Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, khoảng 20 giờ 40 phút ngày 14-10, đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân đã tiến hành đóng cửa hầm hai chiều do xuất hiện lũ quét tràn từ đỉnh núi Hải Vân (phía thành phố Đà Nẵng).
Khu vực đập Đá ở thành phố Huế bị ngập sâu, lực lượng chức năng đã rào chắn không cho người dân, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn (ảnh minh họa) |
Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút, phía cửa hầm Hải Vân ở thành phố Đà Nẵng nước bắt đầu dâng lên tầm 0,5m tại khu vực bùng binh nút giao Tạ Quang Bửu và đường dẫn phía Nam hầm. Sau đó, xuất hiện lũ quét tràn từ đỉnh núi Hải Vân đổ về phía trước quảng trường cửa hầm và ở đường dẫn cầu số 1, số 2 với dòng chảy lớn, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.
Xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân đã cử lực lượng chốt trực từ cửa hầm phía Bắc (ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để hướng dẫn các phương tiện đậu đỗ an toàn trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
Cầu gỗ lim ven sông Hương ở thành phố Huế bị ngập sâu trong nước lũ (ảnh minh họa) |
Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang tiến hành điều tiết các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A không đi qua những khu vực bị ngập sâu và không dồn tập trung các phương tiện về phía cửa hầm Hải Vân.
Hầm Hải Vân có hai đường hầm, với chiều dài hơn 6km, kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á.
Do ảnh hưởng của bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trong ngày 14-10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng và ngập lụt ở nhiều nơi.
Theo baotintuc.vn