Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Để bạn đọc hiểu rõ sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của luật, Chuyên trang “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” mở mục: Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam.
Lực lượng Biên phòng thành phố tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển. Ảnh: BÁ VĨNH |
Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung. Tuy nhiên, tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai... Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Như vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết xuất phát từ những vấn đề sau.
Thứ nhất, trong những năm qua Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia...”.
Thứ hai, xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thứ ba, hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư của Nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.
Thứ tư, Pháp lệnh BĐBP mới điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP (vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của BĐBP và chế độ, chính sách đối với BĐBP với tư cách là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia) chưa đề cập hết trách nhiệm của chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, lực lượng vũ trang nhân dân và một số các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Thứ năm, thực tiễn hơn 60 năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nhưng nội dung chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và BĐBP trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Trung tá PHẠM VĂN HÙNG
Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP thành phố