Ngày 29-11, hội nghị lần thứ X Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) tại Đà Nẵng tiếp tục phiên thảo luận bàn tròn. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phụ trách Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF dự và chủ trì hội nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: L.P |
Thảo luận về tính cấp thiết của sự hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển. Do đó, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu rất cấp thiết.
Theo đại diện Phân ban Việt Nam, Việt Nam đã tích cực tham gia các hội nghị quốc tế đàm phán về vấn đề biến đổi khí hậu, tham gia đầy đủ hội nghị các bên của Công ước khí hậu (COP), là một trong những nước sớm tham gia ký và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu; cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm khí thải nhà kính và chuyển giao công nghệ; giảm khí metal 30% vào năm 2030…
Việt Nam đề nghị các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ tiếp tục thúc đẩy hoạt động ngoại giao trong lĩnh vực khí hậu. Các quốc gia cộng đồng Pháp ngữ cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các điều ước quốc tế khác,…
Thảo luận về vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội, đại diện các phân ban cho biết, các chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống Covid-19; sử dụng trang thiết bị hiện đại, phương pháp hỗ trợ y tế mới, thông tin nhanh chóng, kịp thời tới người dân để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Các phân ban đề xuất Nghị viện các quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương cũng như Cộng đồng Pháp ngữ cần tăng cường phối hợp, giám sát chính phủ trong phòng, chống Covid-19 cũng như các dịch bệnh mới trong tương lai, tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các phương pháp phòng tránh dịch. Đại diện Phân ban Việt Nam đã chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm của Quốc hội trong phòng, chống Covid-19, như: ban hành nhiều văn bản, quyết định cấp bách chưa từng có tiền lệ để phòng chống dịch. Nhờ ngoại giao vắc-xin linh hoạt, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 250 triệu liều vắc-xin và trở thành một trong những quốc gia bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới...
Cùng ngày, hội nghị lần thứ 10 vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF bế mạc, thông qua báo cáo tổng kết hội nghị và quy chế hoạt động của vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF.
LAM PHƯƠNG