Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, cùng với chủ trương, giải pháp kịp thời, đúng đắn của thành phố, cả hệ thống chính trị vào cuộc nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, có những sự hy sinh thầm lặng, không ngại hiểm nguy, vất vả của lực lượng tuyến đầu. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lực lượng tuyến đầu là những tấm gương sáng giúp lan tỏa tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Hoanh mang loa thông tin về chủ trương của thành phố cho người dân nắm trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố trong năm 2021. Ảnh: P.N |
Hết lòng vì bệnh nhân Covid-19
Hai năm qua, bác sĩ Phạm Minh An, khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng trực tiếp tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn thành phố; đồng thời tham gia hội chẩn trực tuyến điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng trong nước. Nhớ lại thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt cuối tháng 7-2021 khi thành phố bắt đầu giãn cách xã hội, bác sĩ An cho biết, đó là khoảng thời gian không thể nào quên.
Thời điểm này, khi số bệnh nhân Covid-19 nặng tăng, anh xung phong hỗ trợ điều trị, giành giật sự sống cho các bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. “Không có y, bác sĩ nào đứng ngoài cuộc chiến phòng, chống Covid-19.
Đặc biệt, là bác sĩ hồi sức, một trong những chuyên khoa cần cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, tôi phải hoàn thành trách nhiệm của mình để chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Dù đối mặt với nhiều hiểm nguy, vất vả nhưng các y, bác sĩ đều quyết tâm, nỗ lực hết mình để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ An thổ lộ.
Theo bác sĩ An, cam go, khó khăn nhất là giai đoạn tháng 7-2021, anh trực tiếp chỉ huy một nhóm bác sĩ, điều dưỡng điều trị cho hơn 50 bệnh nhân Covid-19 nặng. Anh là bác sĩ hồi sức duy nhất tại khoa phòng lúc đó. “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là lần điều trị cho bệnh nhân 53 tuổi mắc Covid-19 nặng, rơi vào tình trạng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, huyết áp gần như không đo được. Lúc đó bệnh nhân đã bước một chân vào cửa tử.
Trên tinh thần “còn nước còn tát”, tôi xin lãnh đạo để thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân. Khoảng 23 giờ, tôi cùng ê kíp làm ECMO cho bệnh nhân đến 5 giờ sáng hôm sau mới xong. Tiếp đó là 44 ngày ròng rã chạy ECMO.
May mắn thay, bệnh nhân cuối cùng cũng phục hồi, cai máy thở và được xuất viện, đoàn tụ với gia đình sau 2 tháng chiến đấu với Covid-19. Khoảnh khắc chứng kiến bệnh nhân khỏe mạnh, trở về đoàn tụ với gia đình là giây phút thật sự hạnh phúc đối với người trực tiếp điều trị như tôi”, bác sĩ An chia sẻ.
Với những đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống Covid-19, bác sĩ An vinh dự được Sở Y tế tặng giấy khen, Bộ Y tế tặng bằng khen. Mới đây, anh là một trong 44 cá nhân nhận giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc năm 2021 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Cũng như bác sĩ An, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Khu ký túc xá phía tây thành phố (quận Liên Chiểu) được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến số 1, hộ lý Nguyễn Thị Thu Ngân (khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) xung phong trở thành người phục vụ bệnh nhân Covid-19 mọi lúc, mọi nơi.
Công việc của chị là chăm sóc những bệnh nhân nặng, có bệnh nền, già yếu. Trong đó có thay quần áo, vệ sinh cá nhân và bón từng muỗng cháo cho những bệnh nhân không tự ăn được. Chị Ngân quan niệm rằng, với những bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt những bệnh nhân nặng, họ cần có tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật.
Vì thế, chị cùng các y, bác sĩ xem bệnh nhân như người thân của mình và luôn quan tâm, động viên họ. Điều đó đã trở thành “liều thuốc” hiệu quả giúp nhiều bệnh nhân chiến thắng Covid-19 trở về đoàn tụ với gia đình.
Sát cánh cùng nhân dân
Trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó”, tổ trưởng dân phố là một trong những “cánh tay” nối dài của chính quyền, luôn kề cận, sát cánh, giúp đỡ nhân dân trong mọi tình huống. Ông Nguyễn Văn Hoanh, Tổ trưởng tổ 50, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) được nhân dân trong tổ hết lòng mến phục vì sát cánh cùng họ qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
Dù tuổi cao nhưng ông không nề hà bất cứ việc gì, luôn xông pha ra tuyến đầu phòng, chống Covid-19. Theo ông Hoanh, trước chủ trương của thành phố về việc giãn cách xã hội từ 18 giờ ngày 31-7-2021, người dân trong tổ đồng tình, ủng hộ. Nhiệm vụ quan trọng nhất là nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, nên người dân tuân thủ nghiêm các quy định.
Trong giai đoạn này, ý thức của mỗi người dân quyết định đến thành bại của cả cuộc chiến cam go. Bên cạnh đó, vai trò của tổ trưởng dân phố, cán bộ cơ sở cần được phát huy tối đa.
Để công tác phòng, chống Covid-19 đạt hiệu quả, 5 giờ sáng mỗi ngày, ông Hoanh mang loa đi quanh tổ để thông tin về chủ trương, quy định của thành phố và tình hình dịch bệnh trên địa bàn cho người dân nắm. Những ngày đầu giãn cách xã hội, rau củ quả hỗ trợ cho người dân được thành phố đưa đến khu phố liên tục.
Tất cả được ông phân ra từng suất bằng nhau rồi mang đến tận nhà trao cho bà con. Ngoài ra, trong các đợt xét nghiệm toàn dân, ông gõ cửa từng nhà đưa giấy mời. Đến ngày xét nghiệm, ông lại đến từng nhà nhắc nhở đi đúng giờ, xếp hàng giãn cách. Đặc biệt, ông trực tiếp đi chợ, mua những nhu yếu phẩm cần thiết giúp người dân khi họ ở yên trong nhà. Trước ngày thành phố giãn cách, thay mặt tổ dân phố, ông kịp thời vận động, hỗ trợ gạo, mì gói, rau, củ để bảo đảm đời sống cho mọi người.
Cũng từ sự sâu sát với người dân, Trung úy Phạm Tự Lực, cán bộ Công an xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2021. Trong giai đoạn cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống Covid-19, Trung úy Lực đã lan tỏa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an qua câu chuyện nhân văn, xúc động.
Trong ca trực, khi nhận được thông tin có sản phụ tại thôn An Sơn (xã Hòa Ninh) chuyển dạ, anh cùng nhân viên y tế kịp thời đến nhà trực tiếp trợ sinh cho sản phụ được mẹ tròn con vuông. Ngoài ra, anh còn tham gia kiểm soát tại chốt; tuần tra, xử lý vi phạm về phòng, chống Covid-19; vận động trao quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Nhìn lại quá trình thành phố quyết tâm phòng, chống Covid-19, có thể thấy dấu ấn đậm nét của lực lượng nòng cốt trên tuyến đầu. Những cá nhân kể trên là trong số rất nhiều tấm gương điển hình trong 2 năm qua. Công sức của lực lượng tuyến đầu, cùng những chủ trương kịp thời, đúng đắn của thành phố và sự chung sức, đồng lòng của người dân đã góp phần đưa cuộc sống bình thường trở lại như hôm nay.
PHI NÔNG