Hỗ trợ, nâng cao đời sống công nhân

.

Sau tuyến bài “Nhọc nhằn đời sống công nhân” đăng ngày 24, 25, 26-11, Báo Đà Nẵng nhận được ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể về những chính sách, hoạt động hỗ trợ nâng cao đời sống của công nhân hiện nay.

Cần có nhiều chính sách để nâng cao đời sống công nhân. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: PV
Cần có nhiều chính sách để nâng cao đời sống công nhân. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: PV

* Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng: Đồng hành, sát cánh người lao động

Qua thống kê sơ bộ, toàn thành phố hiện có 477 doanh nghiệp với khoảng 70.000 lao động, trong đó có 27.000 lao động ngoại tỉnh. Phần lớn, người lao động ngoại tỉnh đang thuê trọ gần các khu công nghiệp để đi làm, điều kiện sống chưa bảo đảm về cơ sở vật chất lẫn hoạt động giải trí tinh thần. Ban quản lý thường xuyên tổng hợp danh sách các trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ do Công đoàn các doanh nghiệp đề xuất, đồng thời đề nghị Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp nhận nguồn kinh phí thực hiện việc chi hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn, người lao động đảm bảo công khai, minh bạch. Qua đó, kịp thời động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng hành, sát cánh cùng đoàn viên và người lao động để vượt qua khó khăn trước mắt.

Song song với các hoạt động hỗ trợ đoàn viên và người lao động, Công đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đoàn viên và người lao động trong các hoạt động tương thân tương ái. Các bộ phận cần đề xuất những tấm gương, câu chuyện về những lao động đặc biệt khó khăn để Ban quản lý và Công đoàn sớm hỗ trợ, giúp đỡ. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động nhằm kiến nghị, đề nghị các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tạo những điều kiện mở để lao động làm việc lâu dài.

* Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần

Đối với vấn đề nhà ở công nhân, Liên đoàn Lao động thành phố đã có kiến nghị và đề xuất tổng hợp gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Trên cơ sở đó cần các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, mở rộng và nâng cấp, bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động được cải thiện hơn. Đối với vấn đề đời sống tinh thần, các cấp Công đoàn cần tổ chức, triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao nhằm tạo ra các sân chơi, rèn luyện thể chất cho công nhân, tạo sự giao lưu, gắn kết, trao đổi và gặp gỡ giữa công nhân với nhau, đặc biệt là tránh những thông tin độc hại, tiêu cực từ mạng xã hội. Mặc dù thành phố đã, đang triển khai và có những định hướng, chính sách nhằm phát triển đời sống tinh thần, bảo đảm sinh hoạt cho công nhân, tuy nhiên, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho công nhân, đặc biệt là các công nhân ngoại tỉnh.

Trong dịp Tết Quý Mão 2023, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động như: chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết”, trao tặng 11.300 phần quà cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ phương tiện, vé tàu, xe, máy bay đưa đoàn viên, công nhân viên chức lao động thành phố về quê đón Tết; thăm hỏi, động  viên các trường hợp khó khăn, không về quê; tổ chức 2 phiên chợ bán hàng ưu đãi dành cho người lao động…

* Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng: Tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ công nhân

Hoạt động đồng hành giúp đỡ, hỗ trợ các công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được Công đoàn các cấp triển khai hằng năm. Các hoạt động được Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức như: phiên chợ công nhân; trao quà cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do thiên tai; chuyến xe Công đoàn đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết… Ngoài ra, Công đoàn khu đã và đang nỗ lực triển khai các gói hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố và các đối tác khác để chăm lo, hỗ trợ cho công nhân, người lao động khó khăn. Các trường hợp đoàn viên Công đoàn, người lao động gặp các vấn đề như: tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, nợ lương, thiệt hại do bão lũ, dịch bệnh… luôn được Công đoàn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần để công nhân tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

* Ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu: Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện

Trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc có Khu công nghiệp Hòa Khánh, thu hút số lượng lớn dân cư, đặc biệt là công nhân đến làm ăn, sinh sống. Đa số người dân tạm trú trên địa bàn là công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Chúng tôi cũng biết nhiều người ở trọ có hoàn cảnh khó khăn phải chi tiêu dè sẻn vì khoản tiền lương thấp và không ổn định. Do đó, chính quyền địa phương chung tay cùng các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể phối hợp thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ và thực hiện an sinh xã hội của thành phố.

Thời gian qua, phường phối hợp Liên đoàn Lao động quận thành lập 27 tổ công nhân tự quản; Hội Liên hiệp Phụ nữ phường thành lập 3 CLB “nữ công nhân nhà trọ” theo dự án Nâng cao năng lực cho nữ công nhân do tổ chức phi chính phủ “Bàn tay thái bình” và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tài trợ nhằm hỗ trợ cho nữ công nhân nâng cao năng lực toàn diện, kỹ năng sống; hỗ trợ quà cho công nhân không về quê ăn Tết… Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương vận động chủ trọ giảm tiền thuê trọ; ưu tiên những suất quà cứu trợ của mạnh thường quân; hỗ trợ 500.000 đồng/phòng trọ, hộ với tổng kinh phí hơn 7,63 tỷ đồng cho 15.278 hộ tạm trú theo chính sách của thành phố.

V. HOÀNG - C. THẮNG

;
;
.
.
.
.
.