Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố luôn quan tâm chăm lo, phụng dưỡng người có công cách mạng bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Thông qua đó, thể hiện trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đã cống hiến xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nhân viên phòng Chăm sóc sức khỏe trò chuyện, kiểm tra sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Trên địa bàn quận Thanh Khê hiện có 23 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, 20 thương bệnh binh nặng tỷ lệ 81% và hơn 2.500 gia đình có công hưởng trợ cấp thường xuyên. Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) quận Thanh Khê Phan Thị Thanh Hiền cho biết, UBND quận Thanh Khê thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ, chăm lo cho các gia đình người có công. Vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, lễ, Tết, quận tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, tạo không khí thân tình, mang đậm tính nhân văn. Đoàn Thanh niên quận duy trì hoạt động chăm sóc, thăm nom, trò chuyện với các Bà mẹ VNAH. Ngoài ra, công tác xây mới, sửa chữa nhà cho người có công cũng được quan tâm với kế hoạch từng năm. Riêng trong năm 2022, quận đã hoàn thành 100% việc hỗ trợ xây mới 32 nhà và sửa chữa 156 nhà cho gia đình có công, tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng. “Bên cạnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách, địa phương luôn chú ý chăm lo sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, việc làm, sinh kế… cho người có công. Từ đó, bảo đảm tất cả gia đình người có công ổn định cuộc sống”, bà Hiền thông tin.
Là con liệt sĩ và từng có thời gian tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường K, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tiến (SN 1961, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, vì đông con cháu nên dù nỗ lực làm ăn, kinh tế gia đình bà vẫn luôn trong tình cảnh khó khăn. Đặc biệt, cả 9 nhân khẩu trong gia đình bà Tiến đều sống chung trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, nên mong muốn lớn nhất là có căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống. Thấu hiểu điều này, năm 2022, quận Thanh Khê đã phê duyệt và thống nhất hỗ trợ gia đình bà Tiến 60 triệu đồng để xây mới nhà. Bà Tiến chia sẻ: “Đây là nguồn hỗ trợ quý giá, giúp gia đình có thêm kinh phí xây dựng mới ngôi nhà xuống cấp. Gia đình tôi vô cùng cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa của các cấp”.
Quận Hải Châu cũng là một điểm sáng trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công với nhiều hoạt động như: xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng... Phòng LĐ,TB&XH quận Hải Châu cho biết, trên địa bàn quận có 25 Bà mẹ VNAH, 9 cán bộ lão thành cách mạng, 25 cán bộ tiền khởi nghĩa, 21 anh hùng lực lượng vũ trang và hơn 2.200 thương bệnh binh. Với số người có công đang quản lý, quận thường xuyên rà soát, nắm hoàn cảnh điều kiện từng gia đình để kịp thời động viên, giúp đỡ bằng cả vật chất và tình thần. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, quận vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân triển khai hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đến nay, 100% hộ người có công cách mạng và thân nhân trên địa bàn quận đạt mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức bình quân nơi cư trú.
Là người có công với cách mạng, đang sinh sống trên địa bàn quận Hải Châu, bà Trần Thị Kim Cúc (SN 1934, thương binh 1/4, trú phường Thanh Bình) cho biết, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của hàng xóm láng giềng, chính quyền địa phương thường xuyên đến nhà thăm hỏi tình hình sức khỏe và tâm tư, nguyện vọng của bà. Mỗi lần ốm đau, cán bộ từ phường, quận đến thành phố đều trực tiếp tới thăm, tặng quà, động viên bà Cúc. “Những tình cảm, sự quan tâm đó, tôi đều ghi chép lại trong cuốn nhật ký của mình. Tôi già rồi, ghi lại để không bao giờ quên, cũng như sau này truyền lại cho con cháu biết ơn Đảng và Nhà nước, biết nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta”, bà Cúc chia sẻ.
Theo bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ, TB&XH, hiện thành phố có hơn 18.600 nghìn người có công với cách mạng và thân nhân người có công hưởng trợ cấp thường xuyên. Trong đó, có 105 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 42 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến; 16 cán bộ lão thành cách mạng; 44 cán bộ tiền khởi nghĩa; 7.824 thương binh, bệnh binh; 1.455 người có công giúp đỡ cách mạng… Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố luôn quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người có công để có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. “Hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngành LĐ, TB&XH cùng các địa phương, đơn vị xác định tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác người có công với cách mạng. Đồng thời, tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách phù hợp, tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chung là kết nối nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm mức sống của người có công, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc”, bà Hoa nhấn mạnh.
XUÂN DŨNG