Với nhận định, bão số 4 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua ảnh hưởng trực tiếp thành phố Đà Nẵng, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến phường, xã và các sở, ban, ngành, đơn vị phải coi chống bão là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất vào thời điểm này. Trong đó, công tác sơ tán nhân dân đến nơi trú bão an toàn, người dân phải ở trong nhà hoặc công trình kiên cố khi có gió bão mạnh... là yêu cầu được đặt lên hàng đầu để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại cuộc họp sáng 26-9 . Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Khẩn trương huy động lực lượng chống bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại
Sáng 26-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã nhằm rà soát, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra. Cùng dự có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết.
Tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, bão số 4 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua nên tất cả mục tiêu, giải pháp của thành phố là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là không để xảy ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người dân.
Các cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị phải tập trung thực hiện công tác phòng, chống bão; đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về tình hình bão và các biện pháp mà thành phố chỉ đạo triển khai, nhất là tuyên truyền về việc người dân chủ động chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, không ra khỏi nhà khi bão vào.
Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ tất cả các hộ dân thuộc diện phải sơ tán; các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng; rà soát, xác định rất rõ các điểm phục vụ sơ tán nhân dân đến nơi bảo đảm an toàn. Công tác sơ tán nhân dân phải hoàn thành trước 14 giờ ngày 27-9-2022.
Chiều cùng ngày, kiểm tra thực tế công tác triển khai ứng phó bão số 4 trên địa bàn quận Liên Chiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết lưu ý các địa phương quan tâm, bảo đảm nhu yếu phẩm và các điều kiện thiết yếu cho nhân dân sơ tán đến ở trong 2 ngày 27 và 28-9. Các phường tổ chức lực lượng xung kích và chia thành nhiều nhóm để rà soát, kiểm tra tình trạng các nhà dân, khu trọ sinh viên và công nhân để hỗ trợ đưa hết người đang sinh sống trong các nhà không bảo đảm an toàn đến nơi sơ tán.
Bên cạnh đó, cắt cử, bố trí lực lượng canh gác, không để người dân tự ý rời nơi sơ tán về nhà hoặc đi ra ngoài khi có mưa, gió mạnh để tránh tai nạn đáng tiếc. Quận cũng quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí để các địa phương mua sớm nhu yếu phẩm, các vật dụng cần thiết để phục vụ tốt nhất cho nhân dân nơi sơ tán và làm việc với các đơn vị cung ứng để bảo đảm cung ứng hàng hóa, vận động các cơ sở sản xuất nhiều hơn một số loại thức ăn, nước uống để bảo đảm phục vụ nhân dân trong những ngày ảnh hưởng bão...
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (thứ 2 từ trái sang) chỉ đạo các đơn vị, địa phương bảo đảm nhu yếu phẩm và các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho nhân dân tại các điểm sơ tán. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Sơ tán khoảng 70.000 người đến nơi trú ẩn an toàn
Nhằm bảo đảm an toàn tối đa tính mạng, sức khỏe nhân dân và đáp ứng điều kiện sinh hoạt tối thiểu, nhu cầu lương thực thực phẩm cho nhân dân ở nơi sơ tán, sáng 26-9, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã thống nhất cho học sinh nghỉ học từ chiều 26-9 để các đơn vị, địa phương triển khai công tác chuẩn bị sơ tán nhân dân đến tránh trú bão an toàn tại các trường học.
Đồng thời, thống nhất cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc và dừng họp chợ trên địa bàn thành phố từ 12 giờ trưa 27-9-2022. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động phân công cán bộ, công chức, viên chức... tham gia phòng chống lụt, bão của đơn vị mình và của địa phương.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở Công Thương, các quận, huyện và các doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh để đừng ngưng trệ sản xuất, kinh doanh và cũng bảo đảm công tác phòng, chống lụt bão.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, hiện các địa phương đang theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 4 và sẵn sàng triển khai sơ tán dân theo phương án đã lập tương ứng với dự báo cấp gió bão khi đổ bộ vào đất liền, dự kiến sơ tán khoảng 70.000 người.
UBND các quận, huyện phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn thành phố hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa, sơ tán nhân dân, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thiên tai. Sở Công Thương sẵn sàng chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng bão số 4 cho 32.248 hộ dân với định mức hỗ trợ 385.000 đồng/hộ (4 mặt hàng dùng trong 3 ngày) có tổng kinh phí dự kiến 12,42 tỷ đồng...
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thành phố giúp ngư dân ở quận Thanh Khê đưa các loại thuyền thúng lên bờ tránh bão. Ảnh: BÁ VĨNH |
Thực hiện nghiêm phương án, biện pháp phòng, chống mưa bão Chiều tối 26-9, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Công văn số 2381-CV/TU về triển khai công tác phòng chống bão số 4. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án, biện pháp phòng, chống mưa bão, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến phường, xã và các sở, ban, ngành cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất trong thời điểm này. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ứng phó trước, trong và sau bão. Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương thành lập Ban Chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 4 đặt tại trụ sở Trung tâm hành chính thành phố, phân công đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, thành viên là thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan. Chỉ đạo thành lập ban chỉ huy ở các quận, huyện do Chủ tịch UBND quận, huyện là trưởng ban nhằm bảo đảm sự thông suốt, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4 từ thành phố đến phường, xã. Các đơn vị, địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, du khách, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của nước dâng, sóng lớn, các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu, các cơ sở lưu trú không an toàn, công trình xây dựng… Sở Công Thương, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống bão; bố trí lực lượng sản xuất, kinh doanh phù hợp và tạo điều kiện cho công nhân được nghỉ làm từ 12 giờ ngày 27-9-2022 nhằm bảo đảm phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình. Lực lượng công an, quân sự, biên phòng là lực lượng nòng cốt trong việc hỗ trợ di dời dân, bố trí lực lượng ứng trực để xử lý các tình huống xảy ra theo phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Giao đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố trực tiếp chỉ huy, hiệp đồng các lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố; chủ động đề xuất tham mưu huy động các lực lượng đóng quân trên địa bàn để phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 trong công tác ứng phó và khắc phục sau bão. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố theo địa bàn được phân công tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão ở các địa phương, đơn vị được giao phụ trách; nhất là rà soát, kiểm tra những khu vực trọng yếu, phương án bảo đảm an toàn, tài sản, nhà cửa, phòng chống cháy nổ cho người dân, doanh nghiệp. Bắt đầu từ 12 giờ ngày 26-9, định kỳ 6 giờ/1 lần, các địa phương, đơn vị báo cáo, cập nhật tình hình phòng, chống bão tại các đơn vị, địa phương mình về Ban Thường vụ Thành ủy (qua Văn phòng Thành ủy) và Ban Chỉ huy thành phố để kịp thời theo dõi, chỉ đạo. |
HOÀNG HIỆP