Nhọc nhằn đời sống công nhân

Bài 2: Chật vật chi tiêu, dè sẻn ăn uống

.

Dù mức lương của nhiều công ty, doanh nghiệp có cải thiện tăng nhưng nhìn chung vẫn chưa theo kịp tốc độ giá tiêu dùng. Để chắt bóp tối đa các khoản chi tiêu, nhiều công nhân định mức mỗi bữa ăn chỉ vài ngàn và sử dụng vài chục ngàn cho mỗi ngày đi chợ.

Nhiều công nhân định mức bữa ăn chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng cho mỗi ngày đi chợ. Trong ảnh: Một xe ba gác với đầy hàng hóa bán cho công nhân tại ngã tư đường Lạc Long Quân - Âu Cơ (quận Liên Chiểu). Ảnh: PV
Nhiều công nhân định mức bữa ăn chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng cho mỗi ngày đi chợ. TRONG ẢNH: Một xe ba gác với đầy hàng hóa bán cho công nhân tại ngã tư đường Lạc Long Quân - Âu Cơ (quận Liên Chiểu). Ảnh: PV

Bữa ăn dè sẻn

Qua lời giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm tới khu nhà trọ của chị Đinh Thị Hằng (27 tuổi, quê Nghệ An) nằm sâu trong con hẻm của đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Bữa tối của chị Hằng và hai chị em khác cùng phòng cũng là 3 món nhưng giá trị bữa ăn được tính toán chỉ vỏn vẹn 40.000 đồng. Theo quy ước của ba chị em, mỗi ngày chỉ được đi chợ 30.000-50.000 đồng. Vì vậy, với cách chi tiêu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, thực đơn hằng ngày gồm: rau 5.000 đồng, bìa đậu khuôn 5.000 đồng, 10.000-20.000 đồng mớ cá vụn (loại cá nhỏ bằng ngón tay), khi thì 5.000 dưa cải muối chua hoặc 2-3 quả trứng vịt dầm nước mắm. Có những hôm vì tăng ca đột xuất, ba chị em thống nhất chỉ nấu một món duy nhất: canh cà chua đánh một quả trứng gà nấu loãng.

Để tiết kiệm tiền ăn, hầu hết các công nhân nữ thường tổ chức nấu ăn chung trong phòng 3-4 người. Như trường hợp của nhóm công nhân Công ty Keyhinge Toys Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh) gồm 4 người  (quê Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) đang thuê nhà trọ tại tổ 14, phường Hòa Khánh Bắc để ở chung, với mức thu nhập mới vào làm chỉ 4-5 triệu đồng/tháng, bữa ăn sáng không ăn ngoài mà tự nấu là 1 gói mì ăn liền làm canh ăn cơm, bữa trưa thì ăn tại công ty, còn bữa tối thì tự nấu đơn giản với 2 món rau xào, canh... Nhóm công nhân này không dám nghĩ tới việc sẽ ăn cá khúc, thịt bò. Thỉnh thoảng, ngày Chủ nhật được nghỉ là lúc 4 chị em có thời gian dạo chợ để nấu một bữa ăn đường hoàng nhưng cũng không dám chi quá 100.000 đồng/ngày.

Chúng tôi tìm đến chợ công nhân tại các khu công nghiệp: chợ Thành Vinh (nằm trong Khu công nghiệp Hòa Khánh); một số chợ cóc trên một số tuyến đường của Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang... để hiểu thêm về đời sống công nhân.  Lúc 18 giờ 30 là thời điểm một số công ty, xí nghiệp trong các KCN tan ca; giờ này cũng là lúc ào ạt công nhân tạt vào chợ Thanh Vinh tranh thủ mua ít thực phẩm về nấu nướng cho bữa tối. Có chứng kiến mới thấy, đã cuối ngày nên các loại thực phẩm không còn tươi... Những quả cà chua được cắt bỏ phần hư để tận dụng, những mớ rau không còn độ tươi, hay cá biển đã ươn, những miếng thịt nhiều mỡ hơn nạc... Đi chợ vào giờ này giá nào cũng có thể trả được, bởi thực phẩm ở đây không rõ nguồn gốc, có nguy cơ ngộ độc nhưng công nhân đành nhắm mắt mua đại... vì rẻ, hợp với túi tiền ít ỏi hằng tháng.

Trong khi đó, tại chợ Chiều (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), khi trời nhá nhem tối cũng là lúc nhiều công nhân tại 2 khu công nghiệp trên địa bàn quận Sơn Trà đi chợ sau giờ tan ca. So với các chợ dành riêng cho công nhân, giá cả tại khu chợ này có phần “nhích” hơn nhưng vào lúc 6-7 giờ tối, có lẽ chỉ chợ này mới có đầy đủ các mặt hàng thực phẩm. Vừa mua được ít cá, chị Trần Thị Lý, công nhân tại Khu công nghiệp Đà Nẵng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, chợ Chiều là địa điểm thường xuyên chị ghé đến mỗi khi tan ca.. Giá cả các loại thực phẩm, đặc biệt là hải sản, thường giảm mạnh vào cuối giờ. Công nhân có thể thoải mái trả giá để mua được những thực phẩm vừa rẻ, vừa hợp túi tiền.

