ĐNO - Sáng 28-10, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo trực tuyến “Phát hiện và xử lý tin giả/tin sai lệch trên mạng xã hội” cho gần 30 hội viên nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố.
Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phối hợp với Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo trực tuyến “Phát hiện và xử lý tin giả/tin sai lệch trên mạng xã hội”. Ảnh: THANH TÌNH |
Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên mạng Internet và các phương tiện truyền thông, nhất là các mạng xã hội.
Thời gian qua, vấn nạn tin giả/tin sai lệch, đặc biệt là các tin giả liên quan đến Covid-19 xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, thậm chí tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đời sống xã hội.
Theo Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), đội ngũ nhà báo, phóng viên sử dụng mạng xã hội để tìm nguồn tin khá phổ biến trong khi vấn nạn tin giả/tin sai lệch nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tác nghiệp. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng phát hiện và xử lý tin giả/tin sai lệch trên mạng xã hội cho người làm báo là rất cần thiết.
Thạc sĩ, nhà báo Vũ Thế Cường, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết, trong hai ngày 28 và 29-10, khóa học tập trung cung cấp cho các nhà báo, phóng viên kỹ năng chọn lọc thông tin; xây dựng bộ quy tắc chuẩn về kiểm định tin giả/tin sai lệch; từ đó giúp giảm tối đa nguy cơ nhà báo, phóng viên tiếp cận phải tin giả/tin sai lệch; nâng cao vai trò kiểm chứng thông tin, bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo trên mạng xã hội; đồng thời quản lý tốt hơn nguồn thông tin cung cấp cho công chúng.
THANH TÌNH