Sâu đậm nghĩa tình thủy chung

.

Đã 25 năm kể từ ngày thành phố Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương nhưng giữa hai địa phương luôn có mối quan hệ keo sơn, gắn bó, hỗ trợ nhau cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ 5, trái sang) đến thăm, tặng quà cho nhân dân huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và trao số tiền hỗ trợ 12 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai thành phố. Ảnh: P.V
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ 5, trái sang) đến thăm, tặng quà cho nhân dân huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và trao số tiền hỗ trợ 12 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai thành phố. Ảnh: P.V

Liên kết, hợp tác triển khai nhiều công trình, dự án

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã mở ra triển vọng hợp tác phát triển giữa hai địa phương với không gian phát triển chung. Đó là những tuyến đường liền mạch Sơn Trà - Điện Ngọc; Ngũ Hành Sơn - Hội An; cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ; Hòa Vang - Đại Lộc; Hòa Vang - Điện Bàn, Hòa Vang - Đông Giang, Tây Giang... Quảng Nam - Đà Nẵng còn kết nối chặt chẽ với nhau qua các tuyến đường như: quốc lộ 1A, tuyến đường sắt và đường Hồ Chí Minh...

Đáng chú ý, nhiều năm qua, không ít công trình dự án trọng điểm đã được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng như: tuyến đường nối Đà Nẵng - Hội An, mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A, 14B và tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… Đồng thời, hai địa phương cũng tham gia nhiều chương trình hợp tác du lịch, thương mại thúc đẩy liên kết vùng. Ngoài ra, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác phát triển hạ tầng giao thông, phối hợp xây dựng phương án điều tiết nước giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn nhằm bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du Quảng Nam và Đà Nẵng trong mùa khô.

“Đà Nẵng - Quảng Nam là ví dụ điển hình nhất của ý chí và tinh thần vượt khó của mảnh đất trong chiến tranh với tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất; trong thời kỳ xây dựng và phát triển đã luôn nỗ lực sáng tạo, không cam chịu khó khăn để vươn lên phát triển. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam phải ý thức sâu sắc về giá trị lịch sử to lớn của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng, từ đó đặt quyết tâm chính trị trong xây dựng và phát triển quê hương. Hai địa phương cần khơi dậy khát vọng phát triển vì một Việt Nam hùng cường. Tinh thần và khát vọng ấy phải được truyền đi rộng rãi, lan tỏa đến từng cấp ủy, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên và từng người dân”.
Trích phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ngày 10-4-2021

Kể từ khi chia tách đến nay, hai địa phương đã chủ động phối hợp và thông qua các cuộc làm việc giữa lãnh đạo hai bên, các hội nghị, diễn đàn kinh tế với các bộ, ban, ngành để tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng giao thông còn chậm như các tuyến đường quốc lộ 14D thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây 2, nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14G đoạn Túy Loan - Prao; nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14B đoạn Túy Loan - cầu Hà Nha, tuyến đường vành đai phía tây…

Trong thời gian tới, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác, liên kết, kết nối cung cầu phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm phát triển hạ tầng, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; phối hợp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và đầu tư; phối hợp xây dựng các tuyến giao thông liên tỉnh. Cụ thể, phát triển các tuyến đường thủy: sông Hàn - sông Cổ Cò - sông Thu Bồn, sông Hàn - sông Vĩnh Điện - sông Thu Bồn; tuyến từ vịnh Đà Nẵng đi hòn Sơn Trà Con, Cù Lao Chàm kết nối trung tâm thành phố với Hội An, để phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên; triển khai nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt du lịch Đà Nẵng - Hội An; nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn kiên cố trên sông Cầu Đỏ; điều chỉnh các tuyến buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng theo hướng không đi vào trung tâm...

Ngày 30-11-2020, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã có buổi làm việc để đánh giá kết quả sau hai năm thực hiện Thông báo kết luận số 385-TB/TU ngày 30-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về một số kết quả bước đầu đạt được trong công tác liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế, du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản, phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh giữa hai địa phương. Sau khi rà soát, đánh giá lại những kết quả đã đạt được, hai bên tiếp tục thống nhất phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án lớn trong đó có dự án đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng và dự án Nạo vét khơi thông sông Cổ Cò.…

Sợi dây nghĩa tình luôn bền chặt

Đà Nẵng và Quảng Nam luôn sâu nặng tình nghĩa anh em và thể hiện rõ nhất trong thời điểm hai năm vừa qua, khi dịch bệnh và thiên tai xảy ra liên tiếp. Trong 20 ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó” (16-8 đến 5-9-2021), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nhận được hàng trăm tấn nông sản hỗ trợ từ tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, phần lớn số nông sản hỗ trợ là từ các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My... Những nơi này, tuy người dân còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống hằng ngày nhưng vẫn dành nhiều tình cảm vật chất là tinh thần gửi tới người dân Đà Nẵng. Trước đó, khi Đà Nẵng là tâm dịch vào tháng 8-2020, 10 tấn rau củ quả và dược liệu đủ loại được người dân huyện Nam Trà My gửi tới người dân Đà Nẵng sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My phát động chiến dịch “Hướng về đồng bào - San sẻ yêu thương”. Cứ như vậy, nghĩa tình giữa hai địa phương qua dịch bệnh luôn được thắt chặt.

30 tấn lương thực, thực phẩm của người dân huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) được gửi đến người dân trong khu cách ly của quận Sơn Trà trong sáng 10-8-2021 khi tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG
30 tấn lương thực, thực phẩm của người dân huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) được gửi đến người dân trong khu cách ly của quận Sơn Trà trong sáng 10-8-2021 khi tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Về phía Đà Nẵng, vào tháng 10-2020, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, tặng quà nhân dân huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và trao số tiền hỗ trợ 12 tỷ đồng từ Quỹ nguồn phòng chống thiên tai thành phố; đồng thời thăm hỏi, động viên nhân dân và cán bộ huyện Tây Giang nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm khắc phục thiệt hại do lũ quét từ hoàn lưu bão số 5-2020 gây ra. Các năm trước đó, Đà Nẵng cũng đã nhiều lần hỗ trợ Quảng Nam khắc phục hậu quả mưa lũ thông qua các vật phẩm, hàng hóa khi Quảng Nam liên tiếp hứng chịu thiên tai.

Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính nhưng sợi dây nghĩa tình luôn bền chặt. Bất cứ khi nào người dân Quảng Nam gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, Đà Nẵng luôn là địa phương đầu tiên sát cánh, sẻ chia.

Đầu tháng 8-2021, dù vừa hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh hơn 430 tấn nông sản, nhu yếu phẩm nhưng người dân tỉnh Quảng Nam vẫn tích cực đóng góp, hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian thực hiện giãn cách “ai ở đâu thì ở đó”. “Qua đợt phát động vừa rồi, dù các huyện miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, bà con bắt đầu khắc phục hậu quả, mới dựng lại nhà cửa sau đợt thiên tai năm 2020 nhưng vẫn góp sức hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng”, ông Ca nói.

Có thể khẳng định, 25 năm qua, Đà Nẵng và Quảng Nam tuy chia tách địa giới hành chính nhưng giữa hai địa lương luôn gìn giữ và phát huy mối quan hệ khăng khít, sâu nặng nghĩa tình nhằm hướng đến mục tiêu cùng nhau xây dựng và phát triển, đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng đất nước.

MAI QUẾ - THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.