Đà Nẵng tăng cường phòng chống thiên tai, nâng cao khả năng chống chịu và an toàn

.

ĐNO - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu, sau bão số 4 (Noru), các cấp, các ngành cần phải tổ chức rút kinh nghiệm, rà soát lại toàn bộ phương án phòng chống thiên tai, công tác hiệp đồng, phối hợp của các lực lượng, các cấp, cách ngành đề kịp thời điều chỉnh, bổ sung. Công tác phòng, chống thiên tai phải được kiểm soát, tăng cường thường xuyên...

Đà Nẵng kiến nghị Trung ương tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ trung ương đến cấp cơ sở, thành lập ban chỉ đạo tiền phương tại các nơi trọng điểm khi xảy ra thiên tai.  Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (giữa), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (phải) và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 4 (bão Noru) vào sáng 28-9. Ảnh: PV
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (giữa), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (phải) và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 4 (bão Noru) vào sáng 28-9. Ảnh: PV

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh vừa ký Báo cáo số 497-BC/BCSĐ ngày 29-9-2022 gửi Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy về tình hình, công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại bão số 4 (bão Noru) trên địa bàn thành phố.

Người dân thành phố được an toàn

Theo đó, bão số 4 ảnh hưởng đến đất liền thành phố Đà Nẵng từ đêm 27 đến sáng 28-9. Tâm bão đi vào đất liền khu vực bờ biển các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi vào 4 giờ sáng 28-9 với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 và sau đó tiếp tục di chuyển hướng tây suy yếu và tan dần.

Công tác chỉ huy, điều hành ứng phó với cơn bão số 4 được thực hiện xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến chính quyền địa phương các cấp. Thủ tướng chính phủ họp trực tuyến đến cấp xã, phường và ban hành các công điện chỉ đạo công tác ứng phó; thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 và đặt trụ sở làm việc tại thành phố Đà Nẵng để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 4.

Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức họp với Ban Thường vụ, Ban cán sự Đảng UBND thành phố, các sở, ban ngành liên quan và ban hành công văn số chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại, không để xảy ra thiệt hại về tính mạng và bảo đảm an toàn cho người dân thành phố. Đồng thời, phân công các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố phụ trách các địa bàn để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các địa phương.

UBND thành phố cũng đã tổ chức các cuộc họp kiểm tra đôn đốc và ban hành công điện ứng phó với bão số 4, cũng như thành lập Ban Chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với bão số 4.

Bên cạnh đó, theo diễn biến thực tế của bão, UBND thành phố tiếp tục ban hành các công văn triển khai công tác ứng phó bão số 4, tập trung chỉ đạo các nội dung quan trọng như sơ tán nhân dân (toàn thành phố đã sơ tán 21.653 hộ dân tương ứng với 75.598 người và 13.681 sinh viên, công nhân đến nơi an toàn; công tác triển khai sơ tán phù hợp, bảo đảm an toàn và các điều kiện sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, nước uống và an ninh trật tự cho nhân dân tại các khu sơ tán tập trung); cho công chức, viên chức, công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố nghỉ làm việc, dừng họp và hoạt động tại các chợ; yêu cầu người dân (trừ lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà...

Các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, địa phương và các đơn vị trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố…; chủ động triển khai thực hiện phương án phòng, chống thiên tai của ngành, đơn vị và các nhiệm vụ được phân công, phân cấp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến phường, xã và các sở, ban, ngành xác định nhiệm vụ phòng, chống ứng phó với bão số 4 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất.

Kết quả, toàn thành phố không có thiệt hại về người; có 3 nhà ở của nhân bị sập đổ, 456 nhà bị tốc mái; 55,65ha hoa, rau màu, 32,5ha cây ăn quả, chuối (77.662 cây) ngã đổ; 20ha mía bị ngã đổ; 3,3ha nhà lưới, nhà màng sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng; 451ha cây lâm nghiệp bị ngã đổ; 1 tàu cá bị mắc cạn; 6.369 cây xanh đô thị bị nghiêng, gãy đổ; 3.876 trạm biến áp gặp sự cố làm 283.688 khách hàng bị mất điện, 43 cột điện hạ áp bị ngã đổ... (tính đến 18 giờ ngày 29-9)

Sau khi tình hình thời tiết ổn định trong sáng 28-9, Chủ tịch UBND thành phố, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố cùng các sở ban, ngành và địa phương… đã có những văn bản, chỉ đạo khôi phục, triển khai các hoạt động và khắc phục thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường...

