Thực hiện chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, sáng 11-11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về vấn đề dạy và học trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, kéo dài.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Ngăn chặn tình trạng dạy học thêm tràn lan
Ghi nhận những thành tựu quan trọng mà ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được dù đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cũng nêu lên một thực tế: “Dù Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm nhưng gần đây đã xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Cử tri bức xúc, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành thanh tra về dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về quan điểm trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm: “Bình thường đã cần phải ngăn, trong khi học trực tuyến học sinh còn căng thẳng hơn, nên việc dạy thêm giờ, học thêm là việc chúng ta cần lên án”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Trong Thông tư Thông tư 09-2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến ngày 30-3-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã quy định rõ số giờ dạy cho các cấp, các lớp.
Các sở giáo dục, các địa phương cũng cần phối hợp để kiểm tra xem có hiện tượng học sinh phải học quá số giờ quy định hay không. “Quan điểm là chúng tôi sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và có đầy đủ các căn cứ để tích cực ngăn chặn việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Đồng tình với quan điểm cần chấn chỉnh việc giáo viên dạy thêm tràn lan, song theo đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), nếu giáo viên dạy thêm mà không dạy trước chương trình, dạy kèm học sinh giỏi, bồi dưỡng cũng sẽ giúp nâng cao tay nghề giáo viên, tăng thu nhập. Đại biểu cho rằng học thêm cũng là nhu cầu có thật của nhiều phụ huynh và học sinh, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu lại trên góc độ quản lý nhà nước để có những quy định, hướng dẫn cụ thể, tránh dạy và học thêm tràn lan chứ không phải ngăn cấm hoàn toàn.
Tăng khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp
Dự báo là trong thời gian tới dịch sẽ còn diễn biến phức tạp; dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp ổn định, lâu dài. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về định hướng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, giáo viên về lâu dài; những hạn chế trong công tác dạy và học bộc lộ trong thời gian ứng phó với dịch bệnh vừa qua.
Mở đầu phần trả lời đối với chất vấn của đại biểu tỉnh Vĩnh Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Có thể nói rằng chúng ta test tìm virus, nhưng virus đã test lại cả hệ thống của chúng ta.” Sau một thời gian chống chọi, ứng phó với dịch bệnh, có rất nhiều điều được nhận ra, song bên cạnh những điểm cần sửa chữa, bổ khuyết, Bộ trưởng cho rằng trước hết phải ghi nhận rằng sức mạnh, niềm tin vào hệ thống giáo dục đã được củng cố rất nhiều từ sự nhiệt thành, tận tụy hy sinh của gần 1 triệu giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục.
“Trong gian khó và thích nghi với điều kiện dạy học trực tuyến, ứng phó với dịch bệnh nhưng các thầy, các cô không kêu ca. Trên các diễn đàn, các nhóm không có nhiều các ý kiến phàn nàn, đó là điều rất tích cực. Các thầy, các cô sáng tạo vô cùng. Điều đó cho thấy một yếu tố rất quan trọng về tinh thần, sự tận tâm đã củng cố thêm niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo cũng như giáo viên”, Bộ trưởng cho biết.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ đã hết sức cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm, sự tận tình. Tuy nhiên, qua thời gian ứng phó với dịch bệnh cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh, làm tốt hơn trong thời gian tới. Trên phương diện thể chế, các chế độ chính sách được áp dụng vận hành trong tình trạng ứng phó dịch bệnh, Bộ trưởng thừa nhận,còn nhiều văn bản quản lý, nhiều chính sách đã bộc lộ những khiếm khuyết.
“Bình thường chúng ta có thể thấy nhưng chưa thực sự thành vấn đề gay gắt, thì trong khi ứng phó với dịch bệnh, chúng ta nhìn thấy rõ hơn”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết Bộ sẽ tiếp tục rà soát để khắc phục.
Trên phương diện quản lý nhà nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, giám sát, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này đang được làm tốt, nhưng khả năng ứng phó với các tình trạng khẩn cấp và các trạng thái an ninh phi truyền thống còn “cần làm nhiều việc hơn nữa” để nâng cao nghiệp vụ, hiểu biết không chỉ đối với cơ quan Bộ mà cho cả hệ thống ngành giáo dục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong quá trình nghiên cứu ban hành chính sách, ngoài yếu tố chung của cả nước còn cần phải chú ý nhiều hơn đến tính đa dạng, tính đặc thù của các vùng miền để các chính sách, văn bản quy định, hướng dẫn phải thực tế, phù hợp.
Trong vòng nửa cuối của tháng 8 và tháng 9-2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành gần 20 văn bản phục vụ quản lý điều hành liên quan đến công tác phòng, chống dịch, bao gồm chỉ thị, công điện, văn bản hướng dẫn, trong đó chú trọng gia tăng mức độ sát hợp với thực tế. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá: Quá trình ứng phó với dịch bệnh thời gian qua đã giúp chúng ta nhìn thấy được giới hạn trong vấn đề sức mạnh hạ tầng cho giáo dục.
“Đây là một khâu rất yếu mà chúng ta cần tăng cường khẩn trương và lâu dài. Dịch bệnh cũng cho thấy các kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo và các kỹ năng của học sinh, đặc biệt là năng lực tự học của học sinh cũng cần phải tăng cường rất nhiều”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phân rõ 3 nhóm đối tượng để có giải pháp lâu dài
Đối với những việc cần làm trong thời gian tới cần để tăng cường chất lượng dạy và học về lâu dài, đặc biệt là chất lượng dạy và học trực tuyến, Bộ trưởng cho biết, Bộ xác định phân rõ 3 nhóm đối tượng để có những giải pháp khác nhau. Hiện cả nước có 350 quận, huyện, thị đang dạy học trực tuyến, học qua truyền hình; 316 đơn vị hành chính đang học trực tiếp.
“Như vậy có 3 nhóm: Nhóm vẫn đang học trực tiếp bình thường thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh trung du và miền Trung. Một nhóm đang chuẩn bị đưa học sinh quay trở lại trường học. Thứ ba là những nhóm có khả năng sẽ tiếp tục dạy và học trực tuyến thêm một thời gian nữa. Mỗi một nhóm sẽ có giải pháp riêng phù hợp”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng việc học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay chuyển sang dạy học trực tuyến không chỉ có riêng Việt Nam, “đây là một việc mà cả thế giới phải làm.”
Đối với Việt Nam, ngành giáo dục đã có kinh nghiệm, đã chuẩn bị trong đợt dịch trước. Nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian dạy học trực tuyến là chưa từng có tiền lệ, do đó chúng ta chưa có kinh nghiệm.
Đối với ngành giáo dục, thầy và trò vừa phải ứng phó với dịch bệnh, vừa phải chuyển sang dạy học trực tuyến trong điều kiện cả nước còn hết sức khó khăn. Theo thống kê hiện nay có hơn 1,86 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình 2-3 anh chị em có chung một điện thoại để học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây là một việc “bất đắc dĩ”: “Do đó, trước khi quan tâm đến chất lượng, cũng mong các đồng chí lãnh đạo các địa phương rất chia sẻ, quan tâm, đấy là làm thế nào để hỗ trợ số các cháu không có thiết bị trong tay; một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được do thiếu thiết bị. Đây là vấn đề cấp bách hơn, trước khi chúng ta đánh giá xem các cháu học được gì”, Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Báo Tin tức