ĐNO - Ngày 28-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Các đại biểu cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung dự án luật, trong đó đề nghị cần mở rộng đối tượng khen thưởng nhằm thúc đẩy phong trào thi đua.
Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội |
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Thi đua, khen thưởng sau 17 năm thực hiện, qua 2 lần sửa đổi (năm 2005, 2013) đã đi vào cuộc sống, góp phần động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác thi đua, khen thưởng đã cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân phát huy sáng kiến, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Tuy nhiên, luật vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập, như: tiêu chí xét tặng, thẩm quyền và việc công nhận danh hiệu thi đua có điểm chưa thống nhất; quy định đối tượng, tiêu chuẩn của một số hình thức khen thưởng còn chưa cụ thể, khó áp dụng; chưa thực sự chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác và khen thưởng tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo…
Do vậy, các đại biểu tán thành việc sửa đổi dự án Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời đề nghị trong công tác khen thưởng cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng của xã hội, đặc biệt là chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất như người dân, doanh nghiệp tư nhân, công nhân xuất sắc, công nhân tiêu biểu, các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội để tạo khí thế thi đua; công tác và khen thưởng tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo…
Đặc biệt, liên quan đến thủ tục và hồ sơ thi đua trong Luật Thi đua, khen thưởng, các đại biểu cho biết, trong thực tế có những người rất tâm huyết, cống hiến tốt cho sự phát triển của đất nước, của bộ, ngành nhưng khi được chọn, bình bầu làm người tiêu biểu, được khen thưởng nhưng còn rất nhiều thủ tục, từ đó ngại làm.
Do đó để hồ sơ, thủ tục khen thưởng không trở thành rào cản với người được khen thưởng, các đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo luật rà soát thêm về việc tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ thi đua, khen thưởng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) cùng các đại biểu đoàn đại biểu Quốc hội thành phố dự phiên thảo luận trực tuyến sáng 28-10. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiêu cực trong thi đua khen thưởng; xử lý nghiêm tình trạng “chạy thành tích”, nhũng nhiễu đối với người được xét bình chọn thi đua.
Các đại biểu đề nghị bỏ quy định đăng ký thi đua trước khi xét tặng, vì nhiều đơn vị có thành tích tốt nhưng chưa đăng ký thi đua từ đầu năm nên không được xét tặng.
Ngoài ra, một trong những nội dung của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng được thảo luận nhiều là việc bổ sung một số danh hiệu và đối tượng, trong đó có khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Quá trình thảo luận, các đại biểu tán thành với việc bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" trong dự thảo luật để khen thưởng cho một lực lượng có nhiều hy sinh cũng như đóng góp rất lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc, đã hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do đó đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật cũng như làm rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng.
Ngoài ra, cần làm rõ đối tượng được khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang", khen thưởng có chọn lọc và phù hợp với các hình thức khen thưởng, huy chương khác được quy định trong dự thảo luật, không khen thưởng đồng loạt để bảo đảm được ý nghĩa cao quý của danh hiệu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
NGỌC PHÚ