Bảo đảm chống chịu với bão lớn, gió mạnh, lũ

Trong báo cáo, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiến nghị Trung ương tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ Trung ương đến cấp cơ sở, thành lập ban chỉ đạo tiền phương tại các nơi trọng điểm khi xảy ra thiên tai; tăng cường chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, chính xác, nâng cao công tác truyền thông khi có thiên tai...

Bên cạnh đó, nghiên cứu các phương án bảo đảm tài sản tàu thuyền cho ngư dân khi vào trú tránh bão tại các khu vực neo đậu (có thể cho 1 ngư dân ở lại trực để bảo vệ tàu thuyền khi có bão, nhưng cần phải có các biện pháp quản lý, kết nối, liên lạc để theo dõi kịp thời, hỗ trợ, bảo đảm an toàn và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục triển khai công tác khắc phục theo Công văn  số 5323/UBND-PCTT ngày 28-9-2022 của Chủ tịch UBND thành phố. Đồng thời, phải được kiểm soát, tăng cường thường xuyên công tác phòng chống thiên tai.

Các cấp, các ngành cần phải tổ chức rút kinh nghiệm và rà soát lại toàn bộ phương án phòng, chống thiên tai (đặc biệt là công tác sơ tán nhân dân, bảo đảm an toàn tàu thuyền…), công tác hiệp đồng phối hợp của các lực lượng, các cấp, các ngành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Cùng với đó, cần xây dựng kế hoạch cắt tỉa cây xanh phù hợp theo độ tuổi và quá trình sinh trưởng của cây, cắt tỉa bảo đảm độ che phủ trong mùa nắng nhưng đồng thời phải an toàn trong mùa mưa bão; có giải pháp chằng, chống đúng kỹ thuật hạn chế ngã đổ.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng cập nhật, ban hành những yêu cầu kỹ thuật đặc thù về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.

Sở Xây dựng tiếp tục triển khai chương trình nhà ở; xây dựng, hướng dẫn, phổ biến các mô hình nhà mẫu an toàn trước gió bão, lũ; hướng dẫn, tập huấn công tác sửa chữa, gia cố nhà ở bảo đảm an toàn (nhất là với nhà cấp 4, không kiên cố); xây dựng bổ sung công trình kết hợp sơ tán dân cho các khu vực dân cư hiện trạng nằm trong vùng ngập lũ và khu vực tập trung nhà chưa kiên cố; nghiên cứu đề xuất giải pháp, đến năm 2030 trên địa bàn thành phố đạt 100% nhà ở các quận, huyện kiên cố, bảo đảm an toàn với bão, lũ.

Sở Giao thông vận tải đánh giá, rà soát lại hệ thống cầu, cống các tuyến giao thông đã xây dựng chắn ngang dòng chảy lũ, tuyến thoát lũ, có hệ thống thoát nước không bảo đảm và các dự án phát triển giao thông, hạ tầng nằm trong khu vực thấp trũng, ngập lụt theo quy hoạch.

Đối với chủ các nhà trọ (đặc biệt là nhà trọ cho công nhân, sinh viên, người lao động thu nhập thấp), đề nghị cần xem xét bắt buộc các chủ hộ kinh doanh nhà trọ phải bảo đảm kết cấu nhà trọ an toàn với gió bão mạnh đến cấp 12 và có các biện pháp bảo đảm an toàn với người thuê trọ.

Các sở, ban, ngành bố trí kinh phí cho Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các hội, đoàn thể các cấp, địa phương để tăng cường tập huấn, tuyên truyền các kỹ năng, kiến thức về theo dõi các bản tin thiên tai, phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân để người dân không chủ quan và chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, thông tin thiên tai và chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố bằng nhiều hình thức, từ xa, từ sớm đến toàn thể nhân dân để chủ động phòng, chống ứng phó.

Các địa phương rà soát ngay các nhà ở không kiên cố, chưa bảo đảm an toàn (chưa có sàn bê-tông vượt lũ, hạng mục kiên cố trú bão trong nhà…) và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhân dân (ưu tiên các hộ dân gia đình chính sách, hộ nghèo) sửa chữa, khắc phục, xây dựng mới nhà ở bảo đảm chống chịu với bão lớn, gió mạnh, lũ.

Sở Công Thương chủ trì nghiên cứu quy hoạch các điểm neo đậu khi có thiên tai, bão, lũ đối với các tàu kinh doanh xăng dầu trong âu thuyền và cảng cá Thọ Quang...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.