Cải tiến quy trình xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Khánh

.

Trước đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước xung quanh Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) diễn ra thường xuyên khiến nhiều hộ dân bức xúc. Tuy nhiên, từ khi Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Hòa Khánh được cải tạo, đầu tư nâng cấp, tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải đã không còn.

Trạm Xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Hòa Khánh được đầu tư nâng công suất lên 7.000 m3/ngày đêm. Ảnh: ANH NHƯ
Trạm Xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Hòa Khánh được đầu tư nâng công suất lên 7.000 m3/ngày đêm. Ảnh: ANH NHƯ

Cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước thải

Trạm Xử lý nước thải tập trung tại KCN Hòa Khánh vận hành từ năm 2006, được thiết kế với công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm, bằng công nghệ sinh học hiếu khí (SBR) trên các bể Aerotank làm việc theo mẻ. Nhưng ở thời điểm đó, lượng nước thải của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN Hòa Khánh được đấu nối về trạm đạt tỷ lệ rất thấp; tình trạng xả lén nước thải ra môi trường thường xuyên xảy ra, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân sống xung quanh khu vực.

Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2009, UBND thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh miền Trung lập dự án cải tạo, nâng cấp Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh, bảo đảm nước thải sau hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp theo quy định. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm để bảo đảm môi trường.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng cho biết, từ khi Urenco miền Trung tiếp nhận quản lý Trạm Xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh, công ty đã đầu tư nâng cấp trạm bài bản với công nghệ sinh học xử lý 24/24 giờ. Hiện công suất và năng lực xử lý của trạm hoạt động tương đối ổn định. Bên cạnh đó, tình trạng xả trộm, xả lén không còn, môi trường trong KCN và khu dân cư được cải thiện.

Theo ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc Chi nhánh Urenco miền Trung, sau khi tiếp nhận quản lý vận hành Trạm Xử lý nước thải tập trung, công ty đã nghiên cứu, cải tiến quy trình công nghệ, bổ sung thêm công đoạn xử lý hóa học. Bên cạnh đó, bổ sung và hiệu chỉnh máy móc thiết bị phù hợp quy trình công nghệ bảo đảm trạm vận hành liên tục. Ngoài ra, công ty còn cải tạo lại hệ thống, nâng công suất xử lý đạt gần 7.000m3/ngày đêm, ổn định chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải.

Hằng năm, Urenco miền Trung đầu tư 300-400 triệu đồng để bảo vệ, duy tu định kỳ cũng như nâng cấp các hạng mục tại Trạm Xử lý nước thải tập trung như: hệ thống bơm chìm công suất lớn, xây dựng mới nhà kho và sân phơi bùn, lắp đặt đồng hồ D300 đo lưu lượng nước thải đầu ra, xây mới hệ thống mương thoát nước thải sau xử lý, hệ thống điện. “Với sự đầu tư của công ty cũng như sự quan tâm của thành phố, đến nay, “điểm nóng” ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải tại KCN Hòa Khánh đã cơ bản được xử lý triệt để, góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, ông Quảng nói.

Doanh nghiệp chấp hành tốt việc xử lý nước thải

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu trước đây, lượng nước thải về Trạm Xử lý nước thải tập trung tại KCN Hòa Khánh chỉ đạt trung bình khoảng 3.000m3/ngày đêm, nay tăng lên gần 6.000m3/ngày đêm, có thời điểm lên đến 7.000m3/ngày đêm. Theo bà Văn Thị Nga, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Chi nhánh Urenco miền Trung, sở dĩ lượng nước thải về trạm tăng do lực lượng chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng xả thải của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN Hòa Khánh. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động tại KCN đã chấp hành tốt việc thực hiện đấu nối xử lý nước thải đến Trạm Xử lý nước thải tập trung tại KCN Hòa Khánh do Urenco quản lý và vận hành.

Cũng theo bà Nga, thời gian qua, Urenco miền Trung đã vận động và đề nghị các doanh nghiệp thực hiện việc ký hợp đồng xử lý nước thải để bảo đảm môi trường. Cùng với đó, các ngành chức năng cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đấu nối nên đến nay, việc các doanh nghiệp thực hiện đấu nối vào Trạm Xử lý nước thải tập trung đã có những chuyển biến tích cực.

Đến thời điểm này, có 123 doanh nghiệp ký hợp đồng đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm do Urenco quản lý vận hành; 11 doanh nghiệp ngừng sản xuất; 11 doanh nghiệp không có phát sinh nước thải ra hệ thống. Đối với một số doanh nghiệp có Trạm Xử lý nước thải riêng như Công ty CP Vinatex Quốc tế - chi nhánh Đà Nẵng cũng thuê đơn vị vận hành trạm xử lý nước thải cho doanh nghiệp. 

Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới, theo ông Ngô Lê Quảng, chi nhánh Urenco miền Trung mong muốn trở thành nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, thu gom rác thải công nghiệp, xử lý rác thải y tế..., góp phần chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp.

ANH NHƯ

;
;
.
.
.
.
.