Có lẽ với chị Lý và nhiều công nhân khác, mức lương ít ỏi giữa các cơn “bão giá” khiến nỗi lo cơm áo gạo tiền càng thêm trĩu nặng. Việc tính toán chi tiêu hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng cho gia đình trở nên khó nhọc bởi tình cảnh “thắt lưng buộc bụng” diễn ra thường xuyên. Những bữa cơm tưởng đơn giản nhưng có lẽ còn lắm nỗi lo, xen lẫn những nhọc nhằn và cả những chật vật, khốn khó.

Chật vật chi tiêu

Tiền lương ít, cuộc sống thiếu thốn cùng với những gánh nặng, lo toan trên vai, ngoài những công việc chính, rất nhiều công nhân lựa chọn làm thêm những công việc khác ngoài giờ để nâng cao thu nhập. Đó có thể là bán quần áo, giày dép, thậm chí là chạy grab, những công việc bán thời gian như giúp việc, rửa bát cho những quán nhậu, nhà hàng... ở xung quanh những khu công nghiệp, xí nghiệp.

Trong cuộc trò chuyện vội vàng với chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, chúng tôi biết được, ngoài công việc chính tại công ty, chị Hiền còn nhận thêm việc rửa bát ở nhà hàng nằm trên đường Ngô Văn Sở (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Công việc này giúp chị kiếm được 4,5 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, chị có thể trả tiền học phí cho các con, tiết kiệm gởi về quê và trang trải những chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong giai đoạn bão giá này. Vì cuộc sống mưu sinh, chị Hiền chấp nhận những cơn mỏi mệt, những bữa ăn chỉ hơn 1 chén cơm vì thiếu sức. Đối với chị Hiền, một giấc ngủ trọn vẹn 8 tiếng dường như là điều xa xỉ.

“Mỗi ngày sau khi tan làm ở công ty, tôi phải chạy ngay tới nhà hàng để làm việc, điều đó khiến tôi rất mệt mỏi. Tính ra, tôi làm việc 15 tiếng mỗi ngày, trừ thêm những thời gian dạy con học, nấu ăn, rửa bát... thì tôi chỉ ngủ được 4 tiếng mỗi ngày”, chị Hiền bày tỏ.

Một trường hợp khác tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ là chị Alăng Rem, công nhân Công ty TNHH Việt Nam Tokai. Là đồng bào người Cơ tu ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chị Alăng Rem trước làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị bị thất nghiệp trong thời gian dài, đời sống gia đình càng khó khăn hơn. Nhìn vào đôi tay hằn đầy vết chai sạn, chị bùi ngùi cho biết, gia đình chị thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chị là lao động chính trong gia đình khi mẹ đang bị suy thận giai đoạn cuối cùng 2 người em vừa mới vào cấp 1. Nhiều lúc muốn gặp gia đình, người thân, thậm chí lúc đau ốm, cảm vặt nhưng chị Rem không dám nghỉ phép vì sợ mất tiền chuyên cần và tiền công hằng ngày. Với chị và nhiều công nhân khác, khoản chi phí này đủ để sinh sống 1 tuần, thậm chí là tiền trọ của tháng nếu ở ghép.

Vừa lau dọn chiếc xe điện cũ dùng để đi làm hằng ngày, anh Nguyễn Việt Hoàng (công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm) ngậm ngùi chia sẻ, cách đây vài năm, anh bị tai nạn lao động trong lúc thực hiện công việc. Từ đó, sức khỏe của anh giảm dần và phải sử dụng thuốc điều trị thuốc thường xuyên. Với mức lương 4 triệu đồng/tháng, chi phí điều trị trở thành gánh nặng đối với anh.

“Mỗi tháng, tiền thuốc thang, khám chữa bệnh đã tốn hơn 2 triệu đồng, còn những chi phí khác như tiền phòng trọ, tiền điện... cũng tốn của tôi gần 1 triệu đồng. Chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng để ăn uống khiến tôi rất khó khăn khi lựa chọn những món ăn chất lượng như yêu cầu của bác sĩ”, anh Hoàng trầm tư.

Nỗ lực làm thêm việc, sống thật tiết kiệm, cố gắng tăng ca… để có thêm chút tiền dành dụm gởi về chăm lo cho gia đình ở quê là lựa chọn của nhiều công nhân. Mỗi người lao động là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về đời sống công nhân...

X. DUYÊN - V. HOÀNG - C. THẮNG

;
;
.
.
.
.
.