Tình hình mưa, lạnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ chấm dứt trong ngày 21-4, một số khu vực mưa nhỏ, lượng mưa và cường độ mưa giảm dần, thời tiết có xu hướng ấm lên.
Thời tiết có xu hướng ấm lên từ ngày 21-4. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Ngày 18-4, Trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết tình hình mưa, lạnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ chấm dứt trong ngày 21-4, một số khu vực mưa nhỏ, lượng mưa và cường độ mưa giảm dần. Từ ngày 21-4, thời tiết có xu hướng ấm lên.
Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng lưu ý tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa. Mặt khác, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Các khu vực trong cả nước cần đề phòng các hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trước tình hình mưa dông, các chuyên gia khuyến cáo, khi trời mưa dông có thể kéo theo gió mạnh, ngập nước, thậm chí là lốc xoáy và sét đánh gây nguy hiểm.
Người dân nên cẩn thận với các thiết bị điện, điện tử trong nhà bằng việc không sử dụng điện thoại có dây, điện thoại bàn khi trời mưa có sấm sét vì điện thoại có thể là nguyên nhân dẫn đến sét đánh...
Từ ngày 15-18-4, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiều khu vực trong cả nước có mưa và dông.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn, dông, lốc, sét đã làm 2 người chết tại Bình Dương, An Giang và nhiều thiệt hại về nhà cửa và tài sản.
Tại tỉnh An Giang, dông, lốc xảy ra đã làm 72 căn nhà của người dân tại các địa phương bị sập và tốc mái (tập trung tại các huyện Châu Phú, huyện Chợ Mới); 5 cơ sở sản xuất ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú bị tốc mái; một trụ điện trung thế, hai trụ điện hạ thế trên tuyến Quốc lộ 91 (huyện Châu Phú) bị gãy, gây mất điện cục bộ các xã dọc Quốc lộ 91 và một số xã vùng trong của huyện Châu Phú.
Tại Tuyên Quang, mưa và dông lốc đã làm một nhà bị sập đổ hoàn toàn.
Địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra cơn mưa dông kèm theo gió lớn. Mưa như trút trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Thuận An đã gây ngập cục bộ tại Suối Cát - đoạn đường Đại lộ Bình Dương làm nhiều xe qua đây chết máy.
Tình trạng ngập nặng tại tuyến đường huyết mạch trên quốc lộ 13 khiến các phương tiện từ Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về Thành phố Hồ Chí Minh và chiều ngược lại gặp nhiều khó khăn.
Trận mưa dông còn gây thiệt hại, khiến nhiều cây xanh trên đường Lê Hồng Phong thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một bị gãy đổ.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương các tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân có người bị chết và có nhà bị thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang đã kiến nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục để hỗ trợ cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi dông, lốc.
Để ứng phó với diễn biến mưa dông và khắc phục hậu quả thiên tai, ngày 18-4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Các tỉnh khu vực miền núi chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo vietnamplus.vn