ĐNO - Ngày 1-4, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển giữa 2 địa phương.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Dự hội nghị, về phía thành phố Hải Phòng, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Lưu Quang; Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập. Về phía Đà Nẵng, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Hai thành phố có nhiều nét tương đồng
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, sau hơn 60 năm kết nghĩa giữa thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng, quan hệ hợp tác giữa hai thành phố ngày càng gắn bó chặt chẽ. Hai địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực trong hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trên một số lĩnh vực như du lịch, giao thông vận tải, cảng biển, phát triển văn hóa, thể thao, y tế, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Đà Nẵng và Hải Phòng có những nét tương đồng cơ bản, là hai thành phố trực thuộc Trung ương, được công nhận là đô thị loại 1 cấp quốc gia; có vai trò, tiềm năng, vị trí trong mỗi khu vực kinh tế trọng điểm. Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết, kết luận nhằm tạo cơ chế đột phá và động lực phát triển lâu dài, bền vững cho hai thành phố. Đây là những dấu mốc lịch sử quan trọng, làm nền tảng, động lực để hai thành phố nhanh chóng phát huy tiềm năng, lợi thế để từng bước vươn lên giữ vai trò một trong những đô thị trung tâm của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế tương đồng của hai địa phương, việc liên kết, hợp tác phát triển mới dừng ở một vài ngành, lĩnh vực với một số kết quả nhất định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, trong thời gian đến, các nội dung trao đổi, hợp tác để cùng phát triển sẽ được 2 thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp như cụ thể hóa các nghị quyết (Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW), kết luận của Bộ Chính trị đối với từng địa phương; cùng thống nhất kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương các lĩnh vực hợp tác phát triển du lịch, kết nối hạ tầng giao thông (sân bay, cảng biển, dịch vụ logistics…) nhằm góp phần thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung và hai địa phương nói riêng.
Dấu mốc quan trọng trong hợp tác, phát triển của hai địa phương
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cho rằng, buổi làm việc là dấu mốc quan trọng trong hợp tác, phát triển của 2 địa phương. Việc hợp tác không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà ngay cả trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là câu chuyện “Ý Đảng lòng dân”. Đây là kết quả mà Đà Nẵng đạt được rất ấn tượng.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang khiêm tốn ví Hải Phòng như một con tàu viễn dương lớn, nhưng chạy rất chậm, có nguy cơ tụt hạng so với bộ tiêu chí của địa phương. Trong khi đó Đà Nẵng là một sự khác biệt, năng động, sáng tạo, tiếp cận rất gần với bộ tiêu chí của một đô thị hiện đại. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đề nghị hai thành phố hợp tác toàn diện, thực chất trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh nghiệm ứng xử với những vấn đề khó và những rào cản mang tính pháp lý; hỗ trợ nhau trong việc giải quyết những khó khăn của từng địa phương; tham gia tích cực trong việc đề xuất với Trung ương những vấn đề mang tính quốc gia. “Đà Nẵng cần, Hải Phòng có, Hải Phòng cần thì Đà Nẵng có mặt”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HUY |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao những thành tựu Hải Phòng đạt được trong thời gian qua, coi đây là điểm sáng để Đà Nẵng học tập. Qua ý kiến trao đổi giữa hai bên, đã gợi mở nhiều vấn đề, thể hiện sự quan tâm, quyết tâm giữa hai thành phố trong tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề đặt ra.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thống nhất cho rằng, hai thành phố cần bổ sung, làm rõ hơn các vấn đề trong hợp tác về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, kiểm tra - giám sát. Thành phố coi việc hình thành trung tâm tài chính là bước đi đột phá hướng tới nền kinh tế xanh, trở thành trung tâm tài chính khu vực. Bên cạnh sự chỉ đạo của Trung ương, cần có sự ủng hộ của các địa phương, mong Hải Phòng chia sẻ, ủng hộ Đà Nẵng trong định hướng phát triển này.
Lãnh đạo hai địa phương trao quà lưu niệm cho nhau. Ảnh: TRỌNG HUY |
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, để cụ thể hóa các nội dung, sẽ thống nhất ban hành kết quả buổi làm việc giữa hai Ban Thường vụ, trên cơ sở đó giao cho các cơ quan tham mưu giúp việc của hai Ban Thường vụ, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn HĐND và Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chịu trách nhiệm triển khai, xây dựng các chương trình cụ thể trong từng lĩnh vực, hướng đến mục tiêu chung là sự phát triển của hai thành phố. “Phải thể hiện quyết tâm rất cao, phải có sản phẩm cụ thể, hằng năm để sơ kết, đánh giá. Trong thời gian tới, chúng ta làm cái gì, những gì có thể làm được, cần phải làm ngay, có cơ chế cho việc trao đổi giữa các sở, ngành với nhau để chủ động trong hợp tác, phát triển”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, phải thực hiện thật tốt chương trình phối hợp giữa hai thành phố, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt, mà còn nhiệm vụ đối với tiền nhân, đền đáp sự hy sinh và cả một quá trình kết nghĩa, giúp đỡ, hỗ trợ nghĩa tình giữa hai địa phương từ trước đến nay. Hai địa phương cần mở rộng phạm vi hợp tác phát triển, nhất là về lĩnh vực xây dựng Đảng, kinh nghiệm tổ chức cán bộ, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, nội chính, văn phòng… ; hợp tác của khối dân vận, Mặt trận, các hội đoàn thể, giữa các chính quyền địa phương để sự hợp tác lan tỏa, toàn diện hơn, gắn bó chặt chẽ hơn.
TRỌNG HUY