Do yêu cầu bố trí lực lượng thích hợp để kịp thời tổ chức những cuộc tấn công chống địch, vì vậy, cuối năm 1962, được lệnh của Khu ủy 5, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia thành tỉnh Quảng Nam - là mũi trụ ở cánh Nam, do ông Phạm Tứ làm Bí thư và tỉnh Quảng Đà - là mũi trụ ở cánh Bắc, do ông Hồ Nghinh làm Bí thư. Chỉ mấy tháng sau ngày hòa bình năm 1975, Quảng Nam và Quảng Đà sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau hơn hai mươi năm, cùng nhau làm việc, ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết về việc chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Lễ đón tiếp các cơ quan ở Đà Nẵng vào công tác tại Tam Kỳ ngày 21-2-1997. (Ảnh tư liệu) |
Sau 15 ngày cùng nhau vui Tết Đinh Sửu, vào buổi sáng rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu, nhằm ngày 21-2-1997, diễn ra lễ chia tay. Một buổi sáng đẹp trời, người đi và người tiễn cùng lên xe trước quảng trường Nhà hát Trưng Vương. Xuân này - Nhâm Dần, đã 25 năm trôi qua.
Hơn 20 năm xây dựng trong hòa bình, sau năm 1975, mỗi cơ quan đơn vị chỉ có một vài chiếc xe công vụ để đưa đón thủ trưởng, hoặc đi công tác xa. Chỉ cơ quan Tỉnh ủy và UBND tỉnh thì có năm bảy chiếc xe con. Cán bộ, nhân viên nhà chưa ra nhà, phần lớn ở khu tập thể nói gì đến xe con xa xỉ. Đoàn xe con vào Tam Kỳ là xe ưu tiên của cơ quan, đơn vị chia cho người anh em ‘‘điều’’ vào Quảng Nam, dù ưu tiên song hầu hết là xe đã qua năm, bảy, mười năm sử dụng.
Khi chia tách, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn và quyết định ưu tiên cho Quảng Nam: cấp trưởng vào Quảng Nam, cấp phó lên thay cấp trưởng ở Đà Nẵng. Và chia tài sản, tài sản vật thể cũng nhiều loại tốt xấu, nhưng không khó, chỉ cần ưu tiên cho người đi. Riêng tài sản phi vật thể thì Ban Thường vụ và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phải họp bàn nhiều phiên, tính toán chia cán bộ, ai đi, ai ở lại, mà đa phần muốn ở lại, vì hai mươi năm cuộc sống đang dần ổn định, nên không ít người ngại đi. Có cả nhiều vấn đề lớn phải đưa ra mấy phiên họp HĐND tỉnh để biểu quyết như chia ‘‘địa giới hành chính’’.
Báo Quảng Nam - Đà Nẵng chia thành Báo Đà Nẵng và Báo Quảng Nam. Vẫn giữ nguyên khuôn khổ tờ báo cũ, chỉ thay đổi cái măng sét: Báo Đà Nẵng màu đỏ, do anh Ngô Quy Nhơn làm Tổng Biên tập, anh Vũ Thành Lê làm Phó Tổng Biên tập, quyết định ra tuần 5 số hằng ngày và một số Cuối tuần. Báo Quảng Nam màu xanh, bổ nhiệm Hồ Duy Lệ, nguyên là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng làm Tổng Biên tập, tòa soạn còn phải làm việc xuất bản báo tại Đà Nẵng, ra 4 số trong các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và số Chủ nhật. Báo Đà Nẵng dành một phòng cho Ban Biên tập Báo Quảng Nam tạm trú một thời gian để có thể làm việc và phát hành báo. Đến ngày 2-9-1997, bộ phận Tòa soạn Báo Quảng Nam mới chia tay anh chị em Báo Đà Nẵng, chia tay ngôi nhà số 42 đường Trần Phú. Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn vào tận Tam Kỳ để cùng vui với anh chị em Báo Quảng Nam.
