Những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11đến 15-7

.

Hỗ trợ đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19; Bảo đảm nguồn nhân lực y tế cho công tác khám, chữa bệnh; Xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá chứng khoán... là những thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11 đến 15-7.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hỗ trợ đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19

Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19, bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe.

Bảo đảm nguồn nhân lực y tế cho công tác khám, chữa bệnh

Tại Công văn số 4282/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, tổng hợp về số nhân lực ngành y tế bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập từ đầu năm 2021 đến nay; trong đó phân tích rõ về:

Chuyên môn đào tạo (bác sỹ, dược sỹ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, người lao động,…); Chuyên ngành khi còn làm việc tại cơ sở y tế công lập (nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, thần kinh, tiết niệu, y tế dự phòng,…); Nơi làm việc (Cơ sở y tế tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã); Nguyên nhân (thu nhập; điều kiện, môi trường, cường độ làm việc; ảnh hưởng xã hội; sức khỏe; gia đình,…).

Trên cơ sở đó, chủ động có giải pháp theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đối với trường hợp vượt thẩm quyền để có giải pháp bảo đảm đủ nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân trên phạm vi cả nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30-7-2022.

Xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá chứng khoán

Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết nêu rõ: Đối với thị trường cổ phiếu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường, tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ; khắc phục tình trạng 'dự án treo'

Tại Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13-7-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Công bố danh mục 34 cảng biển Việt Nam

Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8-7-2022 công bố danh mục cảng biển Việt Nam, trong 34 cảng biển Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển TP Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.

7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.

Danh sách 14 cảng biển: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang là cảng biển loại III.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.