Trước những thiệt hại do mưa lớn, lũ, lốc xoáy xảy ra vừa qua, nhân dân cùng chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành thành phố đang nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất.
Người dân thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương) đang tích cực sửa chữa, lợp lại mái nhà sau lốc xoáy. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Khẩn trương hỗ trợ nhân dân lợp lại mái nhà
Trưa 28-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại do lốc xoáy gây ra vào chiều 27-10 tại thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và động viên nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại, lợp lại mái nhà để ở. Đồng thời chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp với UBND huyện Hòa Vang, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố nhanh chóng lập hồ sơ, thủ tục để đề xuất UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ cho người dân khắc phục thiệt hại do lốc xoáy gây ra theo mức hỗ trợ mà HĐND thành phố đã thông qua tại Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021. .
Đồng thời, các đơn vị, địa phương, tổ chức, Mặt trận các cấp xem xét cứu trợ, hỗ trợ và vận động các nhà hảo tâm cùng giúp đỡ nhân dân nhanh chóng khắc phục hư hại về nhà ở để ổn định đời sống và chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm nay.
Trước đó, trận lốc xoáy xảy ra tại thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương) vào chiều 27-10 chỉ trong 20 phút (mưa lớn kèm gió giật mạnh từ 15 giờ 10 đến 15 giờ 30) đã làm 4 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, 13 nhà tốc mái một phần, 5 chuồng, trại bị sập hoặc tốc mái hoàn toàn, 2 trụ điện bị gãy đổ...
Ngồi bần thần trước ngôi nhà đã bị lốc xoáy cuốn bay toàn bộ mái tôn, bà Nguyễn Thị Nhạn (thôn Phú Sơn Tây) kể: “Chiều 27-10, cả gia đình tôi có 6 người thấy mưa lớn nên ở trong nhà nhưng gió quá mạnh đã cuốn bay toàn bộ mái tôn với tổng diện tích hơn 80m2 rơi xuống ruộng. Bây giờ cả gia đình ở nhờ nhà hàng xóm. Chúng tôi đã nhờ được người để tiến hành sửa chữa và sẽ cố gắng vay mượn tiền để lợp lại mái tôn trong thời gian sớm nhất vì bây giờ đang là giữa mùa mưa”.
Cùng hoàn cảnh, toàn bộ mái nhà của bà Trần Thị Sáu (thôn Phú Sơn Tây) với tổng diện tích 80m2 đã bị cuốn bay và làm sập luôn mái hiên nhà. Nhà ông Trần Chi (thôn Phú Sơn Tây) cũng bị tốc mái hoàn toàn. Bà Sáu, ông Chi và các hộ dân có nhà bị tốc mái, chuồng, trại bị sập hoặc tốc mái đều đang khẩn trương sửa chữa, lợp lại mái.
Theo UBND huyện Hòa Vang, trong ngày 28-10, huyện có tờ trình đề xuất UBND thành phố hỗ trợ cho mỗi hộ dân có nhà ở bị tốc mái hoàn toàn là 20 triệu đồng, hỗ trợ cho mỗi hộ có nhà ở bị tốc mái một phần là 2 triệu đồng. Trong thời gian chờ UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ, huyện trích kinh phí cho các hộ dân ứng trước để mua vật liệu, thuê thợ về sửa chữa, lợp lại mái nhà để ở.
Nỗ lực sản xuất rau xanh
Từ đầu mùa mưa bão đến nay, thành phố đã chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão, 4 trận lũ nhỏ, 1 trận lũ lớn, nhiều ngày mưa lớn... Trận lũ lớn nhất xảy ra vào ngày 17 và 18-10 đã làm 21 thôn trên địa bàn 6 xã của huyện Hòa Vang (Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Khương) bị ngập, trong đó có 245 nhà dân bị ngập lũ. Trận lũ này đã làm 5ha rau ở thôn Túy Loan Tây và Bồ Bản, xã Hòa Phong hư hỏng do bị ngập lũ và hư hại 2 trại sản xuất nấm ở thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong). Nông dân đang thu hoạch rau, gia cố bờ bao, giàn mướp...
Theo Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan Bùi Dũng, mặc dù vùng rau Túy Loan Tây gặp nhiều đợt mưa lớn và lũ liên tiếp, không tránh khỏi những thiệt hại nhưng các thành viên của HTX vẫn nỗ lực sản xuất rau xanh ở các khu vực ruộng cao và khu trồng rau trong nhà màng. Hiện HTX duy trì sản xuất trên diện tích 4ha, còn lại 4ha ở sát sông Túy Loan và thấp trũng, ngập nước thường xuyên thì sau ngày 23-10 âm lịch, bà con nông dân sẽ triển khai sản xuất trở lại. Còn Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn La Hường Trần Văn Hoàng cho hay, các thành viên HTX đang cố gắng duy trì sản xuất rau trên diện tích hơn 3ha. Thời gian qua, vùng rau chưa bị ngập lũ dài ngày, chỉ ngập úng cục bộ một vài giờ ở khu vực đối diện với hướng thoát nước ra sông Cẩm Lệ của tuyến kênh Phong Bắc. Đặc biệt, nông dân đã chủ động trồng các loại rau có khả năng chống chọi, thích nghi với điều kiện thời tiết mưa nhiều như: rau muống, rau lang, rau má, mồng tơi, rau cải... nên khi xảy ra mưa lớn, lũ thì cũng thu hoạch và khôi phục nhanh để cung ứng cho thị trường.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho biết, thời điểm này giữa mùa mưa bão mà lại có nhiều mưa như năm nay nên huyện không khuyến khích nông dân trồng, sản xuất các loại cây trồng như bình thường. Song, nhiều nông dân vẫn tranh thủ sản xuất rau màu ở các chân ruộng cao để cung cấp cho thị trường. Đối với những diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, huyện vẫn đang thống kê và lập thủ tục để đề xuất thành phố hỗ trợ thiệt hại cho nông dân trong thời gian đến và triển khai các công tác chuẩn bị sản xuất sau ngày 23-10 âm lịch và vụ đông - xuân sắp tới.
Tiếp tục ứng phó mưa to trên đất liền, gió mạnh trên biển Ngày 28-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố tiếp tục ban hành văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, UBND các quận, huyện và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển... Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 30-10, ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Trong cơn giông cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh. Trên đất liền có gió đông bắc mạnh cấp 2-3. Vùng biển có gió đông bắc mạnh cấp 4-5, cấp 6, sóng biển cao từ 1,5-2,5m; vùng biển Hoàng Sa có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. |
HOÀNG HIỆP