Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nền tảng internet đã tạo tiền đề cho nhiều ứng dụng lên ngôi, phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của con người trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó cũng là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với báo chí khi phải đổi mới hoạt động để thích ứng với thực tế. Đặc biệt, trong lúc cả thế giới và Việt Nam phải đối diện với đại dịch Covid-19 trong năm 2020-2021, tiến hành nhiều đợt phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài, thì vai trò báo chí phục vụ cho xã hội trở nên quan trọng biết nhường nào.
Đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các nhà báo trong vấn đề tác nghiệp, tiếp cận nguồn tin. Ảnh: Reuters |
Mạng xã hội lên ngôi
Như chúng đã biết, với sự phát triển của công nghệ cũng như các phương tiện truyền thông xã hội, khái niệm “mạng xã hội” dường như đã quá quen thuộc với người dùng nước ta trong nhiều năm qua, bởi sự phổ biến và tiện ích của nó, phủ sóng đến đông đảo tầng lớp người dùng.
Mạng xã hội hay còn được gọi là “cộng đồng mạng” là nền tảng trực tuyến nhằm kết nối, xây dựng và chia sẻ các thông tin, mối quan hệ với mọi người có chung tính cách, nghề nghiệp, công việc, sở thích… hay có mối quan hệ ngoài đời thực, không phân biệt đối tượng sử dụng và có thể kết nối với bất kỳ ai, trong không gian phẳng và thời gian vô cùng rộng lớn. Các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam được nhiều người sử dụng nhất trong những năm qua vẫn là Facebook, Zalo, Viber, Instagram….
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, nhiều đợt phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài nên hoạt động của báo chí truyền thống trong đó có báo in gặp trở ngại lớn. Sự giao tiếp của mọi người chủ yếu trên các kênh báo chí điện tử, trên internet, trong đó mạng xã hội cũng chiếm vị trí hết sức quan trọng. Đây có thể nói là bước ngoặt lớn đối với các báo, các nhà báo để làm sao tạo ra nhiều sản phẩm báo chí tốt, kịp thời, chính xác và cung cấp đến công chúng bằng các phương tiện truyền thông nhanh nhất có thể.
Thông tin giả tràn lan
Giữa lúc Đà Nẵng cũng như cả nước căng mình chống Covid-19, có một loại “virus” khác được đánh giá không kém phần nguy hiểm so với SARS-CoV-2, đó là tin giả. Những thông tin không đúng sự thật về dịch bệnh xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội khiến cho cuộc chiến chống dịch ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị nước ta cùng chung tay hành động. Các đối tượng lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook, Zalo, Viber… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
Bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm Covid-19, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội…
Thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện Covid-19 đến cuối năm 2021, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Một bộ phận khác thì do sự thiếu hiểu biết đã vô tình bình luận, chia sẻ thông tin, hoặc một bộ phận khác thì nhằm câu view…
Báo chí đã thể hiện vai trò của mình
Nhằm thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “cuộc chiến” phòng, chống Covid-19, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, báo chí nước ta đã trở thành một nhân tố đóng vai trò chủ động trong cuộc chiến chống tin giả, thông qua thực hiện chức năng kiểm chứng nguồn tin và thông tin một cách công khai, minh bạch, giúp các cá nhân, tổ chức dùng mạng xã hội có thể chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Đồng thời, báo chí cũng đã phát huy vai trò dẫn dắt dư luận xã hội, tạo ra dòng chảy thông tin chủ lưu bằng những tin tức chính xác, kịp thời.
Để làm được điều đó, hàng ngàn nhà báo, phóng viên trên khắp mọi miền đất nước nói chung, tại thành phố Đà Nẵng nói riêng, đã ngày đêm xông pha vào tâm dịch để tác nghiệp, trở thành những chiến sĩ tiên phong, xung kích trên mặt trận thông tin nhằm truyền tải tới người dân những thông tin chính xác, công khai, minh bạch để vạch trần vấn nạn tin giả đang hoành hành trên mạng xã hội cũng như trong xã hội, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm hợp lực, quyết tâm đẩy lùi Covid-19.
Báo chí đã kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh, từ việc thường xuyên cập nhật số ca nhiễm trong nước, trong mỗi địa phương, số ca hồi phục và tử vong… Đặc biệt, hàng vạn tin bài, phóng sự, câu chuyện, thước phim khắc họa hình ảnh của lực lượng tuyến đầu chống dịch như: y tế, công an, quân đội, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố… đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch đã làm lay động hàng triệu trái tim. Không những vậy, nhiều tác phẩm báo chí viết về những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tạo nên một bức tranh sinh động về phong trào toàn dân cùng cả hệ thống chính trị chung tay chống dịch bệnh.
Tỷ lệ người dân tiếp cận với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nói chung, dịch bệnh nói riêng tăng lên đáng kể. Đó là một tín hiệu đáng mừng về vai trò báo chí phục vụ cuộc sống của người dân.
Có thể nói, những thông tin từ báo chí đã giúp người dân đặt lòng tin vào “cuộc chiến” phòng, chống Covid-19 do Đảng và Nhà nước lãnh đạo, qua đó ứng xử một cách đúng đắn, có trách nhiệm góp phần vào công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như những thông tin xấu độc.
Có thể nói, truyền thông, báo chí bất kỳ thời đại nào cũng đóng vai trò quan trọng đến định hướng thông tin, dư luận xã hội, tác động lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, đặc biệt trước bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong hai năm 2020-2021. Sức mạnh truyền thông, báo chí được lan tỏa rộng rãi, trở thành “vắc- xin tư tưởng, tinh thần” góp phần quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
Đúng như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về niềm tin vào sự “thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta!”.
Đến nay, khi Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống ở nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đang từng bước trở lại trạng thái bình thường là có công đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, của các nhà báo.
TUYẾT MINH