ĐNO - Trình bày báo cáo của UBND thành phố tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố sáng 13-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, UBND thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng năm 2023, trong đó ưu tiên lựa chọn kịch bản với mức tăng trưởng 6,5-7%, là mức tăng trưởng có tính khả thi cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo các tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: TRỌNG HUY |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, sự khôi phục mạnh mẽ của các khu vực trong 9 tháng đầu năm 2022 đã góp phần đưa tổng sản phẩm xã hội của thành phố 9 tháng ước tăng 16,76% so với năm 2021, trong đó dịch vụ tăng 21,7%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,83%.
Tuy nhiên, trong quý 4-2022, khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm lại do những khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá nguyên nhiên vật liệu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5% và tháng 11 tăng 0,21% so với cùng kỳ 2021 (9 tháng ước tăng 11,7%).
Quý 4 cũng là thời điểm du lịch nội địa chững lại trong khi thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa được khôi phục đáng kể. GRDP quý 4-2022 ước tăng khoảng 9% so với quý 4-2021, thấp hơn mức tăng của 9 tháng đầu năm 2022.
Một số ngành, lĩnh vực vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như tổng lượt khách du lịch lưu trú năm 2022 bằng 49,7% so với năm 2019, GRDP khu vực công nghiệp - xây dựng bằng 94% và GRDP dịch vụ lưu trú, ăn uống bằng 88% so với năm 2019.
Những khó khăn hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023, cùng với dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại, nguy cơ cao về suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Sức ép lạm phát lớn, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng như: giá xăng, dầu, nguyên vật liệu; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống nguy cơ cao bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết như: thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng…
Trên cơ sở đó, UBND thành phố dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng năm 2023, gồm: Kịch bản 1 với tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2023 ước tăng 6,5-7%. Trong đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8-8,5%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3-3,5%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2023-2025 tăng bình quân 7,5-8%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5%/năm. Kịch bản 2, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2023 tăng 7-7,5%. Trong đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8,5-9%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3,5-4%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%.
Giai đoạn 2024-2025 dự kiến tăng trưởng bình quân 8,5-9%/năm, cả giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII tăng 9-10%).
Kịch bản 3, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2023 tăng khoảng 8%. Trong đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước đạt 9-9,5%.
Giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 4-4,5%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%. Giai đoạn 2024-2025 dự kiến tăng trưởng bình quân 9-9,5%/năm, cả giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 8-8,5%/năm (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII tăng 9-10%).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, với những khó khăn, thách thức như dự báo, cùng với quy mô GRDP năm 2022 (73.305 tỷ đồng) đã khôi phục và vượt quy mô của năm 2019 (69.456 tỷ đồng), tăng trưởng kinh tế của năm 2023 theo kịch bản 1 (tăng trưởng 6,5-7%) là khả thi.
Đối với kịch bản 2, tăng trưởng 7-7,5%, xấp xỉ tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2016-2019 (7,7%/năm) và kịch bản 3, tăng trưởng 8%, là kịch bản phấn đấu trong trường hợp những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới, trong nước có xu hướng giảm và các nền kinh tế được phục hồi khả quan hơn.
T. HUY - L. PHƯƠNG - N. PHÚ