Cần khẩn trương chống nhiễm mặn, thiếu nước

.

Một tuần qua, dù mực nước sông Yên còn cao nhưng sông Cẩm Lệ tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng trở lại và gia tăng độ mặn nhanh chóng. Trước tình hình này, các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố cần khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Dù mực nước tại đập dâng An Trạch luôn cao nhưng các cửa van chưa được vận hành phát huy hiệu quả trong đẩy mặn cho khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Dù mực nước tại đập dâng An Trạch luôn cao nhưng các cửa van chưa được vận hành phát huy hiệu quả trong đẩy mặn cho khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nhiễm mặn bất thường

Khác với mọi năm, từ đầu năm 2022 đến nay, mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) luôn cao hơn 2,2m, thậm chí là thường xuyên duy trì ở mức 2,3-2,6m, nghĩa là mực nước luôn cao hơn ngưỡng tràn các cửa van của toàn hệ thống đập dâng An Trạch ít nhất 0,2m. Về mặt lý thuyết, với mực nước như vậy, luôn có nhiều nước ngọt tràn qua các cửa van đổ về sông Cẩm Lệ để đẩy mặn.

Qua theo dõi tình hình nhiễm mặn của sông Cẩm Lệ những năm trước, thông thường, sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn khi mực nước sông Yên tại An Trạch hạ thấp xuống dưới mức 2m trong nhiều giờ liền, bởi khi đó, các cửa van được tự động đóng lại để giữ nước nên gần như không có nước ngọt chảy về đẩy mặn.

Tuy nhiên, sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn trở lại vào ngày 23-3, với độ mặn cao nhất trong ngày đo được tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ là 373mg/l, mực nước sông Yên ở thượng lưu đập dâng An Trạch duy trì từ 2,3-2,4m. Đến ngày 25-3, độ mặn cao nhất ngày tăng lên 952mg/l, mực nước sông tại An Trạch 2,3-2,5m. Đặc biệt, vào ngày 28-3, có một số thời điểm độ mặn cao hơn 1.000mg/l, cao nhất là 1.196mg/l, trong khi mực nước tại An Trạch duy trì từ 2,2-2,5m.

Về sự bất thường nói trên, ngày 28-3, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các cửa van của hai đập dâng Hà Thanh và Bàu Nít (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã được lắp đặt thêm cơ cấu và tấm thép để nâng mực nước tại thượng lưu đập dâng từ 2m lên ít nhất 2,5m. Điều này lý giải nguyên nhân mực nước sông Yên tại đập dâng An Trạch luôn cao từ đầu năm 2022 đến nay nhưng cũng có phần gây khó cho sông Cẩm Lệ vì gần như không có nguồn nước ngọt chảy về sông Quá Giáng và sông Cái để làm giảm độ mặn cho sông Hàn. Mặt khác, các đơn vị của tỉnh Quảng Nam cũng đã tiến hành đắp đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện trong tháng 2-2022 nên cũng không có nguồn nước ngọt từ sông Thu Bồn chảy về làm giảm nồng độ mặn cho sông Hàn.

Tại đập dâng An Trạch (được xây dựng từ cách đây 20 năm), khi mực nước sông Yên dâng cao, đáng lẽ 12 cửa van sẽ tự động lật nghiêng cho nhiều nước chảy về đẩy mặn cho khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ. Song, theo ghi nhận, vào sáng 28-3, khi mực nước tại đập dâng An Trạch ở mức 2,35m, chỉ có 3 cửa van số 3, 9 và 10 được tự động lật nghiêng để nhiều nước chảy qua; 2 cửa van số 6 và 8 bị kẹt, đóng kín, lỏng dây treo; 7 cửa van còn lại chưa tự động lật nghiêng. Trong khi đó, ở khu vực sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), do chưa được đắp đập tạm ngăn sông nên có rất nhiều nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn... Chính những điều trên đã làm xâm nhập mặn sâu vào sông Cẩm Lệ và gây nhiễm mặn bất thường khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Đập dâng Hà Thanh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã được nâng cao trình ngưỡng tràn của các cửa van làm mực nước sông Yên tại đập dâng An Trạch luôn cao từ đầu năm 2022 đến nay. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đập dâng Hà Thanh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã được nâng cao trình ngưỡng tràn của các cửa van làm mực nước sông Yên tại đập dâng An Trạch luôn cao từ đầu năm 2022 đến nay. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sớm đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế, nâng cấp đập An Trạch