Thời gian đầu, khi Quảng Nam còn khó khăn, thiếu thốn thì Đà Nẵng chia sẻ tận tình như anh em. Không đợi Tết, lễ, thỉnh thoảng Đà Nẵng tổ chức đoàn cán bộ vào thăm Quảng Nam, lúc thì Chủ tịch rồi Bí thư Nguyễn Bá Thanh, lúc thì Bí thư Trương Quang Được, lúc Bí thư Phan Diễn. Chừng năm, bảy năm sau, Quảng Nam đẩy mạnh sản xuất, vươn lên theo Đà Nẵng đang tăng tốc. Đà Nẵng thành phố trực thuộc Trung ương, đi lên từ lợi thế vốn có của mình. Nổi bật và rất nổi tiếng là công cuộc chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian ngắn làm thay đổi hoàn toàn gương mặt thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng đột phá vào tận các khu ổ chuột, nhà chồ, vùng ngập nước… vào những vùng đất ‘‘nhạy cảm’’ các nhiệm kỳ trước không muốn đụng đến. Sinh thời, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh lặn lội đến gặp dân, gặp trẻ em đường phố, gặp dân chơi bụi đời, gặp xích lô, xe thồ, gặp cả những người kiện cáo, vu cáo, làm kích thích mọi sức sáng tạo, làm chấn động sự bình chân, vô can, làm cho những ai chỉ vì mình, hồ nghi, mặc cảm phải nghĩ suy, cùng sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân làm bệ phóng xây dựng một thành phố “5 không’’, thành phố ‘‘3 có’’ và đặc biệt, thành phố với những đêm bừng sáng lễ hội pháo hoa, vận động toàn dân cùng quyết tâm xây dựng một thành phố đáng sống.
Năm 2000, Đà Nẵng mới xây được cây cầu qua sông Hàn. Cầu có giá trị hơn một trăm tỷ đồng, trong đó có đóng góp công sức, tiền bạc và tình cảm của người dân Đà Nẵng. Cầu Sông Hàn ra đời trong những ngày người Đà Nẵng trở thành dân của đô thị loại một, tưng bừng đón nhận danh hiệu thành phố anh hùng. Công trình đường Bạch Đằng Đông làm thay đổi hoàn toàn phía Biển Đông. Người “đứng bên ni sông Hàn’’, không còn thấy cảnh “nước xanh như tàu lá’’, mà bồi hồi nhìn “phố xá nghênh ngang’’, vui lây với những ngôi nhà cao sang ngày đêm soi bóng nước sông Hàn. Chỉ thời gian ngắn, sông Hàn có thêm cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Tiên Sơn...
Khi thành phố phát triển vào phía nam, lại có thêm những cây cầu mới: cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Đò Xu, cầu Trung Lương, cầu Khuê Đông, cầu qua sông Cổ Cò - những làng quê sông nước - bàn đạp một thời góp người, góp của và xương máu xây dựng cơ sở cách mạng cho nội thành Đà Nẵng… Đi qua những cây cầu mới, là đi vào khu đô thị xanh-sạch-đẹp Hòa Xuân, Hòa Châu, Hòa Hải, Hòa Cầm. Qua đây, dừng lại, bồi hồi nhớ những ngày gian khổ và hào hùng, dưới nền đất mới, là công lao xương, máu của những chiến sĩ giải phóng quân từng xả thân vì thành phố Đà Nẵng thân yêu. Và, thành phố dành vùng đất phía tây, hình thành Khu Công nghệ cao - công trình đưa vị thế của Đà Nẵng lên tầm cao mới.
Khi chia tách tỉnh, nhiều thứ đã phải chia như trên đã nhắc, duy chỉ có tài sản vô giá là truyền thống văn hóa và anh hùng thì không chia, không thể chia! Chính vì vậy, cả Đà Nẵng và Quảng Nam luôn trân trọng bảo tồn, lưu giữ và không ngừng khai thác, phát huy tài sản vô giá, nguồn vốn vô tận, không thể chia ấy, làm nền tảng và động lực cho công cuộc phát triển toàn diện và bền vững của mình. Dù chia hay không chia, hai người anh em luôn trọn nghĩa, trọn tình, luôn giữ gìn hình ảnh, những trang sử hào hùng, thật đẹp của cha anh. Thế hệ tiếp theo sau đang viết tiếp những trang sử mới, không thể và không bao giờ quên, những ngày cha anh cùng chiến hào trong chiến đấu quên mình giữ nước, sống-chết-đói-no có nhau!
HỒ DUY LỆ