Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Một nhà báo "Oai vũ không làm sờn gan"

.

Nghề báo là một nghề khắc nghiệt. Thiên hạ đã bàn “nát nước” rồi, tôi không nhắc lại, chỉ xin bổ sung thêm: Có những nhà báo khi đang làm nghề, tên tuổi “nổi như cồn”. Một chữ viết ra tựa như đinh đóng cột, không chê vào đâu. Thiên hạ ngưỡng mộ, tiếng vỗ tay rộn ràng. Thế nhưng sau khi nghỉ hưu, theo năm tháng tên tuổi ấy không còn ai nhớ, thậm chí không ai còn nhớ họ đã viết những gì.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng
Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Ngược lại, có những nhà báo mà một khi nhắc đến, ngay lập tức toàn bộ chân dung người và sự nghiệp của họ lại lừng lững xuất hiện. Nếu chọn lấy một nhà báo ở xứ Quảng có tầm vóc như thế, tên tuổi không “đóng khung” tại sinh quán mà có sức ảnh hưởng cả nước, thậm chí ra đến nước ngoài, tôi xin chọn lấy chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Tất nhiên, ngoài ra còn có thể kể thêm những nhà báo khác nữa, tùy góc nhìn của mỗi người.

Với cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi đến với nghề báo, tôi đồ rằng cụ tự học. Khi cụ bị tù ở Côn Đảo vì đã có vai trò trong cuộc kháng thuế vĩ đại nổ ra đầu tiên tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) rồi lan rộng ra cả nước, năm 1908. Điều khiến chúng ta kinh ngạc và khâm phục là cụ đã tự học tiếng Pháp, từ một quyển tự điển Pháp - Việt và đã được cai tù lẫn bạn tù khen là “bác văn cường ký” -  học rộng hiểu sâu. Ngay cả quyển sách rất có giá trị viết về “địa ngục trần gian” là Thi tù tùng thoại, cụ viết ròng rã 13 năm trời ngồi tù, lúc mãn án về lại đất liền, thực dân đã tịch thu, tiêu hủy. Thế mà, sau này cụ viết lại với một trí nhớ siêu phàm cả hàng trăm bài thơ, câu đối bằng chữ Hán, tự dịch…

Con người kỳ tài ấy, tự học về nghề báo cũng là điều dễ hiểu.

Ta hãy nghe cụ tự bạch: “Tôi, một anh học trò gốc sinh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã, thô vụng, khô khan, quê kệch, gia dĩ đặc tính trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi ngoài văn thơ sách vở ra, gần như không có cái gì gọi là “mỹ cảm”.

Bởi vậy, trong bạn lứa anh em đồng thời với tôi như cụ Tây Hồ, Tập Xuyên... thường có lời nhạo tôi là “lão phác” vì không biết bốn cái hứng thú mà làng văn thích thưởng ngoạn: Không biết uống rượu. Không biết chơi hoa. Không biết ngắm sắc. Không biết thưởng sơn thủy. Chính cụ Tây Hồ tặng tôi một bài thơ có câu “Khách lai vô thoại chỉ đam thư” - Khách đến không nói chỉ mê sách” (Báo Tiếng Dân số ra ngày 10-3-1939).

Hai câu liễn bằng gỗ đỏ do học trò của cụ Huỳnh tặng khi cụ thi đỗ Tiến sĩ: “Bạch chiến từ phong ưu đoạt giáp/ Hồng lô hậu hỏa ký truyền tân“. Tạm dịch: Bén thơ cấm thể thi, giành phần đầu/ Mạnh lửa lò hồng ấn ký, tiếp dẫn củi. (Hàm ý: đánh nhau bằng văn chương chữ nghĩa, giành phần hơn). Dịch giả: Nguyễn Đức Thắng, Ảnh: A.D
Hai câu liễn bằng gỗ đỏ do học trò của cụ Huỳnh tặng khi cụ thi đỗ Tiến sĩ: “Bạch chiến từ phong ưu đoạt giáp/ Hồng lô hậu hỏa ký truyền tân“. Tạm dịch: Bén thơ cấm thể thi, giành phần đầu/ Mạnh lửa lò hồng ấn ký, tiếp dẫn củi. (Hàm ý: đánh nhau bằng văn chương chữ nghĩa, giành phần hơn). Dịch giả: Nguyễn Đức Thắng, Ảnh: A.D

