Giải pháp bảo vệ cảnh quan ven biển

.

Sau hơn 1 tháng khẩn trương khắc phục các hư hỏng về hạ tầng, vệ sinh môi trường... do bão và mưa lớn gây ra, đến nay, khu vực ven biển về cơ bản đã trở lại nguyên hiện trạng góp phần làm đẹp cảnh quan phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu, thành phố có những giải pháp bảo vệ an toàn cảnh quan, môi trường du lịch ven biển.

Khu vực sạt lở vỉa hè trên đường Võ Nguyên Giáp sát cửa xả Mỹ An do bão số 5 đã được khắc phục, trả lại cảnh quan. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu vực sạt lở vỉa hè trên đường Võ Nguyên Giáp sát cửa xả Mỹ An do bão số 5 đã được khắc phục, trả lại cảnh quan. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khắc phục nhanh cảnh quan

Tại các bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê và Liên Chiểu), do không bị hư hỏng nhiều về hạ tầng vì mưa bão, chỉ có nhiều rác tấp vào nên thời gian qua, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng triển khai thu gom rác bằng các phương tiện cơ giới và nhân công để tổng dọn vệ sinh, nhanh chóng trả lại cảnh quan, môi trường phục vụ du lịch.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn và mưa cực đoan do ảnh hưởng của bão số 5 vào ngày 14-10, một đoạn vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp đoạn sát cửa xả Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) bị nước mưa chảy ra biển làm xói lở với diện tích gần 980m2. Vị trí xói lở này được xem là cửa ngõ vào Khu phố du lịch An Thượng nên không chỉ làm mất mỹ quan du lịch mà nhiều du khách cũng mất nơi ngắm cảnh, đi bộ, tập thể dục....

Tuy nhiên, sau một thời gian khắc phục, khu vực xói lở đã được lát lại vỉa hè, trồng cây xanh, khôi phục cảnh quan... và đưa vào phục vụ du khách. Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ một quán ăn ở Khu phố du lịch An Thượng bày tỏ: “Các đơn vị chức năng đã khắc phục xong, cơ bản trả lại cảnh quan đẹp như trước đây. Về lâu dài, chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng sớm có nghiên cứu tổng thể khu vực này vì đã xảy ra xói lở nhiều lần”.

Tại khu vực kinh doanh dịch vụ trên các bãi tắm dọc đường Võ Nguyên Giáp, các chủ hộ kinh doanh đã phối hợp Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng triển khai thu gom rác, dọn vệ sinh và sửa chữa, lắp đặt bàn, ghế, dụng cụ... phục vụ du khách. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị hoàn thành lát gạch vỉa hè Công viên Biển Đông (khu vực phía ngoài) với diện tích khoảng 100m2; phối hợp chủ hộ kinh doanh triển khai sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của hệ thống hạ tầng, cây xanh...

Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Vũ thông tin, hiện nay, đối với những vị trí hư hỏng nhỏ, dễ khắc phục..., đơn vị đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai khắc phục cơ bản hoàn thành. Đối với khu vực vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp sát cửa xả Mỹ An, đơn vị đã phối hợp Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông khắc phục xong, trả lại cảnh quan gần giống với ban đầu.

“Nhìn chung, cảnh quan, môi trường, cây xanh khu vực ven biển dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp đã được được khắc phục xong. Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị triển khai khắc phục hạ tầng tại khu vực bãi tắm Phước Mỹ và vỉa hè phía nam Công viên Biển Đông bị sạt lở nặng (diện tích sạt lở khoảng 2.000m2)”, ông Nguyễn Đức Vũ nói.

Còn theo Chi cục Biển và hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường), ngoài một số khu vực bị sạt lở tại vỉa hè như đã đề cập trên, các khu vực biển chủ yếu bị nhiều rác, cành cây, gỗ nhỏ... tấp vào. Trong mùa mưa bão năm nay, chi cục thường xuyên đi khảo sát tình hình sạt lở, xâm thực các khu vực biển để kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị dọn dẹp, làm sạch bờ biển và khắc phục các đoạn bờ biển bị sạt lở; cắm biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm có khả năng sạt lở...

Cần có giải pháp xây kè bảo vệ đường

Nhiều người dân trên địa bàn thành phố bày tỏ lo ngại trước diễn biến của khí hậu làm các cơn bão có cường độ mạnh hơn, tình trạng triều cường và nước biển dâng cao hơn trong những năm gần đây đã hất nhiều cát lên đường, làm sạt lở nhiều vị trí vỉa hè dọc đường Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp. Trong khi đó, một số đoạn vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp chưa được đầu tư xây dựng kè kiên cố để bảo vệ.

Ông Võ Văn Đăng (người dân ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay: “Những năm qua, một số vị trí trên vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ đường Nguyễn Văn Thoại đến cửa xả Mỹ An đã bị sóng biển xâm thực gây hư hỏng. Có lúc sóng biển xâm thực tạo thành hàm ếch và độ cao chênh lệch giữa vỉa hè và bãi biển rất lớn, dễ gây tai nạn cho người dân, du khách đi dạo. Trước tình hình sóng biển xâm thực và triều cường, bão mạnh phát sinh nhiều, thành phố cần có giải pháp đầu tư xây dựng kè bảo vệ đường Võ Nguyên Giáp và nghiên cứu giải pháp bảo vệ bãi biển, tránh để hư hại nhiều để bảo đảm cảnh quan phục vụ du lịch, giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà chia sẻ, biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi toàn cầu. Riêng tại Đà Nẵng, nhiệt độ trung bình đã gia tăng 0,7oC trong vòng 60 năm (1961-2019); lượng mưa gia tăng; cường độ bão gia tăng... Đặc biệt là sự gia tăng về mực nước biển dâng tại thành phố hơn 3mm/năm, gây ảnh hưởng đến hệ thống đê, kè khu vực ven biển. Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và vùng bờ; tiếp tục phối hợp, xây dựng đề cương và dự toán nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu biển, đảo thành phố Đà Nẵng. Hiện sở đã hoàn thành công tác thiết lập quản lý hành lang bảo vệ bờ biển và đã trình UBND thành phố báo cáo về độ rộng hành lang bảo vệ bờ biển, các nội dung liên quan việc cắm mốc bảo vệ hành lang bờ biển...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.