Mỗi thành công của nạn nhân chất độc da cam/dioxin dù rất nhỏ, nhưng thể hiện sự nỗ lực vượt lên bao gian truân khó nhọc.
Nạn nhân da cam học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố năm 2020. (Ảnh chụp khi không có Covid-19). Ảnh: T.L |
Anh Ngô Ngọc Nhất, 31 tuổi, ở thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) được nhận vào Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố từ năm 2011. Anh Nhất bị di chứng chất độc hóa học, gương mặt không bình thường và cơ thể gầy yếu. Được cán bộ của trung tâm tận tình hướng dẫn, anh bền bỉ rèn luyện sức khỏe. Nhờ vậy, những dị tật thuyên giảm, khả năng lao động cũng khá dần. Anh hăng hái tham gia trồng trọt, chăn nuôi và các chương trình lao động liệu pháp, đồng thời luôn xông xáo, ham thích các hoạt động văn nghệ, thể thao do trung tâm tổ chức.
Bây giờ, anh Nhất đã làm được các công việc phổ thông và tự lao động kiếm sống với nghề nông. Anh tự nguyện xin ra khỏi trung tâm, nhường chế độ bán trú cho người khác. Ngoài việc đồng áng, anh còn tranh thủ đi làm công kiếm thêm thu nhập, qua đó cuộc sống ngày càng ổn định. “Mình cố gắng lao động, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu trong từng việc nhỏ để giảm khó khăn cho gia đình”, anh Nhất chia sẻ.
Chị Ngô Thị Ngọc Định, 30 tuổi, em ruột của anh Nhất, cũng được nuôi bán trú tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. Noi gương anh mình, Ngọc Định phấn đấu học nghề may tại trung tâm. Bây giờ, Ngọc Định may được các kiểu quần áo thông thường và ấp ủ hy vọng mưu sinh bằng chính nghề này.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Lê Thu, 40 tuổi ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) bị di chứng chất độc da cam khiến cơ thể nổi nhiều u cục. Thời kỳ chống Mỹ, cha chị Thu hoạt động tại chiến trường Quảng Trị, bị nhiễm chất độc da cam và chị Thu là thế hệ thứ 2 bị di chứng chất độc này.
Khóe mắt rưng lệ, chị Thu chia sẻ: “Trước kia, mình thường tự hỏi tại sao cơ thể mình không bình thường. Bao nỗi đau khổ mình trút hết cho bố mẹ mà đâu biết bố mẹ đang đứt từng khúc ruột”. Năm 2006, chị Thu được vào Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. Tại đây, chị được vui chơi, học văn hóa và học nghề may. Từ những động tác lóng ngóng ngày nào, bây giờ chị đã may thành thạo nhiều kiểu quần áo, đồng thời kỹ năng giao tiếp cũng phát triển tốt. Nhờ đó, chị được tuyển vào làm việc tại cơ sở 2 của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. Ngày ngày, chị hăng hái tham gia các hoạt động của trung tâm và làm trợ giáo hướng dẫn nghề may cho các bạn đồng cảnh ngộ.
“Tuy còn không ít hạn chế nhưng mình nguyện cố gắng hoàn thành công việc được giao và quyết tâm phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thu muốn nhắn nhủ với những người cùng cảnh ngộ rằng, dù cơ thể mình không được toàn vẹn nhưng điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin vượt lên số phận và nghị lực phấn đấu vươn lên của mình”, chị Thu chia sẻ.
Anh Ngô Ngọc Nhất, chị Ngô Thị Ngọc Định, chị Nguyễn Lê Thu là những cá nhân điển hình trong số nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn thành phố bền bỉ phấn đấu vượt qua nỗi đau, vượt lên số phận, đạt được những thành công nhất định, tuy chưa nhiều nhưng thật đáng tự hào. Theo Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Trà Thanh Lành, các cấp hội thường xuyên chăm lo giúp đỡ, động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống.
LÊ VĂN THƠM