Việc Việt Nam lần thứ hai ứng cử và ngày 11-10 vừa qua đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 là sự tiếp nối của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là nỗ lực đóng góp tiếp theo cho sự thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ quốc giai đoạn 2020-2021. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục mang tới bạn bè quốc tế thông điệp về chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam: lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển.
Nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế đều hiểu một cách sâu sắc và rất rõ rằng, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, quan điểm về quyền con người luôn luôn là trung tâm của sự phát triển và đã trở thành một định hướng chiến lược, một triết lý hành động xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam đều khẳng định: “Con người là vốn quý nhất. Chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta”. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Chính mục tiêu vì con người, hướng đến con người đã trở thành nhân tố làm nên tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam để chiến thắng nhiều kẻ thù hung bạo nhất trong lịch sử đương đại và cùng chung tay góp sức bảo vệ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng.
Sau khi hay tin Việt Nam lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, nhà báo nổi tiếng Veeramalla Anjaiah người Indonesia, đồng thời là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), khẳng định rằng: Việt Nam là đất nước hòa bình và ổn định, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong nước. Ông Anjaiah đánh giá cao tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm xuống còn 2,23% vào năm 2021 từ mức 40,5% vào năm 2012. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Việt Nam đã thành công khi đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đồng thời ông nhấn mạnh: “Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam luôn ủng hộ việc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm trên toàn cầu. Việt Nam cũng luôn tham gia các nỗ lực bảo vệ quyền con người ở LHQ và các tổ chức quốc tế khác."
Ông Philip Fernandez, thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam, cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để bảo đảm quyền, sự thịnh vượng và hạnh phúc của mọi người dân và triển khai các chương trình hành động quyết liệt để thúc đẩy bình đẳng cho các nhóm yếu thế, như nội dung bản Tuyên ngôn độc lập tháng 9-1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."
Ngay sau khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bangladesh, ông Shahriar Alam cho rằng, nhân quyền là lĩnh vực rất rộng lớn, có liên quan mật thiết tới sự phát triển kinh tế. Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm chung về văn hóa, cùng trải qua nhiều năm chiến tranh tàn khốc để có được độc lập tự do, nên hai nước ở vị trí có thể nói với cả thế giới về tầm quan trọng của hòa bình, rằng hòa bình là giá trị trung tâm, là nguyện vọng chung của nhân dân và là nền tảng để đất nước đưa ra các quyết định.
Mặt khác, lần thứ hai trúng cử Hội đồng nhân quyền LHQ cho thấy Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên nhiệm kỳ 2014-2016, luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ và góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Trong đó, Việt Nam tham gia tích cực, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người,” trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em...).
Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế…
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi công bố kết quả lần thứ hai trúng cử vào thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao. Đồng thời đây cũng là câu trả lời rõ ràng nhất, mạnh mẽ nhất cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn luôn tìm mọi cách chống phá Việt Nam, trong đó có việc vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
TUYẾT MINH