Rõ ràng, đó là mẫu người nhà nho, cửa Khổng sân Trình. Thế nhưng khi làm báo, ta thấy cụ thể hiện rất rõ ràng bản lĩnh của tất cả nhà báo chân chính là đã sử dụng ngòi bút lẫn tấm lòng quả cảm, trung thực nhằm “trừ gian diệt bạo, cứu khổ phò nguy”, tôn trọng công lý, chống lại cái xấu, giúp mọi người bằng tấm lòng hào hiệp, biết sống quên mình, không gì có thể mua chuộc, bẻ cong ngòi bút…

Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là người đầu tiên đã đóng một cột mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam: Thời thuộc Pháp, ở Trung kỳ mãi đến năm 1927 mới có một tờ báo định kỳ.

Đó là tờ Tiếng Dân ra đời ở Huế do cụ Huỳnh chủ nhiệm kiêm chủ bút, quản lý là ông Trần Đình Phiên, biên tập viên chính của báo là cụ Phan Bội Châu (đồng sáng lập) và các ông Đào Duy Anh, Nguyễn Xương Thái, Vương Đình Quang, Trần Đình Nam, Nguyễn Quý Hương, Lê Nhiếp…

Ban đầu, cụ Huỳnh dự tính lấy tên Trung Thanh (tiếng nói ngay thẳng, trung thực); chưa ưng ý lắm, cụ đổi Dân Thanh (tiếng nói của dân). Cũng còn phân vân. Hỏi ý kiến cụ Phan Bội Châu. Sau một hồi ngẫm nghĩ, cụ Phan bảo cụ Huỳnh: “Đã làm báo quốc ngữ thì để Tiếng Dân không rõ ràng hơn sao?”.

Về ý nghĩa tên gọi của báo, ngay từ số đầu tiên đã thể hiện qua câu đối:

Tiếng như sấm đất vang, mấy mươi năm gió Mỹ mưa Âu, mấy cuộc bể dâu, ngọn sóng nhảy tràn bờ cõi cũ;

Dân là con trời cả, riêng một cõi mầm Hồng chồi Lạc, ngàn trùng non nước, khí thiêng xin hộ giống nòi chung.

Từ số 1 ra ngày 10-8-1927 đến cuối tháng 1-1936, báo ra một tuần hai kỳ. Từ ngày 1-2-1936 đến 30-12-1939, báo ra một tuần ba kỳ, sau đó trở lại tuần hai kỳ. Báo Tiếng Dân phát hành được tất cả 1.766 số báo, ngày 24-4-1943 báo bị thu hồi giấy phép - xem ra tuổi thọ của báo không phải là ngắn. Có thể ghi nhận, Tiếng Dân là một trong những tờ báo làm vẻ vang cho làng báo Việt Nam, vì đã kiên trì đeo đuổi mục đích nói cho được tiếng nói của Dân.

Cách làm báo của cụ Huỳnh, riêng về hoạt động tài chính, có thể “khó hiểu” đối với chúng ta. Khi các tay làm thuốc lang băm, các tay viết sách “ngôn tình” rẻ tiền, nhảm nhí nọ kia mà cụ xét thấy có hại cho quốc dân thì quyết không cho in, dù trả tiền quảng cáo cao đến cỡ nào.

Với cụ làm báo không phải vì lợi nhuận, vì tiền mà vì mục đích cao cả hơn bội phần, thực hiện theo sứ mệnh của nhà báo chân chính. Trong khi đó, cụ ăn uống rất đạm bạc, thường trong mâm cơm chỉ có chén muối vừng, dĩa rau luộc, nhiều người trách cụ “Sao ăn khó thế?”, cụ chỉ cười: “Còn sướng hơn thời ở tù Côn Đảo nhiều lắm”. Ta hiểu thế nào về câu trả lời của cụ?

Tiếng Dân là tờ báo mà cụ Huỳnh cùng các cộng sự đồng tâm hiệp lực từ nội dung đến… phát hành báo. Thời đó, các cụ đã nghĩ ra cách phát hành như thế nào? Vấn đề này, tôi chưa đọc tài liệu nào nói đến, tuy nhiên tôi biết chính cụ Huỳnh người trước nhất nghĩ ra cách chống “đọc báo cọp”. Trong hồi ký Tuấn, chàng trai nước Việt, nhà văn Nguyễn Vỹ cho biết vốn là độc giả trung thành của tờ báo này, do đó, hễ báo mới ra lò là ngay lập tức tìm mua ngay đặng xem bài mình có được in hay không? Và, tác giả Sương rơi đã kể chi tiết ít ai ngờ đến: “Có lẽ để tránh nạn mướn báo về xem báo cọp, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dùng một biện pháp đặc biệt.

