Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, được sự gúp đỡ của cha và giác ngộ của những người cộng sản khác, đồng chí Võ Chí Công tích cực tham gia tổ chức cách mạng bí mật tại quê hương Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) ngay đầu những năm 1930 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5-1935.
Từ ngày 26-10 đến ngày 5-11-1989, đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Trong ảnh: Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi nhân dân huyện Phước Sơn, ngày 30-10-1989. (Ảnh tư liệu) |
Từ năm 1936-1939, trên cương vị Bí thư chi bộ ghép một xã, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Tam Kỳ, đồng chí Võ Chí Công đã lãnh đạo tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương, kiên trì, bền bỉ giác ngộ những người yêu nước để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, tăng cường đội ngũ cán bộ cho Đảng, đồng thời nỗ lực vận động nhân dân giữ vững niềm tin nhằm duy trì, mở rộng phong trào cách mạng ở địa phương.
Những năm 1941-1942, trên cương vị Ủy viên xứ ủy Trung Kỳ phụ trách các tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công bí mật lặn lội khắp miền Trung, vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch, vừa gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, tái lập hệ thống tổ chức của Đảng, phát triển rộng rãi Mặt trận Việt Minh ở Quảng Nam và Trung Bộ. Năm 1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt và đã kiên cường vượt qua những năm tháng bị cực hình tra tấn ở nhà tù Hội An và nhà tù Buôn Ma Thuột.
Tháng 3-1945, trở về từ nhà tù Buôn Ma Thuột, đồng chí Võ Chí Công tham gia vào ban lãnh đạo khởi nghĩa Quảng Nam, làm trưởng ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Hội An. Bằng nhiều biện pháp, kinh nghiệm, đồng chí cùng ban lãnh đạo khởi nghĩa chỉ đạo giành thắng lợi trong tỉnh một cách nhanh chóng, trở thành một trong 4 địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Võ Chí Công cùng Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu 5, lãnh đạo nhân dân liên khu kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Bắc Bộ, góp phần vào thắng lợi chung cả nước với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ, buộc Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5, đồng chí Võ Chí Công vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu 5 chiến đấu không lùi bước, giành nhiều thắng lợi to lớn.
Tháng 3-1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm thời cơ mới xuất hiện, đồng chí Võ Chí Công đề xuất Bộ Chính trị tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định, góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta đánh thắng ý đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ, ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác, tín nhiệm giữ nhiều trọng trách như: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Dù ở cương vị nào đồng chí đều luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng, sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quá trình cách mạng, với những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX. Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, làm hết sức mình để giữ gìn, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; luôn gần gũi, quý trọng nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết; được đồng chí, đồng bào quý mến, tin cậy; được bạn bè quốc tế trân trọng.
Với những công lao đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác…
NGỌC PHÚ
(Tổng hợp từ nguồn tài liệu
của Ban Tuyên giáo Trung ương)