Ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” với mục tiêu hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp... Đây là cơ hội tốt cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm cho xã hội.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thảo mộc An Nhiên Trần Thị Tú Quyên bên các sản phẩm trong dự án khởi nghiệp. Ảnh: T.S |
Tại thành phố Đà Nẵng, đề án được các cấp hội phụ nữ, hội viên phụ nữ hưởng ứng tích cực thông qua các hoạt động thường niên như ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo” được tổ chức bài bản từ cấp phường, quận, thành phố và cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố phối hợp Hiệp hội Nữ doanh nhân triển khai nhiều hoạt động giúp chị em tích lũy kiến thức, khởi nghiệp thông qua hoạt động “Góc tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; hỗ trợ giúp đỡ hội viên khai thác, giải ngân từ nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển”; tiếp cận các nguồn vốn vay ủy thác ưu đãi; thành lập các tổ vay vốn quay vòng, tổ liên kết kinh doanh...
Kết quả, sau 5 năm triển khai đề án, Hội LHPN thành phố tiếp nhận, hỗ trợ 818 ý tưởng khởi nghiệp của các hội viên. Trong số này có 28 ý tưởng lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cấp thành phố, 25 ý tưởng được chọn tham gia “Phụ nữ với tương lai của nền kinh tế xanh”, “Phụ nữ khởi nghiệp - kết nối thành công” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Đặc biệt, có một số ý tưởng không những đoạt giải cao cấp toàn quốc mà còn triển khai khá thành công vào thực tiễn như ý tưởng “Ứng dụng phát triển ngôn ngữ và trí thức cho trẻ em - Xây dựng thế hệ trẻ em Việt Nam ham đọc”, “Thảo mộc An Nhiên”, “Smartos - Nền tảng tích hợp quản lý không gian làm việc”, “Nấm Hoàng Đế”...
Từng khá thành công với một công ty chuyên cung cấp mặt hàng tiêu dùng tại tỉnh Quảng Trị, chị Trần Thị Tú Quyên quyết định chuyển vào Đà Nẵng tiếp tục mở rộng thị trường. Thế nhưng, mọi việc không theo dự định. Sau vài năm vào Đà Nẵng, chị mất toàn bộ số vốn dành dụm, nợ ngân hàng số tiền lớn.
May mắn, trong lúc đang gặp vô vàn khó khăn, chị được cán bộ của Hội LHPN quận Thanh Khê động viên tham gia chương trình khởi nghiệp tại địa phương. Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thảo mộc An Nhiên Tú Quyên chia sẻ: “Đến nay, tôi vẫn nợ ngân hàng, thế nhưng khó khăn nhất đã ở phía sau, sản phẩm của tôi được thị trường thành phố và một số địa phương chấp nhận. Có được điều này nhờ tôi tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo” do Hội LHPN quận Thanh Khê và thành phố tổ chức. Tuy nhiên, cái khó của chúng tôi hiện nay là bài toán về vốn vẫn chưa giải được. Theo quy định, các ý tưởng khởi nghiệp sau khi thẩm định, nếu có tính khả thi sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay từ 50 đến 100 triệu đồng. Con số được vay quá ít ỏi so v ới nhu cầu của công ty hiện nay là 1 tỷ đồng. Điều này hạn chế nhiều đến việc mở rộng quy mô sản xuất của công ty”.
Trưởng nhóm liên kết “Bữa ăn sáng cho người bận rộn” Nguyễn Thị Quế Tiên cũng gặp khó khăn về vốn vay. Chị cho biết, sau khi tham gia và đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo” quận Hải Châu, với ý tưởng “Bữa ăn sáng cho người bận rộn”, 9 thành viên của nhóm (là những người bán quán ăn vỉa hè ở phường Hải Châu 1) triển khai ý tưởng vào thực tế. Nhờ hỗ trợ kỹ thuật từ Hội LHPN thành phố và quận, Phòng Kinh tế quận Hải Châu... nhóm lập trang web riêng để khách hàng đặt món ăn. Tuy nhiên, nhóm không thể mở rộng quy mô hoạt động vì chỉ có thể vay cao nhất 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chia sẻ về khó khăn này, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê Đỗ Thị Thu Hiền cho hay, khó khăn chung của các phụ nữ khi tham gia khởi nghiệp từ nhiều năm qua vẫn là câu chuyện về vốn vay. Nhiều ý tưởng tốt, đạt giải cấp quận, thành phố, thậm chí là quốc gia, nhưng khi triển khai vướng vào vốn nên dậm chân tại chỗ. Muốn tiếp cận nguồn vốn vay nhiều hơn, các ý tưởng phải được chọn vào chương trình “Mỗi địa phương một sản phẩm” (OCOP). Thế nhưng, để được “gắn nhãn” OCOP, đòi hỏi nhiều điều kiện về công nghệ, môi trường... mà đa phần các ý tưởng chưa thể đáp ứng được. Vì vậy, chị em cũng không thể vay vốn nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Là tổ chức đồng hành với chương trình khởi nghiệp của phụ nữ thành phố nhiều năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Lê Thị Nam Phương cho biết, để giúp chị em trong việc khởi nghiệp, thời gian qua hiệp hội có nhiều hoạt động thiết thực như mở các lớp tập huấn kiến thức về kinh doanh, quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiếp thị, kết nối thị trường...
Tuy nhiên, hiệp hội chưa giúp được chị em tiếp cận các nguồn vốn vay. Ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức dao động 50 đến 100 triệu đồng, các nguồn vốn vay thương mại đòi hỏi tài sản thế chấp, dây chuyền công nghệ... - điều mà hầu hết chị em không thể vượt qua nên không thể mở rộng hoạt động.
THANH VÂN