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng Nguyễn Anh Tuấn thông tin, các cửa van của đập dâng An Trạch có nhược điểm là khi nước dâng cao thì mới từ từ lật nghiêng, chứ không tự mở theo ý muốn của người vận hành, đây là nguyên nhân gây khó điều tiết, nhất là điều tiết lũ. Vừa qua, có một số cửa van bị hư hỏng nên công ty đã sửa chữa lại. “Về lâu dài, thành phố đã có chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống đập dâng An Trạch. Sắp đến, khi đầu tư các cửa van mới thì dễ dàng đóng, mở, điều tiết hiệu quả theo ý muốn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Còn Tiến sĩ Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, cho rằng, so với năm 2021 thì năm nay, tình trạng nhiễm mặn tại khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ diễn ra chậm hơn và điều tích cực là mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch cao hơn do các đơn vị của tỉnh Quảng Nam đã nâng cao cao trình ngưỡng tràn cửa van tại 2 đập Bàu Nít và Hà Thanh.

Dù vậy, do đập tạm ngăn sông Quảng Huế chưa được đắp nên có nhiều nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn. Trong thời gian ngắn sắp đến, dòng chảy cơ bản từ các sông, suối về hạ du không còn nhiều như hiện nay thì nguy cơ cao xảy ra nhiễm mặn kéo dài, dễ gây nước yếu. Do đó, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của việc nâng cao cao trình ngưỡng tràn của các cửa van tại 2 đập dâng Bàu Nít, Hà Thanh và sớm thi công đập tạm ngăn sông Quảng Huế để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa cho biết, sở đã trao đổi với các đơn vị của tỉnh Quảng Nam đối với ý kiến của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng về đề nghị các công ty thủy điện giảm xả nước trong thời gian ngắn để hạ thấp mực nước sông Quảng Huế nhằm tiến hành đắp đập tạm nhưng do cây lúa trên các cánh đồng của tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Đà Nẵng đang trổ bông, cần nhiều nước tưới. Mặt khác, hiện nay, dòng chảy cơ bản trên các sông về hạ du còn nhiều, có thể đẩy mặn nên tạm thời chờ đến ngày 10-4-2022 mới giảm vận hành xả nước theo đề nghị.

Rà soát quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan về rà soát quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc vận hành xả lũ của các hồ chứa trong thời gian mưa lũ vừa qua; tổ chức rà soát các quy trình vận hành liên hồ chứa để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm vận hành phù hợp, hiệu quả, khắc phục những bất cập trong vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là trên các lưu vực sông ở miền Trung và Tây Nguyên. Thực hiện nhiệm vụ nói trên, Cục Quản lý tài nguyên nước thành lập đoàn công tác do Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh làm trưởng đoàn làm việc với các cơ quan và đơn vị quản lý vận hành hồ chứa về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy trình vận hành liên hồ và đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy định của quy trình vận hành liên hồ. Vào đầu tháng 4-2022, đoàn công tác sẽ khảo sát thực địa các hồ và tổ chức họp rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan và trao đổi các đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy định của quy trình vận hành liên hồ.

Thủy điện chủ động tăng lưu lượng xả nước

Nhằm làm giảm tình trạng xâm nhập mặn ở hạ du sông Vu Gia, từ ngày 25-3 đến 28-3, 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương đã được vận hành xả nước về hạ du với lưu lượng trung bình ngày cao hơn. Cụ thể, tại hồ thủy điện A Vương, lưu lượng nước trung bình ngày xả về tăng từ 16,02m3/s (ngày 25-3) lên 20,1m3/s (ngày 28-3) và hồ thủy điện Sông Bung 4 xả từ 26,38m3/s tăng lên 40,98m3/s.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.