Cải tạo hạ tầng giao thông đồng bộ để giảm ùn tắc khu vực nội thành

.

Ngành giao thông thành phố có nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng trên lĩnh vực giao thông, góp phần giảm ùn tắc, tạo thuận lợi trong lưu thông, giao thương kinh tế.

Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý  đưa vào vận hành đã góp phần giảm  tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: THÀNH LÂN
Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý đưa vào vận hành đã góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: THÀNH LÂN

Được đánh giá là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của cả nước nhưng Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các nút giao khác mức, các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn. Điển hình như dự án cải tạo nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý là một trong các công trình giao thông khác mức vừa được đưa vào sử dụng, góp phần tích cực trong việc xóa ùn tắc khu vực nội thành.

Trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 1) cũng đã hoàn thành đoạn tuyến từ đầu cầu Rồng đến nút giao Nguyễn Phan Vinh - Bùi Quốc Hưng, có chiều dài toàn tuyến gần 5km đã chính thức đưa vào vận hành. Cùng với đó, trong thời gian qua, ngành giao thông thành phố đã triển khai quyết liệt các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô khi triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều nút giao thông trọng điểm trên địa bàn như: nút giao thông khác mức ngã ba Huế, nút giao thông khác mức Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông Tôn Đức Thắng - Nam Trân, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Trần Phú, nút giao thông 2 Tháng 9 - Xô Viết Nghệ Tĩnh phía tây cầu Tuyên Sơn, nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh…

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng Trần Dân, thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông của thành phố đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu vực, góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với diện tích xây dựng đô thị bình quân tăng lên. Tuy nhiên, thời gian đến, thành phố cần tổ chức, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực mạng lưới giao thông hiện có; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân…

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ sớm khởi công đoạn quốc lộ Túy Loan - Hòa Liên dài 11,5km để hoàn thành 4 làn xe, khớp nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc La Sơn - Hòa Liên. Thành phố cần sớm hoàn thành đường vành đai phía tây, cảng Liên Chiểu. Đồng thời, nghiên cứu khảo sát thiết kế cầu qua sông Hàn tại nút Đống Đa với quy mô 6 làn xe nối quận Hải Châu qua quận Sơn Trà, gánh bớt lưu lượng xe cho cầu sông Hàn hiện đã quá tải. Sau năm 2025, thành phố cần đầu tư xây dựng hầm qua sân bay Đà Nẵng; kéo dài đường Nguyễn Tất Thành đến cảng Liên Chiểu, trong đó làm cầu Nam Ô thứ tư bắc qua sông Cu Đê...

Hiện, một số nút giao thông trọng điểm tại nội thành trong thời gian cao điểm lại bộc lộ nguy cơ quá tải như: nút giao phía tây cầu Rồng; nút giao phía bắc cầu Hòa Xuân, nút giao Lê Quý Đôn - Trưng Nữ Vương, nút giao Trưng Nữ Vương - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Hàm Nghi - Lý Thái Tổ... Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bùi Hồng Trung, trước tình hình trên, UBND giao sở chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu kỹ phương án tổ chức giao thông cụm nút giao phía bắc cầu Hòa Xuân.

Cụ thể, ngoài việc mở rộng thêm một đơn nguyên của cầu Hòa Xuân, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây hầm chui trên đường Thăng Long, cầu vượt thép trên đường Cách mạng Tháng Tám. Được biết, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang phối hợp tư vấn thiết kế để khảo sát hiện trạng tại nút giao, đề xuất phương án tối ưu, thời gian dự kiến báo cáo Sở GTVT xem xét trong quý 3-2022. Với nút giao phía tây cầu Rồng, Sở GTVT đã tổ chức điều chỉnh phương án tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu, bảo đảm hạn chế ùn tắc trong giai đoạn trước mắt... Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đến năm 2030, từng bước hình thành các tuyến vận tải công cộng...

Cải tạo 28 nút giao thông
Theo thống kê của Sở GTVT, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã cải tạo 28 nút giao, gồm 1 nút giao khác mức và 27 nút tín hiệu điều khiển giao thông. Cụ thể 27 nút giao tín hiệu tại các tuyến đường gồm: Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Thoại, Võ Nguyên Giáp - Vương Thừa Vũ, đường tránh nam hầm Hải Vân - Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tất Thành - lối vào khu Mikazuki SPA, Hồ Nghinh - Vương Thừa Vũ, An Nông - Trường Sa,Nguyễn Lương Bằng - Mê Linh, Nguyễn Đình Tứ - Đinh Liệt, Trường Sa - Huyền Trân Công Chúa, Mê Linh - Đường số 10B Khu công nghiệp Hòa Khánh, Trần Đại Nghĩa - Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh, ĐH2 - đường Bà Nà Suối Mơ, Tôn Đức Thắng - Nam Trân, Ngô Quyền - Đỗ Anh Hàn, Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Sơn Trà - 2 Tháng 9, Núi Thành - Duy Tân, Bình Minh 6 - đường 2 Tháng 9, Bạch Đằng - đầu cầu Trần Thị Lý, Ngô Quyền - Chu Huy Mân, Ngô Quyền - Khu công nghiệp An Đồn, Ngô Quyền - Đinh Công Trứ, Ngô Quyền - Bình Than, Ngô Quyền - Trần Thánh Tông - Vương Thừa Vũ, Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương và cụm nút giao thông khác mức phía tây cầu Trần Thị Lý.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.