Hỗ trợ phụ nữ tiêu thụ nông sản

.

Dịch bệnh kéo dài, khó khăn là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, phụ nữ Hòa Vang luôn chung tay, góp sức và sáng tạo ra những cách riêng của mình để vượt qua nghịch cảnh. Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang Lê Huyền Trâm.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Lê Huyền Trâm phân tích, là vùng ngoại ô thành phố, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Vì vậy, khi thành phố thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh, ngay lập tức việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Vì vậy, Hội LHPN huyện đã tổ chức họp trực tuyến với các hội LHPN xã, thôn. Tất cả thực hiện theo phương châm, trước hết, chị em phụ nữ vận động tiêu thụ nông sản của bà con nông dân, sau đó mới nghĩ đến việc nhờ huyện, thành phố giúp đỡ. Ngay sau cuộc họp, có gần 30 đơn hàng của các xã đặt hàng mua nông sản.

Đầu tiên, hơn 5 tấn đặc sản của xã Hòa Phước là cá diêu hồng và trứng cút được chở lên xã Hòa Bắc, Hòa Phú. Nước mía tươi và dưa hấu của xã Hòa Phú, Hòa Bắc được chở ngược lại về xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến... Những ngày tiếp theo, các loại rau, nấm và vịt thịt ở xã Hòa Phong được vận chuyển đến xã Hòa Sơn, Hòa Khương... Ngoài việc kết nối liên xã để tiêu thụ nông sản, chi hội phụ nữ ở các thôn thuộc xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Châu... còn mua lại nông sản của người dân trong xã rồi vận động hội viên phụ nữ tiêu thụ. Nhờ cách làm linh động này, hầu hết nông sản của người bán được tiêu thụ kịp thời, người mua được sử dụng nông sản tươi, sạch.

Thống kê của Hội LHPN huyện, tính riêng trong tháng 8 và 9, các cấp hội phụ nữ huyện giải cứu được 17 tấn rau, củ, quả các loại, 3.300kg trứng cút, 3.500 trứng gà, 31 tấn dưa hấu, 1.680kg nấm các loại, 1.100 con vịt, gần 2.000 cây hoa cúc và hướng dương... Không chỉ vậy, với tinh thần tương thân ái, các cấp hội còn tiêu thụ hàng tấn vải thiều Bắc Giang và hơn 700kg cam cho bà con Thừa Thiên Huế. Bà Huỳnh Thị Hương, chủ cơ sở nuôi chim cút ở xã Hòa Phước - người bán được gần 300 trứng cút và gần 50kg cá diêu hồng ngay trong đợt thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” chia sẻ: “Ngay thời điểm bán trứng và cá thì phải thực hiện giãn cách toàn thành phố, tôi lo đến không ngủ được. Vậy mà chỉ hai ngay sau khi được Hội LHPN xã giúp, tôi bán được toàn bộ sản phẩm của mình. Ngược lại, thời gian qua tôi kêu gọi chị em trong thôn cố gắng giúp nhau bằng cách đăng ký mua lại sản phẩm do bà con mình làm ra”.

Covid-19 tái bùng phát với diễn biến phức tạp, hầu hết đàn ông, thanh niên ở huyện tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, lo liệu từ chuyện bếp núc đến thu hoạch mùa màng. Điều này đặt ra cho Hội LHPN huyện bài toán làm sao có đủ nhân lực để giúp chị em thu hoạch mùa màng. Chủ tịch Hội LHPN huyện Lê Huyền Trâm kể: “Thông qua ứng dụng Zalo, chúng tôi kết nối với cán bộ hội ở các xã và chỉ đạo các xã phải kết nối đến từng chi hội. Các chi hội lại kết nối xuống hội viên của mình. Nhờ đó, chúng tôi thống nhất kêu gọi chị em tham gia vòng công để thu hoạch nông sản. Nhà nào cần thu hoạch trước thì chị em đến phụ giúp, cứ thế xoay vòng đến khi thu hoạch xong”. Nổi bật trong số này là các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong và Hòa Phú, mỗi xã huy động cả trăm ngày công để thực hiện vòng công cùng giúp nhau thu hoạch nông sản kịp thời.

Là người trực tiếp tổ chức thực hiện việc vòng công tại xã, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch LHPN xã Hòa Phú tâm đắc kể: “Thời gian qua, nam giới bận tham gia chống dịch, vì vậy phụ nữ phải đổi công xoay vòng để kịp thời vụ. Nhờ cách làm này mà việc thu hoạch nấm, bông thiên lý của các hộ hội viên đều kịp thời nên sản phẩm luôn bảo đảm tươi ngon, việc tiêu thụ cũng dễ hơn”. Bà Lê Thị Tám, ở thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) hồ hởi khi nói về sáng kiến này, bởi gia đình bà chỉ có hai mẹ con, người con trai tham gia lực lượng dân quân tự vệ xã nên thường xuyên vắng nhà. Việc thu hoạch lúa đã có máy móc thực hiện, hằng ngày có 2 chị trong thôn đến giúp bà phơi phóng nên mọi chuyện rất thuận lợi. Sau khi thu hoạch xong lúa, bà Tám lại đến nhà các chị khác để giúp thu hoạch nấm.

Trong cái khó, phụ nữ Hòa Vang có nhiều sáng kiến hay, cách làm hiệu quả, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn để cuộc sống sớm trở lại bình thường.Trong đó, tín hiệu vụi là các địa phương trong huyện đã có sự liên kết để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đây là giải pháp thiết thực trong bối cảnh công tác vận chuyển nông sản đi xa còn gặp những khó khăn nhất định.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích