Miền Trung - những vấn đề lịch sử là nhan đề cuốn sách của Hội Khoa học Lịch sử thành phố do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa ấn hành cuối tháng 9 vừa qua. Có thể nói đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Nhà xuất bản Đà Nẵng trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao để phòng, chống đại dịch Covid-19. Nhà xuất bản Đà Nẵng đã phối hợp Hội Khoa học Lịch sử thành phố để tuyển chọn 25 bài viết đăng trên Đặc san Nghiên cứu lịch sử Xứ Quảng gần mười năm qua - không chỉ của các tác giả là hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố mà còn của các tác giả là cộng tác viên thân thiết của Nghiên cứu lịch sử Xứ Quảng ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bìa cuốn sách |
Con số 25 ở đây cũng mang ý nghĩa rằng Miền Trung - những vấn đề lịch sử đang hướng tới kỷ niệm một phần tư thế kỷ Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2022), cũng là một phần tư thế kỷ Đà Nẵng phấn đấu trở thành “trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước” như kỳ vọng của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cũng do xuất phát từ vai trò của Đà Nẵng trong phát triển chung của khu vực miền Trung nên nhiều năm qua, Hội Khoa học Lịch sử thành phố không ngừng mở rộng phạm vi nghiên cứu ra ngoài địa giới hành chính Đà Nẵng, không ngừng hướng tới phạm vi nghiên cứu cả đất Quảng - diễn đàn ngôn luận của Hội do vậy mang tên Đặc san Nghiên cứu lịch sử Xứ Quảng; rộng hơn là không ngừng hướng tới phạm vi nghiên cứu cả miền Trung - tập sách này vì thế mang nhan đề Miền Trung - những vấn đề lịch sử.
Quý độc giả có thể tìm đọc trong tập sách này nhiều bài nghiên cứu về miền Trung, chẳng hạn như: Thế mạnh của miền Trung - Tây Nguyên qua cái nhìn của người Pháp của Trần Đình Hằng, Phòng chống cướp biển tại các tỉnh miền Trung dưới thời Nguyễn của Lê Tiến Công, Một số hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển miền Trung của Lưu Anh Rô, Một số địa danh gốc Chăm ở Trung Bộ của Nguyễn Thanh Lợi, Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật của Võ Văn Thắng, Tìm hiểu thêm về những cải cách trường học, phép học, phép thi và thánh dụ bỏ khoa cử Nho học ở Trung Kỳ năm 1918 của Phạm Ngô Minh, Hội Thiện Sinh Trung Kỳ (1942-1945) của Dương Thanh Mừng và Biến cố miền Trung năm 1966 - những tác động chính trị của Lê Tùng Lâm.
Thậm chí một số tác giả còn mở rộng phạm vi nghiên cứu ra cả Đàng Trong như Vai trò của các chúa Nguyễn đối với các dân tộc thiểu số tại xứ Đàng Trong của Trần Nguyễn Khánh Phong; hoặc ra cả nước như Định cư trong lịch sử Nam tiến dưới chế độ phong kiến Việt Nam của Ngô Văn Minh, Triều Minh Mạng với việc tổ chức Lễ Trai đàn chẩn tế của Nguyễn Duy Phương và Mặt trận quốc gia liên hiệp trong “giải pháp Bảo Đại” của thực dân Pháp ở Việt Nam những năm 1947-1949 của Ngô Chơn Tuệ.
Đương nhiên các bài nghiên cứu về Đất Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong Miền Trung - những vấn đề lịch sử. Độc giả có thể tìm đọc nhiều bài nghiên cứu về Đất Quảng như: Vai trò của Đất Quảng trong lịch sử Việt Nam 20 năm đầu thế kỷ XX của Bùi Văn Tiếng, Tìm hiểu vai trò của Phật giáo đối với xã hội Quảng Nam thế kỷ XVII của Nguyễn Văn Hoàn, Dịch bệnh ở Quảng Nam dưới thời Nguyễn của Nguyễn Hoàng Thân, Về các “thuộc” và “kim hộ thuộc” ở xứ Quảng Nam xưa của Phú Bình, Hội An - Champa trong kỷ nguyên thương mại sớm của Đông Nam Á (900-1300) của Đỗ Trường Giang, Di sản mộc bản chùa Phước Lâm của Ngô Đức Chí, Thành cổ Thanh Chiêm của Võ Nguyên Phong, Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệt lạc - một văn bia Phật giáo cổ nhất xứ Quảng của Đinh Thị Toan; và những bài nghiên cứu về Đà Nẵng như Khảo về dân số và thành phần dân cư thành phố Đà Nẵng (1889-1945) của Nguyễn Quang Trung Tiến, Nhận diện một số vấn đề làng xã ven biển Đà Nẵng đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa bạ của Lê Xuân Thông, Chè Phú Thượng tại Tourane một thời vang bóng của Nguyễn Quang Hiền, Sân bay Đà Nẵng - những câu chuyện lịch sử của Võ Hà.
Đặc biệt những bài viết về Đà Nẵng trong Miền Trung - những vấn đề lịch sử đã góp phần cung cấp thêm nhiều tư liệu quý cho việc biên soạn công trình: Lịch sử Đà Nẵng (từ khởi thủy đến năm 2020) đang được khẩn trương triển khai để kịp chào mừng Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố vào năm 2025 sắp đến.
Mười năm trước, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã phối hợp Hội Khoa học Lịch sử thành phố để tuyển chọn và ấn hành vào năm 2011 cuốn sách Lịch sử xứ Quảng - Tiếp cận và khám phá được bạn đọc trong và ngoài thành phố nồng nhiệt đón nhận. Mong rằng cuốn sách Miền Trung - những vấn đề lịch sử của Nhà xuất bản Đà Nẵng lần này cũng sẽ được nồng nhiệt đón nhận như vậy...
BÙI VĂN TIẾNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng