chống Covid-19 vào nghị quyết là đúng đắn và kịp thời

Qua theo dõi kỳ họp, tôi đặc biệt quan tâm đến việc Quốc hội bổ sung nội dung về phòng, chống Covid-19 vào nghị quyết kỳ họp thứ nhất. Đây là điều rất đúng đắn, cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh đã lan rộng 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và ngày càng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nguồn cung vắc-xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội.

Theo tôi, trong 6 nội dung cơ bản về tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 do Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua, có nhiều nội dung mang tính đột phá, chưa có tiền lệ, hoàn toàn phù hợp với tình hình phòng, chống dịch cấp bách như hiện nay. Đó là việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống Covid-19.

Với nội dung này, tin rằng sẽ tạo ra cơ chế đặc biệt, giúp trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch trong bối cảnh hiện nay.

* Ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Bình Phước 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu:

Tin tưởng Quốc hội khóa XV sẽ có nhiều quyết sách cho phát triển

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) với 23 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Cơ bản việc đề ra các mục tiêu này là hợp lý, trong đó đáng chú ý tập trung ở một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Đối với các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong đó tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhóm giải pháp này đề ra việc khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Điều này có căn cứ, vì xem xét ở mức cung ứng nguồn vắc-xin, kể cả nguồn vắc-xin nghiên cứu trong nước, nên hy vọng chiến lược đề ra thực hiện được và có cơ sở triển khai thành công.

Tôi tin tưởng Quốc hội khóa XV sẽ có nhiều quyết sách mạnh mẽ, tạo đột phá cho phát triển đất nước trong 5 năm đến mà nhiệm vụ cấp bách trước mắt là nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế.

NGỌC PHÚ - LAM PHƯƠNG - MINH SƠN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích