Ban Tài mậu Khu ủy Khu V: Những năm tháng hào hùng

.

Ngày 20-12-1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, phong trào cách mạng ở Khu V phát triển nhanh chóng, rộng khắp, liên tiếp giành thắng lợi. Nhiều vùng căn cứ cách mạng được mở rộng, các tổ chức Đảng, chính quyền được thành lập. Cuối năm 1960, Ban Kinh - Tài Khu ủy Khu V (tiền thân của Ban Tài mậu Khu ủy Khu V) ra đời để chăm lo công tác Kinh tế - Tài chính - Hậu cần phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở địa bàn Khu V.

Khu lưu niệm Ban Tài mậu Khu ủy Khu V trong Quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa, thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.  Ảnh: quangnam.gov.vn
Khu lưu niệm Ban Tài mậu Khu ủy Khu V trong Quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa, thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quangnam.gov.vn

Ban Tài mậu Khu ủy Khu V là tên gọi chung, bao gồm nhiều ngành: tài chính, thương nghiệp, ngân hàng, viện trợ, cung cấp. Ban Tài mậu Khu ủy Khu V khi tách ra từ Ban Kinh - Tài Khu ủy Khu V có quân số khoảng 195 người. Trải qua những năm chiến tranh có hy sinh mất mát, có thuyên chuyển, có bổ sung, đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) có hơn 800 người, đông nhất là Tiểu ban Cung cấp có hơn 400 người.

Trải qua 15 năm chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh, Ban Tài mậu Khu ủy Khu V đã anh dũng hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng để Khu ủy Khu V cùng quân và dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bám dân, bám phong trào để tham mưu phục vụ kháng chiến

Ban Tài mậu Khu ủy Khu V đã tham mưu Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định ban hành các chính sách, chế độ về Tài chính - Hậu cần kịp thời, nhất là chính sách, chế độ “Thu tại chỗ” nhằm huy động nguồn lực trong dân bằng mọi hình thức như “Thu lạc quyên”, “Thu đảm phụ nuôi quân” ở cả 3 vùng chiến lược: miền núi, nông thôn, thành thị. Khi vùng giải phóng được mở rộng, Ban Tài mậu đã đề xuất để Khu ủy Khu V ban hành chế độ thu “Đảm phụ Nông nghiệp”, “Đảm phụ Công thương nghiệp”, phát hành “Công phiếu nuôi quân”. Ở vùng địch tạm chiếm, Ban Tài mậu tiếp tục vận động thu với hình thức “lạc quyên” bằng tiền Sài Gòn, đô-la Mỹ, vàng…

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các cán bộ, nhân viên của Ban Tài mậu đã dũng cảm vượt qua khó khăn, bám dân, bám phong trào để tham mưu và thực hiện các hình thức vận động sức dân đóng góp phù hợp, hiệu quả cao.

Ban Tài mậu đã tham mưu Thường vụ Khu ủy ban hành chính sách, chế độ sản xuất tự túc, tự cấp thống nhất trong toàn Khu V; vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hăng hái tăng gia sản xuất, nhằm chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ cuộc kháng chiến. Đồng thời ban hành chính sách thu - chi tài chính, ban hành chế độ, tiêu chuẩn cho từng đối tượng thụ hưởng ngân sách, nhất là tiêu chuẩn lương thực; phân phối ngân sách, quản lý, sử dụng chiến lợi phẩm thu được phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của cuộc kháng chiến khốc liệt.

Nhờ bám sát phong trào, Ban Tài mậu phối hợp Quân Khu V tham mưu Thường vụ Khu ủy Khu V đề xuất Trung ương chi viện kịp thời cho Khu V ngân sách, lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế, quân trang, quân dụng nhất là vũ khí, khí tài đáp ứng nhu cầu cần thiết phục vụ chiến đấu của quân và dân Khu V.

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)
Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Bảo đảm mạng lưới hậu cần

Nhiệm vụ quan trọng mà Ban Tài mậu Khu ủy Khu V đã thực hiện là tập trung chỉ đạo nhân dân ở những vùng mới giải phóng, đặc biệt ở Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh tăng gia sản xuất, bảo đảm nguồn lương thực cho các cơ quan Dân - Chính - Đảng Khu V, các địa phương tỉnh, huyện và cho quân đội theo đúng chủ trương tự túc, tự cấp của Khu ủy Khu V. Các phương án “tạo hậu cần tại chỗ”, kết hợp chặt chẽ “hậu cần Quân khu” với “hậu cần nhân dân”, phương án “vừa công tác, vừa sản xuất”, “vừa đánh giặc, vừa sản xuất”… góp phần giải quyết nạn thiếu lương thực, thực phẩm.

Ban Tài mậu bố trí cán bộ xuống vùng giải phóng, vùng tranh chấp để tuyên truyền, vận động nhân dân bám trụ sản xuất; vận động tổ chức thu lạc quyên, thu đảm phụ nuôi quân, thu đảm phụ nông nghiệp và đảm phụ công thương nghiệp, phát hành công phiếu nuôi quân. Ở những vùng địch tạm chiếm, cán bộ Ban bám sát phong trào, tiếp tục vận động thu với hình thức lạc quyên bằng tiền Sài Gòn, đô-la Mỹ, vàng, kể cả trâu, bò, hàng hóa nhằm tạo nguồn thu tại chỗ, bảo đảm hậu cần cho cuộc kháng chiến.

Ban Tài mậu tổ chức tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hàng hóa do Trung ương chi viện cho Khu V tại Binh đoàn 559 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, sát sông Sê-Ca-Máng (giáp Lào) và điểm tập kết ký hiệu B.3 sát biên giới Việt Nam - Campuchia; xây dựng hệ thống kho tàng cất giữ, rải khắp trên các tuyến đường Đông - Tây Trường Sơn, phần lớn ở miền tây Quảng Nam - Đà Nẵng; tổ chức tiếp nhận tiền Sài Gòn, đô-la Mỹ, vàng… từ Trung ương, bảo quản, cất giữ cấp phát kịp thời, nhanh chóng, chu đáo và an toàn cho các cơ quan Khu V và quân đội. Đối với các tỉnh thuộc Khu V, ban đã lập đội vận chuyển trên 10 người để vận chuyển tiền, vàng, đô-la Mỹđến tận nơi để cấp phát; nhất là các tỉnh xa như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lăk, Đặc khu Quảng Đà…

Trong các loại vận chuyển, việc vận chuyển tiền, vàng là nguy hiểm và phức tạp nhất. Ngoài việc quản lý cấp phát tiền, cán bộ Ban Tài mậu còn phải đổi từ tiền đô-la Mỹ ra tiền Sài gòn. Đây là việc làm tưởng chừng đơn giản, nhưng rất phức tạp, nguy hiểm, rủi ro rất lớn về tiền bạc cũng như tính mạng.

Ban đã xây dựng và mở rộng mạng lưới mậu dịch, khai thông nguồn hàng từ vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm; mở các cửa khẩu, tổ chức các chợ ở vùng nông thôn mới giải phóng như cửa khẩu Tứ Mỹ, Kỳ Sanh, Kỳ Quế, Mộc Bài, Tháp Mỹ Sơn, Lộc Thành, Phú Thuận…(Quảng Nam - Đà Nẵng), Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ,…(Quảng Ngãi) để thu mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc kháng chiến; bố trí cán bộ đi sát cơ sở, bám dân, luồn sâu vào vùng địch vận động nhân dân, vận động tiểu thương đưa hàng hóa bán cho cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Ban Thường vụ Khu ủy Khu V, trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, khối lượng công việc nhiều, nặng nhọc, nguy hiểm, nhân lực ít nhưng lãnh đạo Ban Tài mậu Khu ủy Khu V đã vượt qua khó khăn, ác liệt trong điều kiện chiến tranh, nỗ lực hoàn thành một cách đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chống Mỹ cứu nước. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Tài mậu Khu ủy Khu V thống kê chưa đủ đã có 122 cán bộ, nhân viên hy sinh. Một số đồng chí hy sinh đến nay chưa tìm được hài cốt, chưa được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ; hơn 200 đồng chí bị thương, hàng trăm người bị nhiễm chất độc da cam, phát sinh nhiều bệnh tật.

Ban Tài mậu Khu ủy Khu V đã tiếp nhận, bảo quản cấp phát hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men, dụng cụ y tế từ Trung ương chi viện cho chiến trường Khu V; mua và mang cõng hàng vạn tấn lương thực, hàng hóa, từ đồng bằng các tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi; nhận và vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men… từ sát biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia cõng về căn cứ, nơi đóng quân để kịp thời phục vụ Khu ủy và các cơ quan Khu. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu V, ngày 29-4-2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 635/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Ban Tài mậu Khu ủy Khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1960-1975).

S.TRUNG (Tổng hợp từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy)

;
;
.
.
.
.