Vì rằng ta không có quyền tự do nói điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”

Huỳnh Thúc Kháng tuyên bố trên Báo Tiếng Dân số 175 ra ngày 1-5-1929

Những số báo phát hành ở ngay thành phố Huế, giao cho vài em bé ôm đi bán dạo, đều được gấp 6 theo chiều ngang rồi gấp đôi theo chiều dọc, và dán một rẻo giấy trắng bịt hai đầu, có dấu xanh của Tòa báo đóng một nửa trên rẻo giấy, một nửa trên mặt báo.

Như thế, tờ báo bị dán lại, chỉ những người nào trả tiền mua, mới xé rẻo giấy kia ra và mở tờ báo ra xem. Biện pháp đó tránh được những độc giả xem báo cọp vì một khi rẻo giấy bị xe ra rồi, người lãnh báo bán dạo trả lại nhà báo không nhận”.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ANH DUY
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ANH DUY

Chi tiết này, ta thấy gì?

Một tính cách rất… Quảng Nam “Ăn thì cho, buôn thì so”. Rạch ròi đâu ra đó. Kể ra cũng hay. Và, càng hay hơn khi áp dụng trong việc tổ chức bài vở, chính cụ Huỳnh đã nói và đã theo một “phương châm”, qua đó, mới thấy rõ cá tính cương trực lẫn ngang bướng của một nhà báo chỉ phụng sự bạn đọc, vì bạn đọc chứ không vì lý do gì khác. Rằng, có lần Tòa Khâm sứ Trung Kỳ gửi bản thông cáo có lợi cho nhà cầm quyền buộc Tiếng Dân phải in, thế nhưng cụ Huỳnh khước từ, bất chấp mọi hăm dọa. Rằng, trên số 175 ra ngày 1-5-1929, cụ dõng dạc tuyên bố: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”.

Rất đáng để thế hệ cầm bút chúng ta suy ngẫm.

Có thể nói, là người đứng đầu tờ báo này, cụ Huỳnh vẫn là nhà báo viết nhiều nhất, chứ không hẳn chỉ biên tập, tổ chức bài vở, quán xuyến sự vận hành từ tòa soạn đến nhà in lẫn phát hành. Vì kính yêu cụ Huỳnh mà nói chủ quan thế chăng? Không đâu. Trong hồi ký viết về năm tháng sống chung với cụ lúc làm Tiếng Dân, ông Vương Đình Quang được xem như thư ký riêng của cụ Huỳnh, có cho biết cụ đã viết hàng ngàn bài báo. Ngày nào, cụ cũng ngồi vào bàn viết. Chỉ những bài xã luận, cụ ký tên Mính Viên, Huỳnh Thúc Kháng; còn viết cho các mục khác, cụ ký tên Tha Sơn Thạch, Khỉ Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Ưu Thời Khách, Ngu Sơn, Hải Âu, Điền Dân, Thức Tự Dân, Tiếng Dân…

Báo Tiếng Dân trưng bày tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ANH DUY
Báo Tiếng Dân trưng bày tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ANH DUY

Trong hàng ngàn bài báo của cụ, nếu được quyền chọn lấy một loạt bài, mà, theo tôi vẫn còn có ý nghĩa lâu dài cho hôm nay và mai sau vẫn là những bài liên quan đến Hoàng Sa. Ta biết, vào tháng 10-1938, Nhật đánh chiếm Quảng Châu, chiếm đảo Hải Nam (Trung Quốc) và tháng 3-1939, chúng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đặt dưới sự cai trị của Pháp. Ngay lập tức từ ngày 12-7-1930, Tiếng Dân bắt đầu đăng loạt bài về quần đảo Hoàng Sa của Sử Bình Tử (một bút danh của Huỳnh Thúc Kháng) với nhiều tài liệu xác thực rất có giá trị, không thể tranh cãi và kết luận rõ ràng: “Không có nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta”.

Nghĩ về cụ Huỳnh Thúc Kháng trong dịp cả nước kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thiết nghĩ cũng là lúc chúng ta cùng nhớ lại và tâm đắc với nhận định, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời ở Quảng Ngãi ngày 21-4-1947: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

LÊ MINH QUỐC

;
;
.
.
.
.
.