Chiều 15-7, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc giảm 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 15-12-2021 đến 14-6-2022), toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 663 vụ (10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (17,69%). 13 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên đường bộ và 1 vụ trên đường thủy, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 30 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm, nhưng ngược lại, vẫn còn 26 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2021.
Phân tích nguyên nhân cho thấy, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế.
Mổ xẻ các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng, 90% số vụ tai nạn giao thông là do vi phạm của người điều khiển phương tiện gây ra, trong đó nguyên nhân là ý thức đạo đức, lái xe sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ, không chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông.
“Nhiều người không am hiểu về pháp luật an toàn giao thông. Chúng ta cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát được quy định về thời gian làm việc của người lái xe kinh doanh vận tải bao gồm thời gian liên tục và thời gian tối đa 1 ngày. Bên cạnh đó, thực trạng quản lý, cấp, thu hồi giấy phép lái xe còn nhiều bất cập”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu lên một thực tế đáng lo ngại là nhiều người bị mắc bệnh tâm thần và tiền sử bị bệnh tâm thần được cấp phép lái xe. Qua thống kê của lực lượng Công an, tính đến tháng 12-2021, có 2.759 người mắc bệnh tâm thần và tiền sử bệnh tâm thần được cấp 2.845 giấy phép lái xe các hạng. Đây là một trong những tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất lớn. Điển hình là vụ tai nạn vào ngày 30-12-2021 tại An Nhơn, Bình Định do đối tượng là người đang theo dõi sức khỏe tâm thần tại cộng đồng điều khiển xe container gây tai nạn giao thông, làm chết hai người, bị thương 15 người.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các địa phương cần có giải pháp mạnh mẽ kiềm chế tai nạn giao thông, dứt khoát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đề cập đến tình trạng xe quá tải hiện nay là khá phổ biến, lực lượng chức năng chỉ ra quân trong một thời gian ngắn đã xử lý tới cả chục nghìn trường hợp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt vấn đề “nên chăng sửa Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Có quy định quá tải đến mức nào sẽ phải tịch thu xe. Cắt thùng xe không phải là giải pháp căn cơ”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số nơi còn hạn chế. Phó Thủ tướng đề nghị kiểm điểm lại ở những địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng có phải do vấn đề thực thi pháp luật hay không, để điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu lực thực thi.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Phó Thủ tướng bày tỏ lo ngại nếu không có giải pháp quyết liệt, năm nay không đạt chỉ tiêu giảm cả 3 tiêu chí về trật tự, an toàn giao thông. Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại hệ thống văn bản, khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; rà soát, kiểm tra lại việc cấp phép lái xe; tiếp tục kiểm tra thanh tra về giao thông vận tải. Từ nay đến cuối năm các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc giảm 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương.
Đánh giá cao Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức các đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tổ duy trì thường xuyên các đợt cao điểm, lưu ý kiểm soát lái xe sử dụng bia, rượu, không để cho người dân có tư tưởng hết đợt cao điểm là mọi việc quay lại như cũ. Dẫn chứng cụ thể về các trường hợp gây tai nạn giao thông, như vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Bắc Giang là cán bộ ngành Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Bộ Công an hoàn thiện Thông tư về công tác thống kê tai nạn giao thông cho phù hợp với thông lệ quốc tế về thống kê tai nạn giao thông; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa bàn có đông khách tham quan, du lịch; tổ chức cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 và nghỉ Tết Dương lịch 2023.
Theo TTXVN