ĐNO - Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, thành phố Đà Nẵng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão có tên quốc tế là Noru. Nhiều người dân, địa phương và các cơ quan, đơn vị đã, đang khẩn trương triển khai ứng phó bão.
Video: HOÀNG HIỆP
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng, tại khu vực bãi ngang Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhiều ngư dân đã đưa thuyền, thúng nhỏ lên bờ. Các tàu cá di chuyển vào cầu cảng CT.15 đều được các cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng CT.15 (Đồn Biên phòng Sơn Trà) hướng dẫn di chuyển sớm về neo đậu trú bão tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm quy hoạch tránh, trú bão của thành phố.
Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng vận động, hướng dẫn và hỗ trợ nhiều ngư dân cẩu các thuyền, thúng lên xe cẩu để đưa vào tập kết ở các khu đất trống cao ráo ở dọc một số tuyến đường thuộc phường Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà).
UBND quận Sơn Trà cũng đã tổ chức họp khẩn với các phòng, ngành và địa phương để triển khai công tác ứng phó với bão, nhất là vận động, hỗ trợ ngư dân di chuyển tàu thuyền đến khu vực an toàn; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân thuê trọ ở các nhà ở không bảo đảm an toàn; thông báo, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa; tổ chức lực lượng khơi thông cống rãnh...
Trong sáng 25-9, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng bắt đầu hạ thấp mực nước các hồ điều hòa và triển khai phương án chống ngập úng đô thị...
* Sáng 25-9, nhiều ngư dân trên địa bàn thành phố đang khẩn trương di chuyển, thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền, phương tiện lên bờ, hạn chế ảnh hưởng của cơn bão Noru.
Ghi nhận thực tế tại dọc tuyến đường Hoàng Sa, khu vực biển thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, nhiều ngư dân đang hối hả, tranh thủ thời tiết không mưa để đưa tàu, thuyền lên bờ. Một số sử dụng xe bò, xe cẩu để vận chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.
Theo nhiều người dân, bão Noru được dự báo là cơn bão mạnh, dự kiến sẽ đổ bộ và ảnh hưởng đến Đà Nẵng. Vì vậy, công tác che đậy, chằng buộc tàu, thuyền cùng ngư lưới cụ cẩn thận được ngư dân thực hiện từ sớm để tránh cập rập, giảm thiệt hại khi bão đổ bộ. Đối với mỗi chiếc thúng, ghe, chi phí thuê xe cẩu chuyên dụng từ 400.000-800.000 đồng/chiếc.
Tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nhiều tàu, thuyền cũng đang di chuyển vào khu vực tránh bão an toàn. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Lê Thị Kim Thương, địa phương đang khẩn trương tuyên truyền, vận động người dân đưa phương tiện, tàu thuyền lên bờ trú bão an toàn. Từ chiều nay đến sáng 26-6, phường sẽ phối hợp cùng lực lượng Biên phòng quận Sơn Trà tiến hành kiểm tra, rà soát; đối với phương tiện nào chưa được vận chuyển đến nơi an toàn, các lực lượng sẽ hỗ trợ ngư dân.
Bên cạnh đó, địa phương đang chỉ đạo các tổ dân phố, chi bộ khu dân cư tổng hợp, thống kê số lượng nhà cần chằng chống để huy động lực lượng hỗ trợ. Đối với những nhà không bảo đảm điều kiện, phường sẽ bố trí nơi trú ẩn an toàn cho người dân.
Ngư dân khẩn trương đưa thuyền thúng nhỏ lên bờ trú bão. |
Nhiều thúng, thuyền nhỏ đã được đưa lên vỉa hè đường Hoàng Sa để trú bão. |
Một mái nhà xe ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) được gia cố. |
Mái tôn của một trường mầm non ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang đang được giằng chống bão mạnh, |
Hồ Thạc Gián được hạ thấp mực nước để chống ngập úng đô thị. |
Ngay từ sáng sớm, nhiều ngư dân đã có mặt tại khu vực biển Thọ Quang để vận chuyển phương tiện lên bờ. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Các hàng dừa dưới biển được gia cố, tránh bật gốc. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Ngay từ sáng sớm, nhiều ngư dân đã có mặt tại khu vực biển Thọ Quang để vận chuyển phương tiện lên bờ. Ảnh: VĂN HOÀNG |
HOÀNG HIỆP - VĂN HOÀNG